Với việc chiến thắng ở loạt bang chiến trường, kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính tới 13h30 ngày 6/11(theo giờ Việt Nam) cho thấy ông Donald Trump đã giành số phiếu đại cử tri vượt ngưỡng 270 phiếu cần thiết trong cuộc bầu cử tổng thống. Qua đó, ông Trump chính thức giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà trắng, trở thành vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
- Rủi ro lạm phát
Các nhà phân tích FinAdvisor nhận định: Các chính sách thương mại có thể trở nên phức tạp và khó dự đoán hơn khi ứng viên Đảng Cộng hòa đắc cử. Bởi ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh về bảo hộ kinh tế Mỹ bằng cách tăng thuế nhập khẩu và hạn chế nhập cư. Điều này gây ra rủi ro lạm phát tại Mỹ, ảnh hưởng gián tiếp đến các đối tác thương mại như Việt Nam.
Đồng thời, trong quá khứ, ông Trump từng đề xuất mức thuế 60% cho hàng hóa nhập từ Trung Quốc và 10% cho tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới này coi Việt Nam là "cửa ngõ" cho hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ.
Trong khi đó, ông Frederic Neumann từ HSBC tin rằng, Tổng thống Trump sẽ có xu hướng chọn lọc hơn trong việc áp thuế trước những lo ngại về lạm phát trong nước và do đó, tác động đến Việt Nam có thể không quá nghiêm trọng như dự đoán.
- Tỷ giá có thể 'nhảy múa' nhưng "kinh tế Việt Nam đủ mạnh để thích ứng"
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng bày tỏ mong muốn kiểm soát chính sách tiền tệ nhiều hơn để giữ lãi suất thấp và đồng USD mạnh nhằm hỗ trợ thương mại trong nước. Giới chuyên môn cho rằng, việc tăng thuế, thắt chặt kiểm soát nhập cư có thể khiến Fed cẩn trọng hơn trong việc giảm lãi suất.
Với những tác động tới Việt Nam, chuyên gia Neumann từ HSBC tin rằng, kinh tế Việt Nam đủ mạnh để thích ứng với biến động tỷ giá từ 10-20%. Điều này cho thấy, sức mạnh nội tại của Việt Nam trong việc đối phó với sự biến động từ chính sách của Mỹ.
Cập nhật số liệu từ Bộ công thương, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ nhờ các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, giày dép, đồ nội thất và nông sản.
- Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ
Ông Trump đã tuyên bố sẽ gia tăng thuế quan với mức thuế 10% tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế 60% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông thắng cử nhiệm kỳ hai.
FinAdvisor cho biết, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam xuất phát từ yếu tố nhân công giá rẻ, cơ sở hạ tầng cải thiện và mối quan hệ thương mại bền vững, cho phép Việt Nam tiếp tục phát triển xuất khẩu, bất kể chính sách có thay đổi.
Neuman cũng cho rằng, sức cạnh tranh của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào chính sách thuế quan mà còn đến từ sự linh hoạt và khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là yếu tố "then chốt" giúp Việt Nam giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng và duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Đồng quan điểm, nhà phân tích đến từ FinAdvisor cũng nhấn mạnh rằng, bất kể ai đắc cử, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Nguyên nhân do Việt Nam hiện là điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng.
Chi tiết cho ngành, các nhà phân tích của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dưới thời của Donald Trump, Mỹ có thể sẽ áp thuế 60%-100% với hàng thủy sản của Trung Quốc và 10%-20% với các nước khác. Vì vậy, ngành cá tra hưởng lợi tùy thuộc vào mức thuế nhập khẩu nhờ giá bán sau thuế thấp hơn 15%-18% so với cá Minh Thái Alaska (Mỹ) và thấp hơn 60-100% cá rô phi (Trung Quốc). Ngành tôm Việt Nam dự báo không hưởng lợi tại Mỹ do phải cạnh tranh trực tiếp với các nước mạnh về tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc cũng ít xuất sang Mỹ.
Dự đoán về tác động sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, TS. Kinh tế Vũ Hoàng Linh, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Nhìn chung, Việt Nam không chịu ảnh hưởng trực tiếp của các chính sách kinh tế của cả hai ứng cử viên".
Cụ thể, trong ngắn hạn, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ hưng phấn, góp phần thúc đẩy tích cực tới thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Về dài hạn, vị chuyên gia cho rằng rất khó đoán định do phụ thuộc vào việc ông Trump sẽ thực hiện đến đâu những lời hứa khi bầu cử?.
Dẫn ví dụ, ông Linh đề cập đến việc tăng thuế quan với hàng nhập khẩu của tất cả các nước và đặc biệt đánh thuế 60% với hàng Trung Quốc.
Trong trường hợp này, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ngày càng gay gắt. Tác động tới Việt Nam sẽ có cả tích cực và tiêu cực.
Trong đó, mặt tiêu cực là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng đứng trước nguy cơ thuế quan cao.
Mặt khác, Việt Nam có thể ở vị thế tốt hơn trong xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ so với Trung Quốc. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng cần cẩn trọng trước khả năng hàng Trung Quốc sẽ "mượn" Việt Nam là nơi trung chuyển và xuất khẩu sang Mỹ như hàng Việt Nam.
"Khi đó thì lợi ích thực sự với việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước không nhiều, chưa kể Việt Nam còn đứng trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt thương mại....", ông Linh nhận định.
Về diễn biến của tỷ giá USD/VND, ông Linh cho rằng, chưa chắc ông Trump lên sẽ làm giảm giá trị đồng USD. Một mặt, ông Trump lên được nhiều nhà đầu tư coi là tin tốt cho chứng khoán và kinh tế Mỹ do ông Trump có thể giảm thuế và được kỳ vọng là điều hành kinh tế tốt hơn bà Harris. Điều này sẽ dẫn tới tăng chi tiêu và tăng trưởng kinh tế cao hơn, kích thích dòng vốn đổ vào Mỹ và điều này sẽ làm tăng giá đồng USD.
Thêm vào đó, việc ông Trump có thể tăng thuế nhập khẩu, kéo theo giá hàng hóa trong nước đắt hơn, tạo ra áp lực lạm phát (cùng với việc tăng chi tiêu của người tiêu dùng do giảm thuế). Lúc này, áp lực lạm phát sẽ khiến Fed không cắt giảm lãi suất như kỳ vọng, kéo theo đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá. Thực tế là ngay khi có tin ông Trump gần như đắc cử, đồng bạc xanh đã bật tăng, cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn.
Trong dài hạn, giá trị đồng USD sẽ thay đổi như thế nào còn tùy thuộc vào các chính sách thương mại và cách điều hành của Chính phủ cũng như mức lạm phát, do vậy rất khó nói trước. Ông Trump có thể muốn thi hành một chính sách đồng USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu.
"Thế nhưng làm thế nào ông có thể làm được điều này lại không dễ dàng, khi mà Fed vẫn là cơ quan độc lập trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, việc đánh thuế nhập khẩu cao với hàng hóa nhập khẩu sẽ không làm đồng USD yếu đi được và có thể còn có tác dụng ngược lại", ông Linh nêu.
Về phía Việt Nam, nếu quả thực Trump thành công trong việc làm đồng bạc xanh yếu đi đồng nghĩa, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
"Tuy nhiên, tôi không quá quan ngại về vấn đề tỷ giá và cho rằng việc duy trì một tỷ giá ổn định là điều kiện quan trọng cho thương mại hơn một chính sách đồng tiền yếu hay mạnh, là thứ rất dễ bị Mỹ quy kết là quốc gia thao túng tỷ giá", vị chuyên gia đề cập..