Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Y tế, 9.000 “blouse trắng” nghỉ việc và những cái ngưỡng

Đào Tuấn 12/11/2024 14:10 GMT+7
Con số hơn 9.000 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhắc đến hôm qua. Đây là những “blouse trắng” đã nghỉ việc thời điểm sau dịch Covid - 19. Nhưng dường như đại dịch chỉ như giọt nước cuối làm tràn chiếc ly chịu đựng mà thôi.

Con số hơn 9.000 tính đến năm 2022. Nhưng chính xác phải là 9.680, trong chỉ 18 tháng tính đến 2022. Cần phải mở ngoặc, 9.680 blouse thôi việc, bỏ việc thì lại xảy ra ở ngay chính những tỉnh, thành lớn nhất nước.

Ví dụ TP.HCM: Hơn 2000 người; Thủ đô Hà Nội: Hhơn 1000; Đồng Nai: 496 người; Bình Dương: 368 người. Có nghĩa là càng ở các tỉnh thành lớn, càng có nhiều người trong ngành y nghỉ việc, bỏ việc.

Dược sĩ bỏ việc, nữ hộ sinh bỏ việc, kỹ thuật y bỏ việc, điều dưỡng bỏ việc, bác sĩ cũng bỏ việc. Cận lâm sàng bỏ việc; sản, nhi bỏ việc; nội, ngoại khoa bỏ việc; truyền nhiễm bỏ việc; hồi sức cấp cứu cũng bỏ việc. Cần phải nói thẳng đây là tình trạng chảy máu cực kỳ trầm trọng trong ngành y tế. Phải nhấn mạnh, tỷ lệ nghỉ việc, bỏ việc từ con số hơn 9.000 này đã tăng 177% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Nhưng ngoài nguyên nhân dịch bệnh áp lực công việc khổng lồ tới cả sức khỏe, cả tinh thần của các y bác sĩ, còn có những nguyên nhân chính sách khác mà họ đã, đang âm thầm chịu đựng suốt bao năm qua.

Chuyện về hơn 9.000 “blouse trắng” nghỉ việc và những cái ngưỡng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11/11. Ảnh: Quochoi.vn

Hôm qua, 11/11, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có nói đến đề xuất sửa đổi Nghị định 56 và các Quyết định 73, 75 - những văn bản quy định chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế từ thôn bản tới Trung ương.

“Hiện nay đội ngũ nhân viên y tế công lập chiếm 95% trong tổng số cán bộ nhân viên y tế phục vụ cho người dân. Đây là lực lượng rất quan trọng. Nếu không có chính sách tốt để giữ chân đội ngũ này sẽ khó khăn trong quá trình đảm bảo đời sống của anh em và cũng không đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của các cơ sở y tế khi mà cử họ đi học", Bộ trưởng Lan nói.

Có thể bạn không tin, nhưng Nghị định 56 mà bà Lan nói trước Quốc hội hôm qua đã được ban hành năm 2011. Quyết định 73 được ban hành cùng năm: Cũng 2011. Còn Quy định 75, nó đã được ban hành từ tận năm 2009. 15 năm qua các quy định về chế độ đối với nhân viên này đã không mảy may thay đổi. Trong tương quan so sánh là lương cơ sở đã 8 lần tăng. Chưa tính tới lạm phát đã làm mai một không nhỏ giá trị đồng tiền.

Trên các diễn đàn ngành y, có những “sự thật” rất “khủng khiếp”, những thống kê rất đau lòng, rất buồn và cũng rất vô lý: Học phí trường y chẳng hạn. Luôn trong top những trường có mức học phí cao nhất. Có những trường y tế tư nhân thậm chí thu học phí tới 200 triệu đồng/năm.

Đã thế, một sinh viên ngành y phải học trung bình “ít nhất 6 năm”. Đã thế, sau 6 năm, họ phải học tiếp 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề. Tổng thời gian ngồi ghế nhà trường cho đến khi có thể đeo tai nghe ít nhất 7,5 năm. Nếu so với các ngành khác thì sau 7,5 năm, một người đồng trang lứa đã có thể thực lĩnh lương bậc 3. Mở ngoặc rằng việc học của nghành y là “cả đời”, nếu không muốn bị lạc hậu.

Học lâu, học phí cao, xuất phát điểm về lương “ở dưới 0” so với các ngành nghề khác, và chế độ đãi ngộ thì đã tụt hậu đến vô lý. Theo các Quyết định 75/2011 và 73/2009, tiền cho mỗi ca mổ, có thể đứng chùn chân từ 4-14 tiếng đồng hồ chỉ là 80.000 đồng, ở tuyến loại 1 - tức là các bệnh viện ở Trung ương.

Chuyện về hơn 9.000 “blouse trắng” nghỉ việc và những cái ngưỡng - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Đào Tuấn. Ảnh: DV

Số tiền này đuối dần, tụt dần, teo dần, ít dần, để đến các tuyến tỉnh, huyện chỉ còn 50.000 đồng. Người phụ mổ chỉ còn được bồi dưỡng 30.000 đồng, và thảm hại nhất, thậm chí chỉ 15.000 số tiền sau đó chắc không biết phải mua gì để “bồi dưỡng”. Chế độ tiền trực cũng vậy. Ví dụ một ca trực từ 7h sáng Chủ nhật tới ngày thứ hai thì được 115.000 đồng. 115.000 đồng cho ca trực kéo dài 24 tiếng đồng hồ với vô vàn áp lực.

Bộ Y tế đang rất nỗ lực để thay đổi những chế độ đã quá lạc hậu này, thứ đã “vững vàng” một chỗ suốt 15 năm qua.

Nhiều bác sĩ phải “ráng lạc quan” khi nghĩ rằng: Muốn không bỏ việc như hơn 9.000 đồng nghiệp thì hoặc họ phải đứt dây thần kinh chịu đựng, hoặc nhà chẳng có gì ngoài điều kiện, đi làm chỉ vì đam mê.

Họ đùa đấy, chứ ngành y vẫn hy sinh và nước mắt vẫn rơi. Vẫn còn nhiều hơn những “người mặc blouse trắng” vẫn chỉ sống chằn chặn, trông cả vào lương.

Hãy chỉ cần nhìn nhận đơn giản thế này: Thay đổi chế độ đãi ngộ với các y bác sĩ hôm nay không chỉ để ngăn làn sóng chảy máu chất xám cho riêng ngành y, không để bù đắp cho những người mang sứ mệnh cứu người - mà đơn giản hơn rất nhiều - đó là sự công bằng tối thiểu mà họ hoàn toàn xứng đáng được nhận.