Đề nghị rà soát, đánh giá đúng hiệu quả tài chính của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đề nghị rà soát, đánh giá đúng hiệu quả tài chính của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thế Anh
Thứ sáu, ngày 08/11/2024 13:09 PM (GMT+7)
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai.
Đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc phát triển giao thông theo trục Bắc - Nam giúp kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới.
Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác. Cùng đó, đề nghị làm rõ tính kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm cơ sở lựa chọn hướng tuyến theo đề xuất của Chính phủ, đồng thời làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc "thẳng nhất có thể", nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định, để bảo đảm hiệu quả cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc tăng tỷ lệ đầu tư chiều dài kết cấu cầu của dự án để bảo đảm an toàn trong khai thác và hạn chế tác động đến môi trường, hệ sinh thái.
Về lựa chọn phương án đầu tư, theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trên cơ sở phân tích 3 phương án phát triển Dự án, Chính phủ đề xuất phương án 1: "Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn".
Có ý kiến cho rằng, trên thế giới hiện chưa có tuyến đường sắt nào thiết kế với vận tốc 350 km/h, khai thác chung với tàu hàng, do đó cần đánh giá tính khả thi và mức độ rủi ro của phương án này.
Về hiệu quả tài chính, báo cáo nêu có ý kiến đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán dự báo về nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng.
Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, dự báo doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang là cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vì vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Phân tích các rủi ro có thể xảy ra
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc dự án đưa vào khai thác với lợi thế về thời gian, giá vé và các ưu thế khác nên sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các chặng bay quãng ngắn (như Hà Nội - Vinh, Hồ Chí Minh - Nha Trang…) trong tương lai. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa làm rõ đối với nội dung này.
Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính khả thi, hiệu quả của việc tính toán giá vé bằng 60 - 70% giá vé bình quân các hãng hàng không đang khai thác trên cùng chặng.
Và làm rõ cách tính giá vé toàn chặng (nhiều khách không đi toàn tuyến), so sánh với các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tương tự của các quốc gia trên thế giới.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi về mặt kinh tế thông qua các chỉ số: tỷ suất nội hoàn kinh tế EIRR = 12,40%; tỷ số lợi ích/chi phí B/C = 1,06 và giá trị hiện tại ròng NPV = 9.154 triệu USD. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã phân tích độ nhạy với các kịch bản khi chi phí tăng 5%, 10% và lợi ích giảm 5%, 10%.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự án được đặt trong tình hình rất lạc quan về tốc độ tăng trưởng, nhưng trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều biến động khó lường, cần đặt ra những kịch bản khác nhau để có cơ sở xem xét, quyết định.
Có ý kiến cho rằng, với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ 4.0, thương mại điện tử dựa trên nền tảng chuyển đổi số đang có tốc độ phát triển rất cao, theo đó hiện tại và trong tương lai gần, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể thực hiện phần lớn các hoạt động giao dịch thương mại, ký kết thỏa thuận, hợp đồng, đàm phán, đối thoại… trên các nền tảng kỹ thuật số dẫn đến giảm nhu cầu di chuyển, gặp gỡ trực tiếp.
Do vậy, đề nghị cần rà soát, tính toán thận trọng hơn, đồng thời phân tích các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện giải pháp phù hợp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.