Trong kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh định hướng "xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới".
Chính phủ đã thống nhất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/h, vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu; đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương.
Đối với việc huy động nguồn lực đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến khoảng hơn 67 tỷ USD và hoàn toàn sử dụng vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng nhu cầu nguồn vốn và phương án đầu tư.
Nói rõ hơn về phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Huy thông tin, dự án đường sắt tốc độ cao có thời gian giải ngân của chúng ta khoảng 12 năm. Như vậy, bình quân mỗi năm chúng ta cần 5,6 tỷ USD. Nếu tính tỉ lệ so với GDP (dự kiến khởi công năm 2027), khoảng 1% GDP.
Với quy mô nền kinh tế, với mức nợ công như hiện nay, Bộ GTVT cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính để đánh giá cả những chỉ tiêu tài chính vĩ mô. Bộ GTVT cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng cân đối vốn cũng như các đánh giá, tính toán khác.
Từ đó, thấy được việc cân đối nguồn vốn và huy động nguồn vốn không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay.
Xây dựng các kịch bản đầu tư
Đối với những lo ngại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho rằng, với nguồn lực tài chính tổng thể theo dự toán thu chi ngân sách của cả 3 giai đoạn thì phải luôn chủ động xây dựng các kịch bản căn cứ vào kết quả thu chi hằng năm.
Tức là phải tính đến ưu tiên chiến lược trong từng giai đoạn, dự toán ngân sách đầu tư trong 3 giai đoạn sẽ dự kiến tổng thể chi đầu tư phát triển đồng bộ với các dự án của các ngành, lĩnh vực, bảo đảm cân đối đồng bộ, tổng thể và hài hòa, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và sự điều hành của Chính phủ.
Cùng đó, cũng phải bảo đảm cân đối tổng thể cho các nhiệm vụ chi cho các mục tiêu quốc gia, các chương trình trọng điểm gắn với ưu tiên chiến lược về kinh tế của đất nước theo chủ trương, định hướng của Đảng, của Quốc hội và sự điều hành linh hoạt của Chính phủ.
Thứ trưởng Khắng phân tích, dựa trên sự khẳng định về tính tổng thể cũng như những vấn đề ưu tiên trong phương án tài chính và việc phác thảo nên một dự án, một phương thức vận tải mới không triệt tiêu những phương thức khác mà còn mang tính bổ trợ, phát huy những thế mạnh của tổng thế các phương thức vận tải.
Được biết, Bộ GTVT đã mất tới 18 năm nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Thực tế, năm 2011, Bộ GTVT đã trình cấp có thẩm quyền, nhưng tại thời điểm ấy có một số băn khoăn.
Các băn khoăn được Bộ GTVT nêu rõ bao gồm: Thứ nhất là nhu cầu nguồn vốn đầu tư lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn. Vấn đề thứ hai là nợ công của chúng ta ở thời điểm đó cũng rất cao. Thứ ba là còn những vấn đề kiến giải về tốc độ, về công năng.
Quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ GTVT đã dự báo lại trên nhu cầu thực tiễn là trên hành lang Bắc - Nam, nhu cầu vận tải cả hàng hoá và hành khách lớn nhất
Theo Bộ GTVT tại thời điểm này, quy mô nền kinh tế của chúng ta đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (năm 2023). Các điều kiện về nguồn lực của chúng ta cơ bản không phải là thách thức lớn. Tiếp đó, là những trăn trở về mặt kỹ thuật, Bộ GTVT cũng đã kiến giải, ví dự như tại sao lại lựa chọn tốc độ 350 km/giờ, hay công năng sử dụng tại sao là vận tải hành khách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.