Về việc triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP, theo Sở NNPTNT TP, đến nay Sở đã cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở An toàn thực phẩm và UBND 5 huyện cùng với sự tham gia hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025, với nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường nông thôn.
Nở rộ mô hình bảo vệ môi trường nông thôn
Cụ thể, Sở NNPTNT TP cho biết, nhiều hoạt động nổi bật diễn ra sôi nổi, như phong trào "Chống rác thải nhựa", "Biến rác thành tiền", "Thu rác thải nhựa đổi lấy quà", "Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh", "Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm và khẩu trang", "Đổi bao vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật lấy quà", "Thu gom chất thải nguy hại đổi quà";
Đồng thời, tổ chức các hoạt động xung kích, tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường gắn với Ngày Chủ nhật xanh, chương trình "30 phút vì Thành phố xanh - sạch - đẹp", các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất, phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ"; ngày hội "hành động vì môi trường xanh", hội thi "tái chế vì môi trường xanh"; Tổng vệ sinh môi trường các tuyến đường, thực hiện đăng ký các mô hình bảo vệ môi trường, tuyến đường xanh - sạch - đẹp…. qua đó góp phần nâng cao nhận thức và chung tay bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng tốt hơn.
Hiện, huyện Củ Chi là một trong 5 huyện đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, như mô hình thùng chứa rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức trồng hoa để thực hiện công trình "vì môi trường xanh", chương trình "ngày thứ bảy vì môi trường xanh", tuần lễ quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn kết hợp thực hiện mô hình "thu gom chai nhựa đổi lấy cây kiểng, hạt giống, nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập"...
Nhiều chỉ tiêu bảo vệ môi trường nông thôn
UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 4883/KH-UBND với một số mục tiêu chính, như tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; tối thiểu 98% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; ít nhất 50% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, ít nhất 80% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; có 100% chất thải rắn và 100% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định.
Ngoài ra, có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 100% hộ gia đình nông thôn và 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.