Tại Tờ trình số 685/TTr - CP của Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã đề xuất việc lựa chọn công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật cho dự án này.
Về công nghệ, Chính phủ cho biết, qua nghiên cứu cho thấy trên thế giới có 3 loại hình công nghệ đường sắt tốc độ cao bao gồm: Công nghệ chạy trên ray, tốc độ khoảng 250 – 400 km/h, chi phí đầu tư trung bình, được đa số các quốc gia trên thế giới lựa chọn; Công nghệ chạy trên đệm từ trường, tốc độ khoảng 600 km/h, chi phí đầu tư cao, chưa phổ biến; Công nghệ chạy trong ống, tốc độ lên đến khoảng 1.200 km/h, chi phí đầu tư rất cao, mới đang xây dựng thủ nghiệm.
Căn cứ mức độ tin cậy, hiệu quả, khả năng làm chủ công nghệ, kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, Chính phủ kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray.
Công nghệ đoàn tàu: với điều kiện địa hình đi qua nhiều vùng núi, độ dốc dọc lớn, quy mô công trình chủ yếu là cầu, hầm nên để tăng sức kéo đề xuất tàu khách sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán, tàu hàng sử dụng động lực tập trung. Theo Tờ trình, đây là loại công nghệ đang phổ biến hiện nay.
Về thông tin tín hiệu: tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao (Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản). Trong bước tiếp theo sẽ tiếp tục cập nhật công nghệ tiên tiến hiện đại, có độ tin cậy và hiệu quả.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật, Tờ trình cho biết, cề lựa chọn tốc độ thiết kế: Tốc độ 200 - 250 km/h đã phát triển cách đây khoảng 50 năm và phổ biến trong giai đoạn khoảng 25 năm trở về trước, phù hợp với các tuyến ngắn và trung bình; Tốc độ 350 km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.
Cùng đó, kinh nghiệm thế giới cho thấy với chiều dài tuyến lớn hơn 800 km thì tốc độ 350 km/h hấp dẫn hơn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với tốc độ 250 km/h.
Theo tính toán của tư vấn, so sánh giữa đường sắt tốc độ cao với hàng không trên chặng Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ 350 km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/h.
Cùng đó, chi phí đầu tư tốc độ 350 km/h cao hơn tốc độ 250 km/h khoảng 8 - 9%. Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250 km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350 km/h là khó khả thi và không hiệu quả.
Vì vậy, Chính phủ kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h cho ĐSTĐC trên trục Bắc Nam để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế nước ta.
Trước đó, sau giờ họp Quốc hội ngày 6/11, chiều tối cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trục Bắc - Nam.
Trình bày Báo cáo tóm tắt tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã đánh giá bối cảnh trong nước, quốc tế và tình hình phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đồng thời đã nêu rõ lý do tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chưa được Quốc hội thông qua vào năm 2010 do còn có ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế tại thời điểm năm 2010 thấp (GDP là 147 tỷ USD).
Tại thời điểm đó, tổng mức đầu dự án khoảng 55,8 tỷ USD (tương đương 38% GDP), nợ công ở mức cao (56,6% GDP).
Với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP.
"Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.