Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn sáng 11/11, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng, 5 năm trước Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tài chính quốc gia, mục tiêu để người thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận tiện với chi phí rẻ hơn so với kênh ngân hàng, tổ chức tín dụng như hiện nay.
"Đây cũng là cách để chống lại tín dụng đen. Tuy nhiên, qua thời gian nghiên cứu và thúc đẩy, đến nay tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa ban hành được giải pháp này?. Xin Thống đốc cho biết, giải pháp gì để thúc đẩy cơ chế thử nghiệm để thực hiện chiến lược quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt?", Đại biểu đặt vấn đề.
Cùng băn khoăn trước khó khăn trong tiếp cận vốn, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, Đại biểu Mai Văn Hải (ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) cho biết, thực tế nhóm doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong khả năng tiếp cận vốn thời gian vừa qua và đã kéo dài.
"Đề nghị Thống đốc NHNN cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng được tốt hơn", Đại biểu đặt câu hỏi.
Xây dựng dữ liệu kiểm chứng thông tin doanh nghiệp nhằm "cởi trói" vướng mắc tiếp cận vốn
Trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện năm 2020. Trong đó, đối tượng yếu thế như doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đối tượng khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa được nhấn mạnh nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính với chi phí hợp lý.
Để triển khai chiến lược này, NHNN cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo và kết quả triển khai cũng khá tích cực. Đối với hoạt động của ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá hiện nay tất cả các kênh cung ứng dịch vụ đều có thể cung cấp trên kênh số, kênh điện tử, cho phép tất cả đối tượng vùng sâu vùng xa tiếp cận để thanh toán hàng hóa dịch vụ, tổ chức thực hiện mobile banking thanh toán và chuyển tiền nhỏ lẻ. Đến nay, khối lượng người dùng công cụ này đang ngày càng gia tăng. Đồng thời, các khoản tín dụng từ hệ thống ngân hàng cũng đang được người dân tiếp cận kịp thời.
Về hoạt động cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng phải thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo khả năng thu hồi được nợ. Trên thực tế, NHNN cũng đã ban hành các văn bản quy định pháp luật, cho phép người dân tiếp cận qua phương thức điện tử. Hoặc những khoản vay dưới 100 triệu, khách hàng cá nhân không cần phải lập phương án khả thi. Thay vào đó, tổ chức tín dụng chỉ căn cứ vào mục đích vay vốn, cũng như dựa trên một số thông tin xác thực.
Song song với các giải pháp đã nêu, NHNN cũng đã rà soát hoàn thiện các thông tư quy định về cấp tín dụng các công ty tài chính, công ty tài chính tiêu dùng theo hướng thuận lợi đối với khách hàng. Đặc biệt, NHNN tích cực phối hợp với Bộ Công an, các tổ chức tín dụng đã tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu dân cư để có cơ sở xác thực thông tin khách hàng, xem xét trong quá trình cho vay.
Tuy nhiên, đối với các khoản cấp tín dụng, ngoài xác thực thông tin khách hàng, tổ chức tín dụng còn phải xác thực khách hàng có khả năng trả nợ hay không.
Do đó, trong các cuộc họp về chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, NHNN cũng đã kiến nghị tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu với rất nhiều thông tin của các cơ quan khác. Theo Thống đốc, việc này nhằm tạo hệ sinh thái số liệu thông tin, để các tổ chức có thể cấp tín dụng mà khách hàng không phải tới ngân hàng. Tương tự là đề xuất xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp, trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng kết nối được dữ liệu thông tin về doanh nghiệp để tăng cường cho vay.
Đối với việc ban hành Nghị định được Đại biểu đặt câu hỏi, Thống đốc NHNN cho rằng đây là quy định rất còn rất mới. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, cũng như chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, NHNN đã có dự thảo báo cáo và được Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện giai đoạn cuối cùng để thống nhất một số ý kiến giữa các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê chuẩn.
Xác định doanh nghiệp đầu đàn - doanh nghiệp vệ tinh
Trả lời chất vấn của Đại biểu Mai Văn Hải, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết với vai trò cơ quan điều hành chính sách tín dụng, NHNN cũng nhận thấy chính sách tín dụng gặp nhiều trở ngại. Bởi theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tổng số doanh nghiệp của cả nước có tới 930 nghìn doanh nghiệp, trong đó có tới 97-98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhóm này gặp hạn chế về năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh trên thị trường, về thương hiệu, uy tín,... Do đó, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh chưa có dự án khả thi nên chưa tiếp cận được tín dụng.
Hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quan tâm, và đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó có giải pháp hỗ trợ về tiếp cận tín dụng. Để triển khai, Chính phủ đã có các quỹ, như Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy nhiên vốn điều lệ của quỹ này có quy mô rất nhỏ, chỉ khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Một loại hình khác là Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn thực hiện tại các địa phương, Thống đốc NHNN cho biết theo quy định vốn điều lệ quỹ phải từ 100 tỷ đồng, nhưng đến nay nhiều địa phương chưa đủ bố trí được để thành lập.
Trước thực trạng này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN cũng đã có những kiến nghị, ví dụ như đối với doanh nghiệp Việt Nam, cần có đánh giá tổng kết và xác định đâu là trọng tâm, trọng điểm, xác định doanh nghiệp đầu đàn để doanh nghiệp nhỏ và vừa là vệ tinh. Cùng đó, cần đánh giá các chính sách hỗ trợ đã thực hiện, hay các quỹ không triển khai được để nghiên cứu thay đổi; đặc biệt là bố trí nguồn lực hỗ trợ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.