Hoài Ngọc
Thứ ba, ngày 05/11/2024 09:25 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, khu du lịch hồ Hòa Bình đang dần thực hiện được 5 tiêu chí để trở thành khu du lịch quốc gia.
Trong những năm qua, khai thác du lịch khu lòng hồ Hòa Bình đã đạt được kết quả khả quan. Sau mỗi năm, từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách du lịch được cải thiện đáng kể, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách…
Xứ Mường được thiên nhiên ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Cả một vùng non xanh thủy tú chạy dài từ vùng thấp cho đến vùng cao. Từ khi Thủy điện Hòa Bình đóng cống đã tạo tặng cho xứ Mường hồ nước trải dài trên 200km từ TP.Hòa Bình tới đất Sơn La. Con sông Đà hung dữ ngày nào đã được chẩn trị và biến thành biển nước tựa như "vịnh Hạ Long trên cạn". Các khu du lịch được xây dựng hiện đại, hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp thường xuyên, bà con sống dọc vùng lòng hồ năng động… đã và đang tạo nên khu du lịch hấp du khách trong và ngoài nước. Đến nay, khu du lịch hồ Hòa Bình đã đáp ứng được 3/5 tiêu chí để tiến nhanh tới "đích" khu du lịch quốc gia.
Lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch hồ Hòa Bình
Để khu du lịch hồ Hòa Bình tiến nhanh tới "đích" khu du lịch quốc gia, tỉnh Hòa Bình đang đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên với các dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao; đảm bảo có đủ số lượng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao để đủ điều kiện quy định về khu du lịch quốc gia.
Hồ Hòa Bình đã làm thay đổi cuộc sống của bà con người Mường, người Thái, người Dao vốn chỉ trông chờ vào nương, vào rẫy. Tận dụng mặt nước lòng hồ bà con đã nuôi cá, đánh bắt thủy sản… và đặc biệt là trong 20 năm trở lại đây bà con đã mạnh dạn khai thác lợi thế của vùng lòng hồ để làm du lịch.
Lòng hồ Hòa Bình bắt đầu từ TP.Hòa Bình kéo dài lên phía Tây qua các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu. Đây là điều kiện lý tưởng để bà con và các doanh nghiệp xây dựng các khu nghỉ dưỡng dọc lòng hồ. Xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) đã hình thành cả một làng làm du lịch. Bà con người Mường đã khéo léo dựng lên xóm du lịch hấp dẫn. Mỗi năm nơi này thu hút hàng nghìn lượt du khách đến trải nghiệm. Hiện nay, toàn huyện Đà Bắc có cả trăm homestay được tạo lập. Dọc bờ tả hồ thủy điện Hòa Bình, tại các xã Đoàn Kết, Vầy Nưa (huyện Đà Bắc) hay ở các đảo nhỏ, nhiều doanh nghiệp và người dân đã, đang xây dựng những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Ở bên bờ hữu của lòng hồ thủy điện Hòa Bình, việc khai thác du lịch cũng đang phát triển nhanh chóng. Cảng Bích Hạ nằm trên thủy điện, cảng Thung Nai… tàu thuyền chở khách du lịch ra vào tấp nập. Đi thuyền dọc lòng hồ là trải nghiệm vô cùng thú vị. Thiên nhiên đất Mường vốn đã non xanh thủy tú, giờ có thêm vùng biển hồ đã tạo nên sức hấp dẫn riêng mà ít nơi có được. Ngồi thuyền ngắm cảnh non nước mây trời xứ Mường, du khách còn được thưởng thức đặc sản của vùng lòng hồ: Món cá nướng của người Thái, món rau đồ lòng cá của người Mường hay những ếp xôi nương dẻo thơm… khiến du khách mê mẩn.
Một lợi thế nữa là nơi này còn có đền Thác Bờ. Nơi thờ bà chúa đất Mường luôn là điểm đến tâm linh thu hút du khách. Hành trình khám phá lòng hồ luôn là một tour hấp dẫn, mỗi khi du khách dừng chân ở khu nghỉ dưỡng dọc hai bên hồ đều được trải nghiệm nền văn hóa đậm đà bản sắc của người Thái, người Dao và người Mường. Mỗi vùng, mỗi điểm đến đều có nét đặc sắc riêng, gợi bao niềm thương nhớ.
Đạt 3/5 tiêu chí của khu du lịch quốc gia
Khu du lịch hồ Hòa Bình đã có hơn 100 cơ sở lưu trú, thu hút 1.200 lao động. Trong khu du lịch, có khoảng 300 phương tiện vận chuyển khách. Hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi, điểm du lịch, các tour tuyến được xây dựng và kết nối với các địa phương trong tỉnh, trong nước, tạo nên một hệ sinh thái du lịch khá đa dạng, thu hút nhiều du khách với 1 điểm du lịch cộng đồng đạt 4 sao, 1 điểm du lịch cộng đồng đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP.
Để xây dựng khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch cấp quốc gia, ngày 22/6/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình, đặt mục tiêu đến năm 2030 nơi đây trở thành khu du lịch cấp quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là một trong 12 khu du lịch trọng tâm của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ Hòa Bình. Từ đây, các nguồn lực được huy động, hoạt động du lịch tại Khu du lịch hồ Hòa Bình có nhiều khởi sắc.
Theo quy hoạch được duyệt, khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đến năm 2035 có quy mô khoảng 52.200ha, trải dài qua các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu và TP.Hòa Bình. Nơi đây, ngoài cảnh quan sơn thủy hữu tình, thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ… còn có nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh. Các điểm đến hấp dẫn hơn cả phải kể đến điểm du lịch tâm linh đền bà Chúa Thác Bờ, động Thác Bờ, động Hoa Tiên, vịnh Ngòi Hoa, đảo Dừa, đảo Ngọc... cùng những bản làng của đồng bào dân tộc Mường, Dao yên bình, mang sắc thái văn hóa đặc trưng vùng hồ sông Đà.
Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch, đồng thời khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế vùng hồ, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật khu du lịch. Đặc biệt về hạ tầng giao thông, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình nối Đại lộ Thăng Long với TP.Hòa Bình được đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hòa Bình. Tuyến đường tỉnh 435 từ TP.Hòa Bình lên cảng Thung Nai (Cao Phong) được mở rộng và nâng cấp; một số tuyến đường kết nối các điểm trong khu du lịch cùng hệ thống điện lưới, viễn thông tại các khu, điểm du lịch được chú trọng đầu tư. Từ đó mở ra cơ hội cho hồ Hòa Bình thu hút khách, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và các sản phẩm du lịch.
Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay, khu du lịch hồ Hòa Bình đạt 3/5 tiêu chí của khu du lịch quốc gia. Trong 5 điều kiện để được công nhận khu du lịch quốc gia, hồ Hòa Bình đã đạt 3 điều kiện gồm: Có ít nhất 2 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.
Hiện nay, khu vực hồ Hòa Bình thu hút 16 dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ với tổng nguồn vốn khoảng 3.300 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô lớn đang triển khai trên khu du lịch như: Khu du lịch thiên nhiên Robinson do Công ty CP Du lịch Hòa Bình làm chủ đầu tư; khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa do Công ty CP đầu tư năng lượng - xây dựng - thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư; khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh do Công ty CP Mora Group làm chủ đầu tư...
Bên cạnh đó là hệ thống khách sạn, resort, nhà nghỉ cộng đồng cùng hàng trăm phương tiện tàu, thuyền vận chuyển, hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi... Các tour, tuyến được xây dựng, kết nối với nhiều địa phương trong tỉnh và trong nước tạo nên hệ sinh thái du lịch đa dạng. Chất lượng sản phẩm du lịch được nâng lên, trên khu du lịch có 1 điểm du lịch cộng đồng đạt 4 sao, 1 điểm du lịch cộng đồng đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP.
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.