Góc nhìn pháp lý vụ 3 người Trung Quốc sát hại tài xế, cướp taxi gây tai nạn

Phi Long Thứ tư, ngày 31/07/2024 14:47 PM (GMT+7)
Ba người mang quốc tịch Trung Quốc sát hại tài xế xe taxi ở Quảng Ngãi, sau đó chạy ra Quảng Bình gây tai nạn liên hoàn trước khi bị bắt giữ. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.
Bình luận 0

Ngày 29/7, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn (Công an tỉnh Quảng Bình) bàn giao Huang Jie Cheng, Luo Shi Jun và Gan Ying (cùng mang quốc tịch Trung Quốc) cho Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận, điều tra, xử lý do liên quan đến vụ lái xe taxi bị sát hại.

Góc nhìn pháp lý vụ 3 người Trung Quốc sát hại tài xế, cướp taxi gây tai nạn- Ảnh 1.

Ba người khai là sát hại lái xe taxi ở Quảng Ngãi sau đó cướp xe chạy ra đến Quảng Bình thì bị bắt giữ. (Ảnh: CACC)

Theo cơ quan công an, khoảng 8h ngày 28/7, tổ công tác thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đang tuần tra trên Quốc lộ 1A đoạn qua phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) thì phát hiện taxi Mai Linh (loại 5 chỗ) chạy theo hướng Nam - Bắc có dấu hiệu nghi vấn nên ra tín hiệu dừng để kiểm tra.

Người lái phương tiện không chấp hành hiệu lệnh của CSGT mà tiếp tục bỏ chạy với tốc độ cao hơn. Trong quá trình bỏ chạy, chiếc xe liên tục gây tai nạn với 3 xe máy khiến nhiều người bị thương.

Người cầm lái xe taxi được xác định là Luo Shi Jun (SN 2008), đi cùng trên xe còn có Huang Jie Cheng (SN 2006) và Gan Ying (SN 2007) cùng mang quốc tịch Trung Quốc.

Đêm 28/7,  3 người Trung Quốc khai nhận là hung thủ vừa gây ra vụ sát hại tài xế taxi Mai Linh vào khoảng 19h ngày 27/7 tại địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, 3 người này cướp taxi chạy ra đến thị xã Ba Đồn thì bị Công an Quảng Bình bắt giữ.

Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích, theo quy định của pháp luật, tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản.

Tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì khung hình tội cướp tài sản với 4 khung hình phạt khác nhau trong đó, mức phạt thấp nhất là 3 năm cho tới 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Góc nhìn pháp lý vụ 3 người Trung Quốc sát hại tài xế, cướp taxi gây tai nạn- Ảnh 2.

Ba người mang quốc tịch Trung Quốc tại cơ quan công an. (Ảnh: CACC)

Trong vụ việc ở trên, luật sư Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, các đối tượng còn có dấu hiệu vi phạm cả tội giết người. Theo đó, tội này có thể bị xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, tùy từng mức độ, hành vi vi phạm được quy định cụ thể Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, trường hợp trên là các đối tượng nước ngoài. Do đó, căn cứ Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.

Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Ngoài trường hợp nêu trên, mọi hành vi phạm tội (kể cả người nước ngoài) thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, đều bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự của Việt Nam và được xét xử tại tòa án của Việt Nam.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007, trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam có thể được dẫn độ về nước họ mang quốc tịch để nước đó truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Căn cứ Điều 35 Luật tương trợ tư pháp 2007, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một số trường hợp cụ thể.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem