Món quà tiền tỷ, "Tớ cảm ơn" và quy định về tặng quà quan chức

Trần Anh Tú Thứ sáu, ngày 01/11/2024 07:05 AM (GMT+7)
Cơ quan tôi đang làm việc cấm tiệt việc tặng quà giá trị cho lãnh đạo cấp trên (và thực hiện nghiêm) nhưng tại một trong số những cơ quan trước đây, tôi từng được một người "rỉ tai" rằng nếu muốn ngồi ở vị trí đó phải gặp anh A (một quan chức cấp Vụ).
Bình luận 0

Cụ thể, tôi được bảo rằng: "Anh A không bao giờ nhận tiền. Cứ mua bộ gậy golf biếu anh ấy. Tôi biết chỗ bán bộ gậy khoảng 80.000 USD 'vừa tay' ông anh lắm".

Một người anh yêu quý khác thì từng nhắc tôi về việc phải gặp "chị". "Muốn anh gật đầu thì qua chị là xong. Ông anh không quan tâm việc nhỏ này đâu". Việc nhỏ này là một chức danh cấp phòng và cái giá của việc được chị ưng ý là vài lần đi theo và khoảng vài trăm triệu đồng chi cho một hoạt động tâm linh. Đấy là chỗ thân tình còn nếu mới quen thì sẽ gấp thếp thêm vài trăm triệu nữa.

Tôi nhớ về những lời gợi ý (phải nói là phần nhiều là thân tình mang tính lo lắng) đó khi đọc những dòng tin ồ ạt về vụ xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến. Chắc cũng có nhiều độc giả giống tôi không nhớ nhiều về những tình tiết khác của vụ án mà ấn tượng với những món quà cảm ơn trong vụ án này.

Bị cáo Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, dịp lễ tết, ông này đều tặng quà hai sếp là ông Nguyễn Nhân Chiến với tổng số tiền 1 tỷ đồng và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh 1 tỷ đồng.

Ông Tuynh còn khai gọi điện cho Chủ tịch Công ty Sông Hồng, nói một sếp khác sắp chuyển công tác nhưng cần cảm ơn vì đã giúp đỡ trong việc đấu thầu. Vị Chủ tịch Công ty Sông Hồng trả lời: "Anh ứng giúp em 500 triệu đồng, cảm ơn cho em. Khi trúng thầu xong, anh em mình sẽ tính toán với nhau". Ông Tuynh lấy 500 triệu đồng đi tặng.

Ngoài quà cảm ơn của ông Tuynh, ông Chiến còn nhận 3 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC. Vào các dịp lễ tết, sinh nhật, "đều như vắt tranh", ông Chiến nhận quà, tiền của bà Nhàn trị giá tới 10 tỷ đồng.

Món quà tiền tỷ, "Tớ cảm ơn" và quy định về tặng quà quan chức - Ảnh 1.

Xét xử cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và các bị cáo trong vụ án liên quan Công ty AIC. Ảnh: PV

Trước đó, trong đại án Việt Á, ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty Việt Á) cũng "ghé cảm ơn" cựu Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh vì "ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ tụi em rất nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp". Ông Việt không đến tay không mà cầm theo túi quà màu xanh (bên trong có 200.000 USD tương đương hơn 4,6 tỷ đồng) ngụy trang bằng một vài cái khẩu trang và chai nước rửa tay.

Ông Chu Ngọc Anh chỉ nói nhẹ nhàng "Tớ cảm ơn" rồi để túi quà vào một góc phòng làm việc. Còn nhận quà "cảm ơn" ít nhất là 14 tỷ đồng nhưng vị cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến vẫn không làm sao phân biệt được đâu là hối lộ, đâu là quà bình thường, quà cảm ơn. "Khi biếu quà Nhàn đều nói đó là quà Tết, lúc là quà sinh nhật, quà 2/9, rồi khi tôi nghỉ hưu Nhàn cũng nói không biết mua gì nên anh cầm tiền mua gì hộ em", ông này khai trước tòa.

Trở lại câu chuyện của tôi, những "dự án" trước đây đều xịt vì tôi vừa không có tiền vừa không có tư tưởng "chạy việc"...

Có vẻ như việc tặng quà nhân dịp nào đó: Sinh nhật sếp, ngày lễ, Tết, giỗ tứ thân phụ mẫu thậm chí sinh nhật "thằng bé nhà anh", quà 20/10 cho chị... trở thành "truyền thống" tại một số cơ quan. Chuyện này râm ran đây đó. Chỉ khi C03 (Cục Cảnh sát kinh tế) "vào cuộc" thì dư luận mới thấy, hóa ra lời đồn... là đúng.

Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định 59/2019/NĐ-CP đều quy định, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức, từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. 

Quà tặng không chỉ là phong bì (tức là tiền) mà còn có thể là hiện vật, dịch vụ... Bộ luật Hình sự có điều khoản cấm đưa, nhận hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên.

Nhưng cũng phải có lời bênh vực cho các vị quan chức chứ nhỉ. Đầu tiên là truyền thống văn hóa. Ở các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng của đạo Khổng, truyền thống kính trọng người trên, người cao tuổi, người có chức quyền hay truyền thống tặng quà vẫn rất thịnh hành. Đến ngày nọ ngày kia, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán mà không có quà cho sếp cũng kỳ. Người khác có quà mà mình không có cũng kỳ. Người ta quà to, mình quà không tương xứng cũng kỳ...

Cũng có nhiều trường hợp, sếp không nhận không được. Một mối quan hệ cũ, một người bạn từ thuở hàn vi, một thầy giáo bậc phổ thông. Nhiều người xét ra chẳng liên quan đến công việc do các sếp phải giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý.

Có những món quà dễ "quy ra thóc" như cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhận từ lãnh đạo Xuyên Việt Oil 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng); 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe trị giá 421.000 USD (tương đương hơn 9,8 tỷ đồng); 1 ô tô Mercedes Benz S450 Luxury trị giá hơn 6,6 tỷ đồng...

Nhưng cũng có những món quà khó phân định giá trị như suất mua nhà chung cư thương mại giá gốc, voucher dịch vụ, vé chơi golf... Hay một bức tranh Đông Dương (tranh của các danh họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - NV) mua chui từ nước ngoài hay mua trôi nổi trong nước có giá bao nhiêu?

Như trên đã phân tích, việc tặng - nhận quà vào dịp lễ Tết khó có thể cấm tuyệt đối. Nên chăng cần có quy định về mức quà tặng cán bộ công chức vào các dịp lễ Tết. Có thể lấy ví dụ quy định về Chống tham nhũng của Hàn Quốc. 

Luật của Hàn Quốc quy định rất rõ ràng những trường hợp không được nhận quà, nhận quà là sản phẩm nông nghiệp hoặc sản phẩm thủy sản (hộp trái cây, thịt hoặc cá, là những món quà ngày lễ phổ biến ở Hàn Quốc nhưng không bao gồm muối hoặc thực phẩm chế biến). 

Món quà tiền tỷ, "Tớ cảm ơn" và quy định về tặng quà quan chức - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Trần Anh Tú. Ảnh: DV

Đạo luật chống tham nhũng đưa ra một số ngoại lệ, bao gồm cả các bữa ăn và quà tặng được cung cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ hoặc như một sự lịch sự (nhưng không phải khi có "vấn đề đang chờ xử lý trực tiếp"). Giới hạn giá trị cho bữa ăn là khoảng 25 USD và giới hạn cho quà tặng là khoảng 41 USD.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chính mỗi cán bộ công chức. Với tư cách là người có quyền hạn, được đào tạo về chuyên môn, bồi dưỡng về chính trị, mỗi cán bộ công chức có thể tự xác định được đâu là quà lễ Tết thông thường, đâu là quà để "lót đường" cho một việc cần nhờ vả, cần can thiệp. Giữ một cương vị nào đó, vị cán bộ công chức phải nhận thức được việc nhận quà như nào và của ai là vi phạm.

Ở đây, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Khi người đứng đầu kiên quyết "nói không", khó có một cấp dưới kể cả cấp phó dám "vượt qua lằn ranh đỏ". Cơ quan tôi đang làm việc là ví dụ.

Và cuối cùng tôi nghĩ, đã đến lúc xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 30/10 vừa qua.

Tại cuộc họp này, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: "Phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành việc làm 'tự giác', 'tự nguyện' như 'cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày'".

Xây dựng văn hóa liêm chính, thực hành liêm chính phải là phong trào được triển khai tại các cơ quan Nhà nước. Triển khai cụ thể đi cùng quy định và chế tài. Có như vậy chúng ta mới không còn đọc các dòng tin về các vị quan chức không phân biệt nổi quà cảm ơn với tiền hối lộ. Hay những quan chức hồn nhiên nói "Tớ cảm ơn" khi nhận một khoản tiền lớn tới nhiều tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem