Dân Việt

Vướng mắc nhiều khó khăn, học sinh "chạy cùng sào" mới vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Nguyệt Minh 10/11/2024 06:23 GMT+7
Tại TP.HCM, xu hướng lựa chọn học tập tại các trường trung cấp đang ngày càng phổ biến, tuy nhiên, việc đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn.

Những khó khăn và thách thức trong giáo dục trung cấp

Tại "Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp đổi mới, thúc đẩy phong trào "Học sinh 3 rèn luyện" trong giai đoạn hiện nay" được tổ chức tại TP.HCM, ngày 9/11, ông Phạm Phương Bình - Phó trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên, Đại học và Chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã có nhiều trao đổi thực tiễn xoay quanh vấn đề đào tạo học sinh trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.

Ông Bình thông tin, mặc dù việc lựa chọn học chương trình đào tạo trung cấp đã trở nên phổ biến hơn với học sinh trên địa bàn TP, thế nhưng số lượng học sinh tham gia học trung cấp chiếm tỉ lệ rất thấp.

Nhìn nhận thực tế những khó khăn trong đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 2.

ông Phạm Phương Bình - Phó Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên, Đại học và Chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều trao đổi thực tiễn xoay quanh vấn đề những khó khăn trong đào tạo học sinh trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Ảnh: Nguyệt Minh

Cụ thể, chỉ có khoảng 10% học sinh lựa chọn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, còn lại 80% học tại các trường cấp 3 công lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, 10% cuối du học hoặc học các chương trình quốc tế.

Ông Bình cho biết, vấn đề tuyển sinh hệ trung cấp gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn, cha mẹ học sinh hay chính học sinh đều không lựa chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngay từ ban đầu. Đây thường bị coi là lựa chọn cuối cùng sau khi không thi được kì thi tuyển sinh vào lớp 10, dẫn đến chất lượng đầu vào của hệ trung cấp chưa thật sự tốt.

"Thật khó để cha mẹ nào chấp nhận con mình sẽ học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngay từ ban đầu", ông Bình bày tỏ.

Cũng theo ông Bình, mặc dù TP đã và đang thực hiện chương trình phân luồng, hướng nghiệp nhưng hệ trung cấp sẽ ngày càng khó khăn hơn. Thời gian học trung cấp chỉ có 2 năm, học xong vẫn chưa thể kí hợp đồng lao động do chưa đủ tuổi. Nếu học sinh muốn liên thông lên cao đẳng lại phải chọn đúng ngành mình học tại chương trình trung cấp.

Đồng thời, các em gặp khó khăn do vừa phải học nghề, vừa phải học văn hoá, trong khi những năm gần đây Bộ chỉ tổ chức chung một Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tất cả các học sinh. Dẫn đến việc, học sinh học trung cấp sẽ khó khăn hơn khi tham gia kì thi này.

Ông Bình nhấn mạnh, công tác định hướng nghề nghiệp chưa thật sự rõ ràng. Đã có học sinh học xong trình độ trung cấp, cao đẳng vẫn phải quay lại học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên để có bằng tốt nghiệp THPT, do bằng Tốt nghiệp THPT là yêu cầu nhất định khi làm việc tại một số nơi.

Khó khăn cuối cùng theo ông Bình chính là công tác quản lý, hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP nằm dưới sự quản lý của nhiều cấp khác nhau. Dẫn đến việc khó thống nhất những chủ chương để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Tín hiệu vui của học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo kết quả báo cáo công tác tuyển sinh hàng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp bình quân hàng năm khoảng 26,19%. 

Mặc dù còn tồn tại nhiều khó khăn, tuy nhiên với nỗ lực của TP, các sở, ban, ngành, tình hình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang dần khả quan. Những định kiến về việc học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp đang dần được tháo gỡ.

Thay vì quá áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đã có những phụ huynh, học sinh ngay từ ban đầu đã có lựa chọn học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Trần Đức Tú (học sinh lớp 9, quận Tân Bình) chia sẻ: "Em vẫn sẽ cố gắng hết mình để có thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, em không quá áp lực phải đỗ vào trường công lập. Gia đình em cũng không tạo áp lực cho em, mọi người hoàn toàn ủng hộ em có thể lựa chọn học ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp".

Nhìn nhận thực tế những khó khăn trong đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

Phong trào "Học sinh 3 rèn luyện" dành cho học sinh học trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Nguyệt Minh

Tại TP.HCM, Sở GDĐT khẳng định các Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề được đầu tư không kém các trường công lập, học sinh hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn môi trường học tập tại đây.

Hiện nay, toàn thành phố có 31 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Trong đó, 5 trung tâm vừa đưa vào sử dụng cơ sở mới gồm: Trung tâm GDNN-GDTX quận 6, 10, 12, Phú Nhuận và huyện Hóc Môn. Tổng số phòng học tăng thêm so với năm học trước là 90 phòng.