Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trình bày Báo cáo tóm tắt tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, căn cứ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học, bối cảnh trong nước và quốc tế, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã phân tích, làm rõ sự cần thiết đầu tư theo 5 nội dung.
Thứ nhất là hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng; Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ hai là tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.
Thứ ba là đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Thứ tư là tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Thứ năm là phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại.
Về hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ trưởng Thắng cho biết, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nghiên cứu, lựa chọn ngắn nhất có thể, sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến; bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương. Trong đó, kết cấu cầu khoảng 60%, hầm khoảng 10% và nền đất khoảng 30% chiều dài tuyến.
Cùng đó, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực tập trung đông dân cư; bảo đảm liên kết các hành lang Đông - Tây và các tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Bộ trưởng Thắng cho biết, dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035.
Qua đó, khi thực hiện dự án sẽ bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (khởi công dự án).
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Theo Bộ trưởng Thắng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế năm 2025 - 2026; triển khai giải phóng mặt bằng, khởi công dự án năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Cũng giải trình một số nhóm vấn đề về dự án, Bộ trưởng Thắng cho biết, về hướng tuyến, nhà ga, đã được tất cả các địa phương dọc tuyến thống nhất.
Vị trí ga khách đều quy hoạch không gian phát triển tối thiểu từ 250 - 300ha, đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương hoặc khu vực gần trung tâm đô thị, quy hoạch có tiềm năng phát triển mới để khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất, bảo đảm kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông công cộng.
Quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5ha, đặt tại các vị trí bảo đảm phục vụ tốt cho hậu cần quốc phòng, an ninh.
Quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật sẽ nghiên cứu đầu tư bổ sung và giao cho địa phương chủ trì thực hiện.
Trong bước tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát để chuẩn xác hướng tuyến, vị trí, quy mô nhà ga bảo đảm tối ưu, hiệu quả.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Thắng cho biết, để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của dự án và phù hợp điều kiện thực tế nước ta, đề xuất huy động tối đa nguồn nhân lực trong nước kết hợp với thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài tham gia thiết kế, thi công, quản lý, giám sát thực hiện dự án.
Về tiến độ thực hiện, dự án dự kiến khởi công năm 2027, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035, phù hợp với yêu cầu rút ngắn tiến độ của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, để có thể triển khai dự án theo tiến độ này là rất gấp, nhiều thách thức, khó khăn nên đã đề xuất một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Và trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ sẽ chỉ đạo các các cơ quan liên quan thực hiện bảo đảm tiến độ dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.