Do vườn bưởi không mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2014, ông Bịt bắt tay vào việc trồng na Thái. Ban đầu, ông mua khoảng 260 cây giống từ Bến Tre về trồng xen canh trong vườn bưởi 7.000 m2.
Ông Phan Văn Bịt ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ thành công với mô hình trồng na Thái. Ảnh: Huỳnh Xây.
Đến năm 2017, với khoảng 260 gốc na Thái, ông bán được 12 tấn trái/năm, với giá thu mua tại vườn của thương lái là 60.000 đồng/kg.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao và cách công chăm sóc không đòi hỏi phức tạp (không kén đất, chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh) từ loại cây này, ông quyết định chuyển hoàn toàn diện tích đất trồng bưởi sang na Thái.
Với việc trồng thêm đã nâng tổng diện tích trồng na Thái của ông Bịt lên 10 ha, với tổng số 4.000 gốc.
Ngoài ra, nguyên nhân ông quyết định chuyển sang trồng na Thái là do thời gian cho trái ngắn (sau 2 năm trồng có thể bắt đầu cho trái nếu chăm sóc tốt) và có thể để trái quanh năm, dễ cho thu nhập ổn định.
"Cây na Thái nếu tỉa cành, cắt lá, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và được hỗ trợ thụ phấn tốt thì tỷ lệ cho trái và đậu trái cao. Trung bình, mỗi ha cho sản lượng 2,5 tấn và được bán với giá dao động từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, tạo nguồn lợi nhuận đáng kể" - ông Bịt nói.
Trồng na Thái giúp ông Phan Văn Bịt thu lãi hơn 4 tỷ đồng/năm. Ảnh: Huỳnh Xây.
Về cách cung cấp dinh dưỡng cho cây na Thái, ông Bịt cho hay, trước khi cắt cành khoảng 10 ngày bón phân lân, khi ra hoa 20 ngày, bón phân kali để nụ nhô lên.
Sau đó, cần bón phân đạm, lân, kali theo tỷ lệ đồng đều để nuôi trái non. Trái được 1 tháng tuổi cho nhiều đạm hơn lân và kali.
Để trái na Thái đạt trọng lượng từ 500-700 gram/trái, ngoài cách bón phân trên, ông chỉ để từ 70-80 trái/cây.
Phần lớn, trái na Thái do ông Phan Văn Bịt trồng đạt trọng lượng từ 500-700 gram/trái. Ảnh: Huỳnh Xây
Hiện 1 ha trồng na Thái giúp ông Bịt thu về được 2,5 tấn trái/năm, với mức giá từ 30.000-50.000 đồng/kg tùy thời điểm, lão nông thu lãi khoảng 4 tỉ đồng/năm.
Do diện tích lớn, gia đình làm không xuể nên ông Bịt phải thuê 7 lao động địa phương để chăm sóc với chi phí từ 300.000-400.000 đồng/người/ngày.
Ông Bịt chia sẻ, trái na Thái có hương thơm, vị ngọt thanh, ít hạt và nhiều thịt, đặc biệt khi ăn sẽ có cảm giác mát lạnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ luôn có, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.
Được biết, mô hình trồng na Thái không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Bịt mà còn là mô hình làm ăn tiêu biểu của địa phương, được nhiều nông hộ trên địa bàn đến học hỏi, làm theo. Hiện nay, địa phương đã và đang nhân rộng mô hình này bằng việc thành lập tổ hợp tác trồng na Thái với diện tích 16 ha.
Theo Hội Nông dân phường Long Hưng, từ mô hình trồng na Thái, vào năm 2021, ông Bịt được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố.
Ông Phan Văn Bịt ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết, cây na Thái ít bị bệnh, chủ yếu phòng trị rệp sáp làm hư rễ và trái. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra mặt dưới lá, chung quanh trái, nếu thấy xuất hiện rệp phải xử lý bằng thuốc ngay.