Chùa cổ làng Hộ Lệnh ở Thái Nguyên lưu giữ 27 bia đá dân coi như báu vật truyền đời
Ngôi chùa cổ ở Thái Nguyên có từ thời nhà Nguyễn, vẫn lưu giữ được 27 bia đá quý, dân làng xem như báu vật
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ năm, ngày 23/06/2022 06:10 AM (GMT+7)
Chùa Hộ Lệnh là chốn tôn nghiêm, cổ kính, niềm tự hào của người dân xóm Trung, làng Hộ Lệnh, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ngày nay, ngôi chùa cổ có từ thời nhà Nguyễn này vẫn còn lưu giữ được 27 bia đá, là chùa nhiều có nhiều bia đá nhất tỉnh Thái Nguyên.
Clip: Cụ Dương Tuấn Tài - Uỷ viên Thường trực Ban quản lý Khu di tích Đình, Chùa Hộ Lệnh (xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về những điều đặc biệt của di tích này (Clip: Hà Thanh)
Chùa Hộ Lệnh có tên chữ là "Linh Quang Tự", nằm ở xóm Trung, làng Hộ Lệnh, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 22km về phía Đông Nam. Năm 2010, chùa Hộ Lệnh được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Làng cổ dựng chùa cổ
Theo văn bia "Hậu phật bi Ký" còn được lưu giữ tại chùa Hộ Lệnh, ngôi chùa này được dựng vào triều nhà Nguyễn (từ năm 1848 – 1936), xưa thuộc thôn Hộ Lệnh, xã Triều Dương, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên.
Qua nghiên cứu và các chứng tích còn lưu giữ tại chùa đã minh chứng, làng Hộ Lệnh là một làng cổ đã được hình thành từ lâu đời. Sau khi có làng, chùa Hộ Lệnh mới được dựng vào khoảng thế kỷ 18.
Chùa Hộ Lệnh được xây dựng cạnh đình làng Hộ Lệnh, được bố trí theo kiểu "Thần phật tương quan" nằm trên địa thế cao ở trung tâm của làng.
Ngôi chùa là nơi thờ phật, có tiền tế và hậu cung, được xây dựng trên bố cục: Tam quan – sân chùa – tiền đường – hậu cung – sân sau – nhà tổ.
Tam quan được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống có hai tầng mái, lợp ngói mũi, hai đầu bít đốc, dưới có bổ cột trụ, có khắc ghi câu đối, giữa mở một cửa, hai bên hai cửa giả, kế hai bên tam quan bố trí hai cửa ngách có mái che.
Tam quan nối liền với sân, sân được lát gạch Bát Tràng cổ, có xây tường bao quanh, dọc chân tường là bục cao 60cm gắn hai hàng bia đá với 27 bia.
Qua sân là tiền đường rộng 5 gian, các vì kèo bằng gỗ lim, được bào trơn, đóng bén nhìn uy nghi vững chắc theo lối "kẻ chuyền con trồng". Hậu cung có 3 gian, kiến trúc giống tiền đường. Nhà tổ có 3 gian là nơi thờ tổ tây.
Hai bên trong tiền đường có hai bàn thờ Đức Ông và Thánh Tăng. Trong hậu cung là ban thờ Tam Bảo đặt 35 pho tượng cổ đường bệ, uy nghi, chất liệu gỗ và đất phủ sơn song thiếp vàng. Các pho tượng được tạo tác mang nét đẹp dân dã, tràn đầy tính nhân văn, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.
Đặc biệt nhất, tại chùa Hộ Lệnh hiện còn lưu giữ 27 bia đá, đều được khắc chữ Hán Nôm. Hiện nay, chùa Hộ Lệnh là nơi có số lượng văn bia nhiều nhất tỉnh Thái Nguyên.
Báu vật của làng
Ngoài ra, chùa Hộ Lệnh hiện còn lưu giữ được một chuông đồng thời Nguyễn (năm 1862). Đây là những hiện vật mà rất ít chùa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn lưu giữ được.
Toàn bộ cảnh quan, phong cách kiến trúc bên ngoài cùng với cách bài trí nội thất bên trong của ngôi chùa là sự kết hợp hài hoà, tinh tế, có ý nghĩa nhiều mặt. Do đó nơi đây không chỉ thu hút du khách đến tham quan vãn cảnh mà còn là điểm check-in ấn tượng.
Không chỉ là chốn tâm linh có lịch sử lâu đời, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Hộ Lệnh còn là địa điểm sơ tán của nhân dân và là nơi trú quân, nghỉ ngơi của nhiều đơn vị lực lượng vũ trang khi làm nhiệm vụ đi qua địa phương.
Bên cạnh chùa Hộ Lệnh là đình Hộ Lệnh, được xây dựng liền kề tạo thành một quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Lễ chính của đình, chùa Hộ Lệnh (hay được gọi là lễ Kỳ Yên) được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm. Theo truyền thống, vào ngày này, dân làng đều lên chùa làm lễ cầu cho sự yên lành, ấm no, hạnh phúc.
Ngày hội lớn nhất hằng năm được tổ chức vào ngày 30 tháng 10 âm lịch tại đình và chùa Hộ Lệnh.
Theo quy định, tất cả người dân làng Hộ Lệnh tuổi từ 50 trở xuống tập trung đóng góp gạo, thịt, mang đến đình và chùa mời các cụ từ 50 tuổi trở lên, mũ áo chỉnh tề tổ chức lễ hội làng truyền thống hàng năm. Lễ hội này theo như lệ làng còn gọi là "Lễ lão ăn mày làng".
Sau khi tiến hành phần lễ, cúng tế các vị thần xong, dân làng tổ chức rước kiệu và tiến hành các trò chơi dân gian đặc sắc, tạo không khí sinh hoạt cộng đồng vui vẻ, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.