Tối 7/11, theo Bộ Công an, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh (gọi tắt Công ty khoáng sản Hưng Thịnh - PV).
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03) đã làm rõ sai phạm của Công ty khoáng sản Hưng Thịnh trong việc, khai thác quặng titan vượt nhiều lần trữ lượng, công suất theo Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp. Đồng thời, khai thác, xuất bán quặng titan nguyên khai không qua chế biến, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế cho ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở kết quả điều tra, ngày 3/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên", xảy ra tại Công ty Hưng Thịnh và các đơn vị liên quan; đồng thời, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 9 bị can.
Bị can Phan Thành Muôn, Chủ tịch HĐQT Công ty khoáng sản Hưng Thịnh. Ảnh: CA.
Cụ thể, bị can Phan Thành Muôn, Chủ tịch HĐQT Công ty khoáng sản Hưng Thịnh về 2 tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
6 bị can về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” là: Vũ Đức Phương Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Titanium Hưng Thịnh; Ngô Quang Anh, Giám đốc Công ty Thân Gia; Hoàng Thượng Hạ (Quốc tịch Trung Quốc); Nguyễn Anh Tuấn, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh; Nguyễn Thị Hằng, Thủ quỹ Công ty khoáng sản Hưng Thịnh; Hậu Tú Doanh, nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phần Titanium Hưng Thịnh;
Và 2 bị can về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” là Phạm Văn Dương, Giám đốc điều hành mỏ Công ty Cổ phần sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh; Nguyễn Văn Chiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Titanium Hưng Thịnh.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tống đạt các thủ tục tố tụng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra đối với các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Các bị can vụ án. Ảnh: CA.
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" là tội xâm phạm đến lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế, mà trực tiếp là xâm phạm đến quy định về chế độ kế toán.
Chủ thể của tội này là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến lĩnh vực công việc kế toán, phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán; Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;
Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán; Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật kế toán; Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp, người phạm tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có thể bị phạt tù với khung hình phạt thấp nhất 6 tháng, cao nhất là 7 năm tù.
Trường hợp, pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm tội này, có thể bị phạt tiền lên đến 7.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.