Về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tại báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655 ha; đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha và cần di dân tái định cư khoảng 30.209 hộ dân.
Tuy nhiên, số liệu về nhu cầu sử dụng đất chỉ đang ở mức sơ bộ, trong bước nghiên cứu khả thi có thể sẽ có nhiều thay đổi sau khi khảo sát, kiểm đếm, xác định chính xác hướng tuyến của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Do đó, đề nghị Chính phủ trong các bước tiếp theo chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tối ưu hướng tuyến của Dự án để giảm thiểu nhu cầu chuyển đổi sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất lớn, đất trồng lúa; giảm thiểu các tác động tiêu cực của Dự án đến các khu vực bảo tồn, việc kinh doanh, sản xuất, đời sống của doanh nghiệp, người dân và tối ưu tổng mức đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao.
Bên cạnh đó, qua kết quả giám sát việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cho thấy, tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm, thống nhất chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện dự án, có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm được tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh chậm trễ, ảnh hưởng tới tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đồng thời, quan tâm có chính sách đền bù hợp lý, thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của việc thu hồi đất phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ngoài ra, phạm vi của Dự án đi qua nhiều địa phương, do đó đề nghị nghiên cứu khung chính sách chung để thống nhất, đồng bộ về cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.
Về tiến độ thực hiện Dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, lần đầu triển khai thực hiện ở Việt Nam và thời gian kéo dài (khoảng 10 năm) sẽ tiềm ẩn rủi ro như đã xảy ra đối với nhiều dự án trọng điểm trong thời gian qua.
Các rủi ro được Thường trực Uỷ ban Kinh tế chỉ ra như: Công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ lưỡng, dự toán chưa sát thực tế, phương án thực hiện thiếu tính khả thi dẫn tới phải kéo dài thời gian,... làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành.
Do đó, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục để bảo đảm không xảy ra tình trạng tương tự đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đồng thời, trong thời gian tới dự kiến sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng khác, nên cần làm rõ tính khả thi của các nguồn lực để bảo đảm hiệu quả cho dự án đường sắt tốc độ cao.
Ngoài ra, qua kết quả giám sát việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cho thấy còn những khó khăn, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng cao, dù đã có các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, thực tế triển khai dự án đường sắt tốc độ cao sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ đề ra.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ hơn về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng thiếu và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời, đồng bộ và tính toán thận trọng, bảo đảm cho công tác chuẩn bị đầu tư tốt nhất.
Đồng thời, Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất "thực hiện Dự án từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035", tuy nhiên theo quy định pháp luật hiện hành không có khái niệm "cơ bản hoàn thành", vì vậy đề nghị Chính phủ xác định rõ thời gian hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đưa vào vận hành, khai thác để Quốc hội có cơ sở giám sát theo quy định.