Đoàn tàu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lắp ráp tại Trung Quốc tốn chi phí gấp 1,8 lần đi mua
Đoàn tàu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lắp ráp tại Trung Quốc tốn chi phí gấp 1,8 lần đi mua
Thế Anh
Thứ ba, ngày 05/11/2024 12:19 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025 - 2026 và khởi công cuối năm 2027.
Theo tờ trình của Bộ GTVT về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điểm đầu dự án đặt tại ga Ngọc Hồi, TP.Hà Nội và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, TP.HCM với tổng chiều dài khoảng 1.541 km.
Dự án đường sắt tốc độ cao đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Quy mô đầu tư mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn.
Dự án án được tính toán sơ bộ sử dụng đất khoảng 10.827ha. Hình thức đầu tư là đầu tư công, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD).
Thông tin về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Dự án sẽ được lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025 - 2026 và khởi công cuối năm 2027.
Cùng đó, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035. Chính phủ cũng đề xuất dự án được áp dụng một số cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù áp dụng để triển khai.
Thứ trưởng Huy cho hay, Bộ GTVT rất cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia... đây là những ý kiến rất tâm huyết, có những vấn đề Bộ GTVT chưa lường hết. Phát triển công nghiệp đường sắt tốc độ cao đòi hỏi nghiên cứu rất cẩn trọng, chuyển giao công nghệ cũng vậy.
Theo Thứ trưởng Huy, để sản xuất một đoàn tàu tốc độ cao lắp ráp tại Trung Quốc thì chi phí gấp 1,8 lần mua. Ngoài mua công nghệ, mỗi năm Trung Quốc còn bỏ ra 2 tỷ USD (liên tục 10 năm) để phát triển công nghiệp đường sắt. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, thị phần phải trên 10.000km thì làm chủ công nghệ mới đảm bảo hiệu quả.
Tuy nhiên, trong xây dựng thì tiến tới chúng ta phải làm chủ toàn bộ. Đã có đề án phân công nhiệm vụ, Bộ Công thương làm gì, Bộ Xây dựng làm gì... Trong đề án đã đề cập đến kinh phí đào tạo nhân lực để làm chủ.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao máy móc, thiết bị thế nào cho hiệu quả cũng đã được tính toán kỹ lưỡng để tránh lãng phí. Hiện nay, chỉ có 4 nước xây dựng bộ tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao, các quốc gia còn lại đều vận dụng các tiêu chuẩn trên thế giới.
Hiện, Bộ GTVT không định hướng công nghệ nào cả, điều này để tránh chúng ta bị phụ thuộc. Chúng tôi tham khảo một số tiêu chuẩn tiên tiến như tiêu chuẩn châu Âu, vì có tính mở. Đối với đội ngũ tư vấn sẽ huy động từ nước ngoài, còn với những dịch vụ, hàng hóa mà Việt Nam làm chủ được thì phải sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.