Tọa đàm thuế GTGT với mặt hàng phân bón: Người nông dân được hưởng lợi khi giá thành vật tư giảm?

Nhóm PV Chủ nhật, ngày 10/11/2024 15:42 PM (GMT+7)
Theo một số chuyên gia, việc chuyển phân bón (đầu vào cho sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế GTGT tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Sáng 10/11, tại phòng họp tầng 9 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã diễn ra tọa đàm thuế VAT cho phân bón - vì lợi ích của nông dân và sự phát triển của ngành phân bón trong nước.

Tổ chức nhiều hội thảo về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón

Phát biểu tại tòa đàm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia Kinh tế Tài chính cho rằng, việc chuyển từ không áp thuế GTGT sang áp thuế 5%, khi đó tất cả các mặt hàng sản xuất ra đều đóng góp chung cho nền kinh tế quốc dân, vì vậy, đề xuất là phù hợp.

"Tôi đã nghiên cứu vấn đề này từ năm 2015 - 2016. Luật 71 của Quốc hội thông qua, lúc đó Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có nói rằng, mặt hàng phân bón không đánh thuế, như vậy là ưu tiên cho nông nghiệp", ông Thịnh nói.

Năm 2016, Hiệp hội phân bón cùng với các cá nhân, đơn vị đã phối hợp tổ chức hội thảo, nhìn nhận rằng cần phải đánh thuế để đảm bảo lợi ích chung và lợi ích của doanh nghiệp trong nước.

"Các đề nghị của chúng tôi đã lên quốc hội 2 lần rồi nhưng chưa được thông qua. Chúng tôi hy vọng lần này sẽ được xem xét thỏa đáng", ông nói.

Theo ông Thịnh, đối với mức thuế GTGT 5% với mặt hàng phân bón, trước đây từ năm 2015 trở về trước đã áp dụng, đề xuất hiện nay chỉ quay lại mức cũ.

Tọa đàm thuế GTGT với mặt hàng phân bón: Người nông dân được hưởng lợi khi giá thành vật tư giảm?- Ảnh 1.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia Kinh tế Tài chính. Ảnh: Phạm Hưng.

Thuế VAT đầu vào cho phân bón, với mức thuế 5% có thể đủ khấu trừ VAT đầu vào, phù hợp để quyết định mức thuế đó. Ở mức độ nào đó sẽ làm tăng giá thành, nhưng nếu khấu trừ đầu vào và việc áp thuế, giá thành sản xuất sẽ giảm đi 4-5%.

Giá thành sản xuất giảm, doanh nghiệp có lợi nhuận, từ đó nâng cao hiệu suất của phân bón. Đồng thời, có cơ hội để giảm giá bán hoặc khuyến mãi, hậu mãi cho nông dân. Để làm được việc này, Hiệp hội phân bón phải vào cuộc để các thành viên phải làm được. 

"Về lo ngại tăng giá phân bón nếu áp thuế VAT 5%, theo tôi, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính và Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) sẽ quản lý để doanh nghiệp sản xuất phân bón không thể tăng giá khi giá thành sản xuất phân bón giảm. Phân bón nhập khẩu cũng không thể tăng giá nếu phân bón trong nước không tăng giá!", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay. 

Đồng quan điểm, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho hay, trước năm 2014 đã có thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón.

Luật 71 có hiệu lực, khi đưa thuế đối với mặt hàng phân bón về 0%, nông dân vui, nông nghiệp đã có tăng trưởng. 

Tuy nhiên, sau đó, khi thị trường phân bón gặp một số vấn đề, có nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón lao đao, cũng có nơi sản xuất phân bón kém chất lượng… Thêm nữa, thời điểm đó xuất hiện doanh nghiệp thành lập mới nhưng buôn bán thuế GTGT làm cho thị trường phân bón rất phức tạp.

Về việc áp thuế giá trị gia tăng với phân bón, theo quan điểm của ông Thủy là phải điều tiết trở lại, đồng thời Nhà nước cần phải bình ổn giá.

"Quan điểm của tôi là phải điều tiết trở lại, bình ổn giá. Nông nghiệp phải khẳng định đó là thước đo, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững thì sự điều tiết của Nhà nước phải đủ lớn, bền vững", ông Thủy nói.

Tọa đàm thuế GTGT với mặt hàng phân bón: Người nông dân được hưởng lợi khi giá thành vật tư giảm?- Ảnh 2.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: Phạm Hưng.

"Chúng ta rất cần đầu tư cho nông dân, phát triển nông nghiệp bền vững. Do vậy quan điểm của tôi là áp thuế giá trị gia tăng nhưng phải thỏa mãn các điều kiện và Nhà nước tham gia bình ổn giá", ông Thủy bày tỏ.

Còn những ý kiến khác nhau về thuế GTGT với mặt hàng phân bón

Tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên viên chính Vụ Chính sách Tổng cục Thuế cho biết, hiện tại dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. 

Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại hội trường vào ngày 29/10/2024, trong đó, nội dung sửa đổi về thuế suất đối với mặt hàng phân bón là một nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho ý kiến. Liên quan đến nội dung sửa đổi thuế suất với mặt hàng phân bón, hiện đang có 2 luồng quan điểm khác nhau. 

Thứ nhất chuyển phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất 5%, phương án này có ưu điểm vừa thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT. 

Đối với phân bón sản xuất trong nước, giá bán phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, thứ nhất phụ thuộc vào chi phí giá thành nguyên vật liệu đầu vào; chi phí sản xuất trong nước; chế độ thuế GTGT đối với sản xuất trong nước; lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất.

Việc chuyển phân bón (đầu vào cho sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí mà được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. 

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế GTGT đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%), các doanh nghiệp sản xuất sẽ có dự địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường không thay đổi.

Đối với phân bón nhập khẩu, giá bán ra trên thị trường trong nước phụ thuộc vào giá phân bón trên thị trường thế giới, chính sách thuế GTGT đối với phân bón nhập khẩu; lợi nhuận của đơn vị nhập khẩu.

Tọa đàm thuế GTGT với mặt hàng phân bón: Người nông dân được hưởng lợi khi giá thành vật tư giảm?- Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên viên chính Vụ Chính sách Tổng cục Thuế (đứng) trình bày ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Phạm Hưng.

Bà Hương thông tin, phân bón sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 73% thị phần và sẽ giảm được giá thành khi phân bón quay lại chịu thuế GTGT 5%; phân bón nhập khẩu chiếm dưới 27% thị phần và có khả năng sẽ phải tăng giá khi bị đánh thuế GTGT 5%. Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải căn cứ giá nhập khẩu thực tế, mặt bằng giá trong nước khi có chính sách mới để tính toán giá bán với mức lợi nhuận hợp lý để duy trì khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Với cơ chế thị trường và thị phần lớn của phân bón sản xuất trong nước nếu phân bón trong nước giảm được giá thành thì mặt bằng giá trong nước nhìn chung sẽ ở xu thế giảm hơn so.

Tuy nhiên, theo bà, cũng có những nhược điểm nhất định với việc đưa phân bón quay lại chịu thuế GTGT 5% dẫn đến khu vực sản xuất nông nghiệp có thể sẽ ảnh hướng do giá phân bón nhập khẩu tăng thêm 5%.

Quan điểm thứ hai, giữ như quy định hiện hành phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, phương án này có ưu điểm giá phân bón nhập khẩu sẽ không tăng, giá phân bón trong nước chưa đủ cơ sở để khẳng định sẽ giảm.

Qua tổng hợp, phân tích số liệu do cơ quan thuế địa phương cung cấp số liệu của 19 doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong cả nước chiếm 95% thị phần trong nước giai đoạn 2019 - 2023 cho thấy nếu áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón thì đối với phân bón sản xuất trong nước sẽ có những doanh nghiệp sản xuất phân bón vẫn còn số thuế GTGT đầu vào phải tiếp tục chuyển sang khấu trừ GTGT đầu vào hoặc được hoàn thuế GTGT (nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trên 300 triệu đồng) theo như quy định hiện hành. Như vậy doanh nghiệp có dư địa để giảm giá bán sản phẩm phân bón.

Ngoài ra, sẽ có những doanh nghiệp sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Giá bán của phân bón sẽ còn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường, giá nguyên vật liệu và phân bón thế giới, sản lượng phân bón nhập khẩu và sản xuất trong nước… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem