Dân Việt

Đây là vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn là con thứ chứ không phải con trưởng, có cuộc hôn nhân sóng gió

Vân Sơn 10/11/2024 19:48 GMT+7
Vốn là con thứ nhưng vua Tự Đức nhà Nguyễn được vua cha “phế trưởng lập thứ” truyền lại cho ngai vàng vì anh cả ham chơi, kém tài. Thế nhưng ngay từ lúc lên ngôi đã xảy ra nhiều sóng gió từ chuyện thái tử cả phẫn uất thổ huyết đến lời đồn ác ý Tự Đức không phải con vua.

Vị vua đầu tiên là con thứ

Hẳn nhiều người còn nhớ, vua Thiệu Trị (cha vua Tự Đức-PV) suýt nữa đã không được kế vị, trở thành nạn nhân của việc “phế trưởng lập thứ”. 

May mắn nhờ bà nội can thiệp mới được kế ngôi. Nhưng điều không ai ngờ là chính Thiệu Trị sau này trở thành hoàng đế triều Nguyễn đầu tiên phá bỏ nguyên tắc truyền ngôi cho con cả.

Vua Tự Đức (1847-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Thì hay Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Ông là con thứ hai của vua Thiệu Trị. 

Theo sử sách vương triều chép lại, từ nhỏ Hồng Nhậm đã nổi tiếng thông minh, hiếu nghĩa và được vua cha yêu quý. Năm lên 14 tuổi Hồng Nhậm được phong tước Phước Tuy công.

Theo thông lệ truyền thống, người kế vị ngôi báu là hoàng tử cả của vua. Vua Thiệu Trị hiểu rõ quy định này nhưng luôn bất an vì con trưởng là Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Bảo lười biếng, thiếu tài năng lẫn kém đức hạnh, suốt ngày ham chơi bời dù đã được vua cha thường xuyên nhắc nhở. Thậm chí lúc cha lâm bệnh nặng, Hồng Bảo vẫn đang mải chơi chốn ca lâu.

Vua Thiệu Trị biết không thể giao phó giang sơn lại cho con cả nên từ lúc lâm bệnh đã gọi các đại thần vào chầu, nói rõ ý định truyền ngôi cho con thứ Hồng Nhậm. 

Các đại thần nghe xong đều vâng theo. Sau đó vua Thiệu Trị cho gọi Hồng Nhậm vào trao cho ấn, kiếm. Nghe tin đó, Hồng Bảo vội cưỡi ngựa dẫn theo thân binh đến hoàng cung nhưng bị chặn lại ở cửa Ngọ Môn.

Đây là vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn là con thứ chứ không phải con trưởng, có cuộc hôn nhân sóng gió - Ảnh 1.

Vua Tự Đức nhà Nguyễn

Khi một mình Hồng Bảo vào cấm điện khóc lóc xin tha thứ, Vua Thiệu Trị nói rằng “Ta đã định truyền cho mi, thường khuyên mi tu tỉnh, thế mà mi cờ bạc, hát xướng. Thần khí rất trọng, ta không thể lấy tình riêng mà bỏ nghĩa chung được”.

Sóng gió trong lễ đăng quang

Ngay khi vua Thiệu Trị băng hà, các hoàng thân văn võ bá quan họp lại nghe đọc di chiếu. Theo đó Hồng Nhậm lên ngai vàng kế vị, lấy niên hiệu Tự Đức. 

Hôm đó anh trai Hồng Nhậm là Hồng Bảo phẫn uất thổ huyết, sau này vẫn không chịu kí tên vào tờ chiếu của vua cha. Mãi khi được nhiều quan thần khuyên nhủ, Hồng Bảo biết không tuân theo không được mới chịu kí.

Sóng gió vẫn chưa hết, ngay khi Tự Đức được chọn kế vị, từ cung cấm loan truyền tin ác ý nói rằng ông không phải dòng dõi hoàng tộc mà là con của quan đại thần Trương Đăng Quế dan díu với bà hoàng Phạm Thị Hằng (sau này được tôn làm Thái hậu Từ Dũ).

Lại nói thêm khi Thiệu Trị ốm đau rồi qua đời, mọi chuyện trong cung đều do Trương Đăng Quế chủ trì. Do đó một số đại thần ngờ vực, nghi ngờ Trương Đăng Quế lập mưu đưa con lên ngai vàng. Điều này dẫn đến chuyện có một số quan thần không chịu lạy Tự Đức trong lễ lên ngôi.

Đây là vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn là con thứ chứ không phải con trưởng, có cuộc hôn nhân sóng gió - Ảnh 2.

Lăng vua Tự Đức nhà Nguyễn còn gọi là Khiêm Lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế).

Về chuyện này, sách “Quốc sử di biên” có đoạn viết như sau: “Mùa đông, tháng 10, ngày 5, Hoàng tử Phúc Tuy công lên ngôi Hoàng đế.

Trước đó, Trương Đăng Quế định kế trong cung, ngoài triều đều lấy làm ngờ. Đến lúc Hoàng tử Nhậm lên ngôi, có người không chịu xếp vào ban thứ (đến lạy mừng).

Võ thần Hà Văn Chương tuốt gươm ốp việc xếp ban thứ nói rằng: “Lúc tiên đế sắp mất, đã lập sẵn thái tử. Chúng ta phụng chiếu tôn phò, ai không theo chiếu chỉ, đã có phép nước”. Bấy giờ cả đình thần đều xếp ban thứ lạy mừng.

Lời đồn ác ý trên không có bằng cớ nào. Trong khi những bằng chứng phản biện mười mươi. Lý do là bà hoàng Phạm Thị Hằng nhập cung khi mới lên 14 tuổi, làm vợ Thiệu Trị khi ông vẫn còn là hoàng trưởng tử. 

Bà hoàng nổi tiếng đức hạnh, đoan trang, rất được vua sủng ái. Thậm chí trước khi mất, Thiệu Trị còn để lại di chiếu tôn bà làm Hoàng hậu.

“Cha đẻ” của đơn vị tiền tệ Việt Nam?

Mặc dù thời gian trì vị không lâu nhưng vua Tự Đức được thiên hạ xem là đấng minh quân, có nhiều việc làm ích nước lợi dân. Ví dụ như chuyện cho đúc tiền đồng.

Dưới thời trị vì, tháng 2/1861, vua cho đúc một loại tiền đặc biệt có tên “Tự Đức bảo sao” có mệnh giá một đồng ăn 10 đồng tiền kẽm. 

Đây là loại tiền đúc để người dân tiện lợi mang theo khi đi đường. Sau đó vua cho đúc thêm nhiều đợt nữa với các loại mệnh giá khác nhau đáp ứng nhu cầu dân chúng.

Tiền “Tự Đức bảo sao” chủ yếu đúc bằng đồng nên chữ “đồng” trở thành tên gọi đơn vị tiền tệ đến tận bây giờ. 

Lạ rằng tuy đúc bằng đồng nhưng tên gọi của tiền là “Tự đức bảo sao”. Chữ “sao” ở đây vốn dùng để chỉ tiền giấy. Từ thời Hồ Qúy Ly khi cho in tiền giấy cũng có tên “Hội sao thông bảo”.

Đây là vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn là con thứ chứ không phải con trưởng, có cuộc hôn nhân sóng gió - Ảnh 3.

Đồng tiền "Tự Đức bảo sao"

Vì vậy tên gọi “Tự Đức bảo sao” đến bây giờ vẫn là tò mò khó lý giải đối với giới nghiên cứu. Có nhà nghiên cứu phương Tây đã nói rằng tiền bảo sao của Tự Đức là thứ tiền duy nhất của An Nam bằng kim loại được đúc để tượng trưng cho tiền giấy.

Tuy vậy xét về đường con cái, Tự Đức được xem là vị vua bất hạnh nhất triều Nguyễn. Nhà vua từ nhỏ thể trạng yếu đuối, mắc bệnh đậu mùa nên kém về đường sinh lý. 

Vua Tự Đức lấy vợ khá sớm khi tròn 15 tuổi. Sau đó ông có thêm nhiều thê thiếp nhưng không ai sinh hạ được mụn con nào.

Từ thái y trong cung đến thầy thuốc dân gian đều không có phương thuốc nào giúp vua sinh con nối dõi. Vua còn cho đổi tên các chùa để tránh phạm úy, lập đàn cầu tự. 

Mọi nỗ lực không thành, cuối cùng Tự Đức đành chọn 3 đứa cháu là Ưng Chân, Ưng Đăng, Ưng Kỷ đưa vào cung phong làm hoàng tử (sau này chính là các vua Dục Đức, Kiến Phúc và Đồng Khánh).

Ngày 19/7/1883 vua băng hà, thi thể được an táng tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế). Lăng mộ của Tự Đức gọi là Khiêm Lăng.

Còn nữa...