Thống đốc nói gì về việc xử lý tình trạng "chạy sô" tăng trưởng ở một số tổ chức tín dụng
Thống đốc nói gì về việc xử lý tình trạng "chạy sô" tăng trưởng ở một số tổ chức tín dụng
Linh Anh
Thứ hai, ngày 11/11/2024 10:13 AM (GMT+7)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, khi Ngân hàng Nhà nước phân bổ, thông báo hạn mức tín dụng đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng và khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng vào phiên họp sáng nay (11/11), Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được đại biểu đặt câu hỏi tới Thống đốc.
NHNN ứng xử thế nào trước tình trạng "chạy sô" tăng trưởng tín dụng?
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Hồ Thị Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đặt vấn đề: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xử lý trước tình trạng "chạy xô" tăng trưởng ở một số tổ chức tín dụng. Đồng thời, NHNN có giải pháp gì để hạn chế rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tiềm ẩn rủi ro với hệ thống ngân hàng?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN thực hiện 2 chức năng: Thứ nhất là điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ngoại hối; Thứ hai là quản lý Nhà nước đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
"Như vậy, mục tiêu điều hành của NHNN là làm sao vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. An toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề đặt lên trên hết và trước hết. Nếu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiềm ẩn rủi ro thì hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế bởi tác động lan truyền của nó", Thống đốc khẳng định.
Theo đó, căn cứ vào diễn biến thực tế và trong nhiều năm qua, NHNN đã quyết định phải sử dụng công cụ hạn mức tín dụng và giải pháp này được thực hiện từ năm 2011 đến nay.
Thống đốc cho biết thêm, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều. Dẫn đến có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân tăng trên 30%, thậm chí có năm tăng hơn 50%. Qua đó, dẫn đến hệ lụy, rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và có ngân hàng yếu kém khi huy động vốn ngắn hạn lại cho vay trung - dài hạn.
NHNN đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành. Khi NHNN phân bổ, thông báo hạn mức tín dụng cho TCTD đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các TCTD và khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD; thường xuyên giám sát, cảnh báo TCTD có tăng trưởng tín dụng cao và tiềm ẩn rủi ro.
"Cũng có thể có trường hợp TCTD tăng trưởng tín dụng cao và quản trị rủi ro thấp. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng thấp và nhưng tiềm ẩn rủi ro cao do phụ thuộc vào cân đối kỳ hạn huy động vốn và tín dụng cấp ngắn - dài hạn hay cấp vào lĩnh vực rủi ro", bà Hồng đánh giá.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, Thống đốc khẳng định, trên thực tế, NHNN không cấm các TCTD cho vay với lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, các TCTD không phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vì có thể doanh nghiệp bất động sản vẫn có khả năng trả được. Nhưng TCTD không cho vay vì họ huy động vốn ngắn hạn, trong khi cho vay các dự án cần nguồn vốn lớn và dài hạn nên các TCTD khó cho vay.
Về mặt quy định của pháp luật, NHNN có chỉ tiêu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn và hiện, quy định là không được vượt quá 30%.
ĐBQH: Liệu có còn dư địa để cho vay bất động sản ở Việt Nam?
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, qua nghiên cứu, so với thị trường bất động sản Trung Quốc, dư nợ bất động sản tại Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi Trung Quốc có thời điểm là hơn 30%.
"Như vậy, vẫn còn dư địa để cho vay bất động sản ở Việt Nam hiện nay. Quan điểm của Thống đốc về vấn đề này như thế nào?", ông Khánh đề cập.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỷ lệ là bao nhiêu là tùy thuộc vào quyết định của tổ chức tín dụng đó. Trên cơ sở phụ thuộc vào nguồn vốn mà tổ chức tín dụng huy động.
Với mỗi một ngân hàng, huy động của người dân để cho vay, mỗi ngân hàng huy động kỳ hạn khác nhau. Có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, nhưng cũng có đơn vị huy động được vốn ngắn hạn. Do đó, khi cấp tín dụng bất động sản - tín dụng trung dài hạn do các ngân hàng cân đối.
Toàn hệ thống Việt Nam có thể nói rằng huy động chủ yếu là ngắn hạn (chiếm đến 80%) cho nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động, đảm bảo an toàn. Để khi người dân rút tiền, TCTD vẫn đảm bảo sẵn sàng khả năng chi trả.
“Mỗi tổ chức tín dụng phải an toàn và cả hệ thống phải an toàn. Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm cho vay bất động sản. Nhiều tổ chức tín dụng thời gian qua cũng đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân", Thống đốc nhấn mạnh tại phiên giải trình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.