Thông tin, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can các tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Theo cơ quan công an, Fu Dunmiao (61 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị khởi tố tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Nguyễn Thị Đ. (21 tuổi, quê Hưng Yên) đã bị khởi tố tội "tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" và tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Qua công tác nắm tình hình, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện Công ty TNHH G - Huge (trụ sở tại thị xã Mỹ Hào) có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động bảo lãnh, quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài.
Qua tổ chức xác minh, thu thập tài liệu liên quan, kết quả đã xác định vụ việc ở Công ty trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Sau đó Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã bàn giao vụ việc cho Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục phối hợp điều tra, thụ lý theo thẩm quyền.
Quá trình điều tra, Cơ quan an ninh điều tra xác định tháng 9/2011, Fu Dunmiao sử dụng hộ chiếu nhập cảnh vào Việt Nam nhằm mục đích khảo sát thị trường để mua, bán máy cơ điện cầm tay.
Tháng 3/2015, thông qua một số bạn bè người Trung Quốc và Việt Nam, Fu Dunmiao biết được quy định muốn ở lại Việt Nam lâu dài phải có Công ty ở Việt Nam làm hồ sơ bảo lãnh.
Do vậy, Fu Dunmiao đã nhờ Đào Thị Giang (30 tuổi, quê Hải Dương)- là phiên dịch viên của Fu Dunmiao, cung cấp chứng minh thư để thuê các đơn vị dịch vụ làm thủ tục thành lập Công ty TNHH cơ điện Zhipu.
Lập công ty nhằm mục đích sử dụng để đứng tên của Giang làm hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, thị thực, gia hạn tạm trú cho Fu Dunmiao.
Sau khi lập công ty, Giang không chỉ đạo điều hành các hoạt động của công ty và chỉ làm phiên dịch cho Fu Dunmiao với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Toàn bộ dấu công ty, dấu chức danh giám đốc Đào Thị Giang và hoạt động của công ty đều do Fu Dumiao trực tiếp quản lý, điều hành.
Đến tháng 10/2015, Giang ngừng phiên dịch cho Fu Dunmiao và trở về sinh sống tại địa phương.
Từ năm 2016 đến 2022, Fu Dunmiao đã chỉ đạo một số người làm phiên dịch viên giả mạo chữ ký giám đốc Đào Thị Giang vào các tài liệu của Công ty TNHH cơ điện Zhipu (sau đổi tên thành Công ty TNHH G - Huge) để thuê đơn vị dịch vụ hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng cấp giấy phép lao động, thị thực, gia hạn tạm trú.
Theo Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên, đến tháng 12/2023, do giấy phép lao động và thời hạn tạm trú tại Việt Nam sắp hết, Fu Dunmiao thuê Trần Thị N. làm hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên gia hạn giấy phép lao động, thị thực, gia hạn tạm trú.
N. gửi hồ sơ đã được đánh sẵn nội dung cho Fu Dumiao qua mạng xã hội Wechat để người này tự hoàn thiện dấu tròn, chữ ký giám đốc công ty. Sau đó tiếp tục nhờ Nguyễn Thị Đ. (21 tuổi, trú tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên) giả mạo chữ ký của Đào Thị Giang trong các tài liệu của Công ty G-Huge.
Đ. ký xong, Fu Dunmiao tự đóng dấu tròn Công ty TNHH G-Huge vào các tài liệu và chuyển cho Trần Thị N. làm hồ sơ gửi cơ quan chức năng. Sau đó cơ quan chức năng đã cấp gia hạn giấy phép lao động, thị thực, gia hạn tạm trú và Fu Dumiao đã sử dụng giấy tờ trên để ở lại Việt Nam trái phép.
Liên quan đến vụ việc cô gái trẻ tham gia tổ chức cho người đàn ông Trung Quốc ở lại Việt Nam trái phép, luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, việc để người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép ở Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý nhanh chóng, triệt để là cần thiết.
Theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam thì người nước ngoài phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn, giấy tờ mới được phép nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Theo luật sư Huy, các đối tượng đã làm giả giấy tờ nhằm giúp sức cho công dân Trung Quốc cư trú trái phép ở Việt Nam. Vì vậy, phía cơ quan an ninh sẽ xem xét từng hành vi vi phạm pháp luật của từng đối tượng để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong vụ việc trên, trường hợp người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam thì sẽ bị xử phạt hành chính đến 25.000.000 đồng. Nếu còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đến 03 năm tù, kèm theo hình phạt bổ sung là trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Còn đối với những người Tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 348, Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, việc các đối tượng có hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức còn có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự.
Việc tổng hợp và quyết định hình phạt đối với từng đối tượng thế nào sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật hình sự nguyên nhân, động cơ, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Cũng theo luật sư Huy, bên cạnh những hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam đúng quy định thì hiện nay còn tồn tại hoạt động môi giới để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Những hành vi này có xu hướng ngày một tăng lên với thủ đoạn tinh vi và thời gian phạm tội lâu dài.
Chính vì thế, cần phải có những quy định cứng rắn cũng như rõ ràng hơn, quyết liệt hơn từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền kết hợp với tinh thần thương tôn pháp luật của người dân để ngăn chặn tình trạng này tái diễn.