Địa bàn Đồng Nai đã phát hiện nhiều dấu tích của cư dân tiền sử. Số lượng di chỉ được khai quật, hiện vật được thu thập đa dạng về loại hình, chất liệu… phản ánh cư dân cổ qua những giai đoạn sinh tồn.
Mộ Cự thạch Hàng Gòn, khu vực Long Khánh - Xuân Lộc, di tích lịch sử cấp quốc gia - thu hút nhiều người tham quan ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh tư liệu
Vùng đất Đồng Nai và phụ cận là một trong những trung tâm phát triển mạnh mẽ của cư dân thời kim khí ở Nam Bộ.
Những hiện vật khảo cổ thời tiền sử ở Đồng Nai được lưu giữ nhiều nơi qua phát hiện của những nhà nghiên cứu người Pháp và Việt Nam về sau. Những di chỉ, hiện vật khảo cổ thời tiền sử là nguồn tư liệu quý về lịch sử phát triển các nền văn hóa của Việt Nam.
Di chỉ khảo cổ học thời tiền sử ở Đồng Nai gồm loại hình: cư trú, công xưởng chế tác, mộ táng… được phân bố ở những địa hình khác nhau. Riêng loại hình di chỉ mộ táng chiếm một tỷ lệ không nhiều.
Một số địa điểm ở Đồng Nai phát hiện các dấu tích liên quan mộ táng ở Dầu Giây, Hàng Gòn, Phú Hòa, Suối Chồn cho thấy hình thức hỏa táng, dùng vò gốm làm áo quan và những đồ tùy táng bằng nhiều chất liệu. Niên đại của các di chỉ xác định cách ngày nay khoảng 2.500 năm.
Bên cạnh những di chỉ, hiện vật được phát hiện với những giá trị cần được bảo tồn, cũng cần nói thêm rằng, lòng đất Đồng Nai vẫn còn ẩn chứa những dấu tích về cư dân cổ chưa được phát hiện. Đó là những “trang sử chưa được đọc”, cần tiếp tục phát hiện, thu thập, nghiên cứu. |
Di chỉ Phú Hòa (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) qua phát hiện của các nhà nghiên cứu trước và sau năm 1975, cho thấy những dấu tích về các quan tài bằng chum gốm, trong đó có những hiện vật gốm: đĩa, nồi, bình, chân đèn; đồ trang sức từ nhiều chất liệu gồm đá, đồng, sắt, thủy tinh (hạt chuỗi nhiều màu sắc, vòng tay, khuyên tai) và công cụ bằng sắt (búa, lưỡi hái, kiếm).
Di chỉ Suối Chồn (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là nơi cư trú và chôn cất của người cổ thời đại sắt. Nhiều hiện vật được phát hiện, trong đó có 19 ngôi mộ, quan tài bằng gốm.
Tùy theo các mộ có những đồ tùy táng khác nhau hoặc không có. Nồi gốm và đồ trang sức (bông tai đá, hạt chuỗi, khuyên tai ba mấu bằng thủy tinh màu xanh lục, hình cầu dẹt) được chôn trong vò gốm khá nhiều; đặc biệt, công cụ sắt có 2 rìu, 3 kiếm.
Di chỉ Gò Me ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) qua 2 lần khai quật (năm 2004, 2019), hiện vật cổ xưa được thu thập khá nhiều về loại hình, kích cỡ và chất liệu.
Đặc biệt, cuộc khai quật lần thứ nhất phát hiện 4 ngôi mộ, trong đó có 2 di cốt người. Di cốt của một người đàn ông tuổi từ 25-30 và một thanh niên khoảng 17 tuổi.
Một số đồ tùy táng trong mộ gồm: rìu đồng, vòng tay đồng, hạt chuỗi, mũi lao bằng xương và một số xương động vật. Niên đại di chỉ được xác định cách ngày nay từ khoảng 3 ngàn năm. Di chỉ Gò Me được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2023.
Di chỉ Mộ cự thạch Hàng Gòn thuộc xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh. Kỹ sư người Pháp Jean Bouchot phát hiện năm 1927 khi chủ trì mở tuyến đường qua địa phận đồn điền cao su.
Những thông tin về di chỉ với hình thức mộ táng bằng đá thu hút các nhà nghiên cứu quốc tế. Kiến trúc hầm mộ dạng khối chữ nhật được tạo dựng từ những tảng đá hoa cương to lớn. Xung quanh là những trụ đá cao, nhiều kích thước nằm ngổn ngang.
Trong phần mộ có những bình gốm đựng than tro. Qua những lần mở rộng phạm vi khai quật về sau, các nhà khảo cổ đã thu thập một số hiện vật gốm, đá và đồng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, kiến trúc của hầm mộ rất độc đáo, được xây dựng không chỉ từ sức mạnh đoàn kết mà còn thể hiện kỹ thuật, tài năng của cư dân cổ.
Nhiều bí ẩn liên quan di tích vẫn còn chờ được giải mã: Lý do nào để cư dân cổ xây hầm mộ to lớn và dạng thức hình chữ nhật? Những người được mai táng trong mộ có vị thế trong xã hội? Tín niệm và hình thức, nghi lễ liên quan trong tín niệm, mai táng cho người chết?...
Tượng cổ điêu khắc con trút bằng đồng phát hiện ở Long Giao (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Con trút hay còn gọi là con xuyên sơn, loài động vật có vú thuộc bộ tê tê-một loài động vật hoang dã.
Năm 1930, di tích được đưa vào danh mục cổ tích quan trọng xứ Nam Kỳ. Năm 1982, Mộ Cự thạch Hàng Gòn được xếp hạng di tích cấp quốc gia và năm 1994 được công nhận là một trong 10 di tích quan trọng ở Nam Bộ.
Tượng trút (dân gian gọi là tê tê) phát hiện tại Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) năm 1985 và sau đó được cơ quan chức năng tiếp nhận năm 1990.
Hiện nay, tượng con động vật hoang dã này được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. Tượng động vật điêu khắc một con trút làm từ chất liệu đồng (cao 7,5cm, rộng 9,5cm, dài 37,3cm, trọng lượng 2,65kg).
Thông tin từ người dân cho biết, khi phát hiện tại khu vực Đồi 57 (thị trấn Long Giao) có 2 tượng (1 con đực và 1 con cái). Tượng con cái có điểm khác là trên lưng có thêm chi tiết cõng tê tê con nhưng đã không còn. Niên đại của tượng cách đây khoảng 2.500 năm.
Di chỉ và di vật phát hiện ở Đồng Nai khá nhiều, phản ánh qua các loại hình, chất liệu, quy mô, kích cỡ. Những nguồn tư liệu quý được khai quật, phát hiện, thu thập qua khảo cổ đã góp phần về mặt tư liệu cho việc nghiên cứu đời sống của cư dân tiền sử.
Trong môi trường sống tự nhiên hoang dã, đối diện với những nguy cơ cho việc sinh tồn, cư dân cổ đã thích nghi và dần hình thành những nhận thức của con người về thế giới.
Dù số lượng phát hiện tượng thú (tê tê/trút) không nhiều nhưng phản ánh một dạng thức Tô tem giáo của cư dân cổ. Đồng thời, phản ánh về trình độ nghệ thuật luyện kim, điêu khắc và cảm nhận về mỹ thuật của cư dân cổ trên vùng đất này vào thời kỳ kim khí phát triển trước khi nhà nước thành lập.
Những di chỉ mộ táng ở Đồng Nai cho thấy nhận thức của con người về thế giới sau khi chết. Họ có niềm tin, con người cần sống ở thế giới bên kia thực tại nên đã tìm cách bảo tồn thi thể trong những quan tài bằng gốm, đá. Lưu giữ dấu tích về người chết bằng sự chôn cất trong các phần mộ, gửi theo những đồ tùy táng để họ có thể sử dụng khi qua đời. Từ những tín niệm đó, cư dân cổ đã làm nên những cấu kết kiến trúc đơn giản hay bền vững trong điều kiện có được dành cho người chết.
Nghiên cứu khảo cổ ở tỉnh Đồng Nai cần được đặt trong bối cảnh của các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ và lân cận để kế thừa, tham khảo, bổ sung tư liệu góp phần khắc họa bức tranh đầy đủ về những lớp cư dân tiền sử.