Tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chịu trách nhiệm trả lời chính về 3 nhóm vấn đề gồm: Điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai. Vào buổi sáng ngày 11/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có báo cáo giải trình thêm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về hiệu quả trong việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, chính sách tiền tệ và tài khóa là động lực phát triển của nền kinh tế. Ngược lại, khi nền kinh tế tăng hay giảm cũng sẽ liên quan trực tiếp đến hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng và ngân sách của nhà nước.
Việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa trong thời gian vừa qua rất tốt, hợp lý. Theo đó, chính sách tiền tệ đã điều hành một cách chủ động kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Còn chính sách tài khóa được thực hiện mở rộng và hợp lý, nên kết quả trong thời gian vừa qua có thể nói là tốt, theo ông Phớc.
"Trong 4 năm, chúng ta đã thu ngân sách vượt 1 triệu tỷ đồng, năm sau vượt cao hơn của thực hiện năm trước. Thứ hai, chúng ta đã giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân gần 800 nghìn tỷ. Như vậy, nếu trong điều kiện bình thường sẽ thu tăng lên gần 2 triệu tỷ. Mặt khác, chúng ta đã giữ được tỷ giá hối đoái giữa đồng Đô la và đồng Việt Nam. Đồng thời đã xử lý được 2 ngân hàng 0 đồng, và chuẩn bị giải quyết thêm 2 ngân hàng 0 đồng", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết.
Phó Thủ tướng nêu thống kê trong năm 2024, GDP đã đạt gần 7%, CPI chỉ 3,88%, nợ công chiếm 37% và thu ngân sách đã đạt 99,4% so với dự toán được Quốc hội giao, đạt 17,78% so với cùng kỳ của năm trước. Đến thời điểm hiện nay, thu ngân sách đã tăng lên so với thực hiện của năm trước là hơn 255 nghìn tỷ đồng. Như vậy dự kiến tối thiểu phải vượt thu ngân sách so với năm ngoái là 300 nghìn tỷ đồng, bổ sung cho nền kinh tế để bổ sung xây dựng cơ sở hạ tầng.
Về vấn đề quản lý hóa đơn vàng và thị trường vàng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện theo Nghị định 123 ngày 9/10/2020 của Chính phủ, và Thông tư 78 ngày 2/5/2024, Bộ Tài chính đã thường xuyên chỉ đạo cơ quan thuế, trong 2 năm 2023 và 2024 đã phát hành 5 văn bản để hướng dẫn về vấn đề kê khai và nộp thuế. Vì vậy, việc quản lý hóa đơn của các doanh nghiệp, cửa hàng bán vàng "không có vấn đề gì gây khó khăn, vướng mắc".
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, vừa qua có một số đoàn quản lý thị trường kiểm tra các đơn vị kinh doanh vàng và tạm đình chỉ khi cơ sở không chứng minh được nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu có thể từ ông cha để lại, hoặc dự trữ từ trước. Do đó, cơ quan chức năng chỉ xử lý khi phát hiện đó là vàng lậu.
Về quy định xuất nhập và kinh doanh vàng, đã được quy định tại Nghị định 24, hiện nay nhận thấy trong tình hình quản lý thực tiễn đang có những sự thay đổi. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi Nghị định 24. "Hiện, NHNN đang triển khai thực hiện", Phó Thủ tướng thông tin.
Với chất vấn liên quan đến công tác quản lý trong thời gian qua, nhất là đối với vấn đề vàng miếng khi giá tăng cao so với giá vàng thế giới, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số nguyên nhân như giá vàng thế giới cao, cung nhỏ hơn cầu, hoặc do một phần rất quan trọng từ tâm lý người dân.
"Lãi suất ngân hàng thấp, bất động sản đóng băng khiến người dân không muốn gửi tiền vào. Sản xuất kinh doanh không phát triển, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rủi ro, vì vậy có thể vàng là một nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi", Phó Thủ tướng nêu ví dụ,
Để giải quyết những vấn đề này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát việc thực hiện mua bán một cách đúng pháp luật, đặc biệt là đảm bảo tính minh bạch. Đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các doanh nghiệp, cửa hàng vàng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu. Ngoài ra, triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy cho thị trường vốn phát triển.
"Sắp tới, nhu cầu đầu tư vào nền kinh tế rất lớn, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Có thể nhắc đến như đường cao tốc Bắc – Nam, chương trình chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng,... những chương trình này cung cấp nguồn tín dụng rất lớn, và thúc đẩy cho thị trường bất động sản phát triển. Thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng sẽ chia sẻ với tổ chức tín dụng. Mặt khác, chúng ta không chỉ huy động nguồn vốn trong nước, mà còn thu hút cả nguồn vốn ODA của nước ngoài, kể cả hình thức PPP để thúc đẩy nền kinh tế. Trong thời gian không xa sẽ đạt nền kinh tế gấp 3, gấp 4 lần so với hiện nay", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.
Góp ý vào phần trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và báo cáo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực ngân hàng còn không ít những khó khăn, thách thức lạm phát giảm nhưng chưa bền vững và còn nhiều tiềm ẩn rủi ro.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm.
Đồng thời, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, chủ động, linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tiền tệ, ngoại hối, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, sớm có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão, lũ, sạt lở đất, thúc đẩy tín dụng xanh. Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai thuận lợi các chương trình tín dụng ưu đãi.