Vì sao nông nghiệp công nghệ cao đang lan rộng ở Hòa Bình, từ trồng cam, nuôi gà đặc sản, rau sạch?
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang lan rộng ở Hòa Bình, từ trồng cam, nuôi gà đặc sản, rau sạch
Phạm Hoài
Thứ sáu, ngày 01/11/2024 09:33 AM (GMT+7)
Cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy, gà Lạc Thủy, rau sạch Quyết Chiến… đã trở thành những đặc sản xứ Mường tỉnh Hòa Bình được nhiều người tiêu dùng biết đến. Những năm vừa qua, việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị sản phẩm của tỉnh Hòa Bình đã được thực hiện, giúp nông sản vươn xa.
Tân Lạc - vựa bưởi đỏ ngon trứ danh được người tiêu dùng trên cả nước biết đến, hiện có sản phẩm bưởi đỏ đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Bà con nông dân trồng bưởi đã có cuộc sống sung túc, nhiều người còn trở thành tỷ phú.
Ở Thung Cha (huyện Tân Lạc), tôi có dịp gặp người ông Bùi Văn Thi - Giám đốc HTX Organic Hopefarm. Cách đây chục năm, ông Thi đã mạnh dạn phối hợp với một số đối tác ở Hà Nội mua khu đất rộng 30ha để trồng cây có múi theo hướng hữu cơ. Suốt mấy năm đầu vỡ đất, trồng cây và chăm sóc vườn cam, vườn quýt, ông Thi chỉ dùng phân hữu cơ để bón cho đất, cho cây. Ông không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Hành trình làm sản phẩm hữu cơ của ông trải qua nhiều gian nan.
Theo chia sẻ của ông Thi, khi mới bắt đầu thì canh tác hữu cơ sẽ gặp khó khăn do cây yếu, sâu bệnh nhiều, nhưng khi đã hoàn thành giai đoạn chuyển đổi thì rất nhàn. Nhờ việc áp dụng công nghệ tưới tự động và cách chăm sóc cây một cách khoa học mà đến nay HTX đã đưa ra thị trường sản phẩm cam và quýt hữu cơ Thung Cha.
Hiện nay, HTX Organic Hopefarm đã trồng được 20ha cam, quýt. Tất cả sản phẩm của HTX đều được dán nhãn công nhận sản phẩm hữu cơ, giá bán cao gấp 2 - 3 lần so với sản phẩm thông thường. "Mình đã mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Sau mỗi năm, HTX lại rút ra được kinh nghiệm quý báu chăm sóc cây. Vui hơn là người tiêu dùng đã đón nhận sản phẩm hữu cơ rất tốt, giờ HTX không có đủ hàng để bán" - ông Thi bộc bạch.
Ở xứ Mường còn có một đơn vị nữa cũng đã dám đi đầu trong việc sản xuất rau hữu cơ. Đó là HTX Nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, ở xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc). Cách đây cả chục năm, HTX đã mạnh dạn thuê đất và trồng rau hữu cơ. HTX đầu tư hệ thống tưới phun mưa tự động để sản xuất các loại rau, củ theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn. Tất cả các khâu từ làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch rau đều có cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ...
Theo chia sẻ của bà Cấn Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX V-ORGANIC, với việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, tiêu chuẩn an toàn, các loại rau do HTX sản xuất được đánh giá có độ ngọt, thơm ngon; năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha. Đầu ra sản phẩm luôn ổn định, 100% sản phẩm được tiêu thụ qua hợp đồng với đối tác tại Hà Nội, mức giá đảm bảo.
Xứ Mường trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao
Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã cấp và quản lý 30 mã số vùng trồng. Trong đó 21 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích canh tác là 321,7ha, gồm: 12 mã số trên cây bưởi, 3 trên cây nhãn, 4 trên cây chuối và 2 mã số trên cây thanh long.
Phong trào làm sản phẩm sạch có chất lượng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã dần lan ra khắp đất Mường. Bên cạnh sự chủ động của người nông dân, UBND tỉnh Hòa Bình cũng rất chú trọng đến việc này. Ngoài việc khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cũng đã có những hành động thiết thực nhằm cổ vũ và đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Ngay từ năm 2013, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 3030 phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cụ thể hóa tại các đề án, kế hoạch của tỉnh. Năm 2024, các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Sở NNPTNT đề xuất UBND tỉnh cập nhật, điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch tỉnh đến năm 2030. Trong giai đoạn công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản, công nghệ vệ tinh viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành đã có những kết quả đáng kể.
Trong đó, phải kể đến việc ứng dụng công nghệ vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường; công nghệ thâm canh quản lý tổng hợp (ICM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm thực hiện...
Bằng những việc làm thiết thực và những chính sách cụ thể, việc ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Hòa Bình đã đạt được những bước tiến đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 150 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm, hộ sản xuất áp dụng các công nghệ này được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích khoảng 2.300ha trồng trọt, trên 200.000m3 diện tích nuôi trồng thủy sản, 1.600 tấn sản phẩm thịt/năm. Tỉnh có khoảng 120 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hầu hết đều áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động. Có 4 cơ sở ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản chế biến.
Thống kê của Sở NNPTNT, toàn tỉnh Hòa Bình hiện có khoảng 80 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có 400 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, được quảng bá trên hệ thống hb.check.net.vn. Số lượng các đơn vị lắp hệ thống camera có kết nối internet, lập các website công ty quảng bá sản phẩm ngày càng tăng.
Theo ông Vương Đắc Hùng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, việc kế thừa và phát huy các ưu điểm của công nghệ sinh học đã bổ sung nhiều giống cây trồng, vật nuôi tạo bộ giống phong phú; công nghệ thâm canh, quản lý cây trồng tổng hợp... đã góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giảm công lao động, chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng diện tích. Sản phẩm nông, lâm, thủy sản được bán trên các ứng dụng số, sàn thương mại điện tử ngày càng nhiều, dễ tiếp cận với nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu chính ngạch hơn 1.300 tấn nông sản sang các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu (Hà Lan, Séc, Đức...). Các sản phẩm chuối, chè, măng, mía... được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.