Dân Việt

Nhảy dù bị treo trên đường điện cao thế, có bị xử lý trách nhiệm?

Minh Tiến 13/11/2024 06:35 GMT+7
Theo luật sư, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi nhảy dù vướng vào lưới điện cao thế có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người đàn ông nhảy dù treo lơ lửng trên lưới điện cao thế

Ngày 11/11, Xí nghiệp Lưới điện cao thế (LĐCT) Hòa Bình cho hay, đơn vị đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm vụ việc vi phạm của Đội dù lượn thành phố Hà Nội và cá nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Trước đó, vào 15h05 ngày 9/11, Xí nghiệp LĐCT Hòa Bình nhận được tin báo có người nhảy dù lượn vướng vào đường dây 110kV lộ 172 E10.9 Xuân Mai - 172 E19.5 tại khoảng cột số 54 đến 55. 

Sau khi nhận được tin báo, Xí nghiệp LĐCT Hòa Bình đã cử Đội Quản lý vận hành đường dây xuống hiện trường và phối hợp với UBND xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội và công an xã để xử lý, cứu hộ đưa nạn nhân xuống đất đảm bảo an toàn lúc 16h50 phút.

Vụ việc này đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc cấp điện và an toàn vận hành lưới điện, làm mất trật tự an ninh trên địa bàn.

.- Ảnh 1.

Người đàn ông bị treo lở lửng trên đường điện cao thế. Ảnh: B.Đ.

Người vi phạm có thể bị xử lý với hình phạt nghiêm khắc

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, trong vụ việc này rất may mắn là người đàn ông nhảy dù không có thương tích, vẫn đảm bảo an toàn về tính mạng.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hoạt động thể thao mạo hiểm này có được cấp phép hay không, có đúng quy trình thủ tục và có đảm bảo điều kiện an toàn hay chưa. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ các chi phí khắc phục sự cố và chi phí cứu hộ là bao nhiêu.

"Trong trường hợp này đơn vị tổ chức nhảy dù có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho điện lực vì các chi phí phát sinh nêu trên. Nếu hai bên không thỏa thuận được về mức bồi thường thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo quy định pháp luật", luật sư Cường nói. 

Ông Cường cho hay, đối với hoạt động thể thao mạo hiểm cũng cần xem xét xem có tuân thủ quy định pháp luật hay không, nếu có vi phạm thì tùy vào tính chất mức độ sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp các hoạt động thể thao mạo hiểm không được cấp phép gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì cá nhân, tổ chức có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật hình sự 2015.

Còn đối với cá nhân người đàn ông nhảy dù lượn vướng vào đường dây điện, tùy thuộc vào tính chất mức độ vi phạm của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực và văn bản hợp nhất năm 2022.