Nhờ vậy, xã đã xây dựng thành công mô hình trồng rau màu tập trung, góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Trên những cánh đồng rau màu ở thôn Mỹ Đà (xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), nông dân hăng say lao động sản xuất từ rất sớm. Những luống rau cải xanh, mồng tơi, rau ngót, rau muống… xanh tốt đang chờ thu hoạch.
Bà Trần Thị Loan, thôn Mỹ Đà cho biết: Gia đình tôi gắn với nghề trồng rau từ nhiều năm nay. Hiện nay, gia đình trồng khoảng hơn 2 sào, chủ yếu là rau các loại; mùa nào rau nấy, liên tục thâm canh không để đất nghỉ.
Mùa này tôi trồng rau mồng tơi, rau ngót, rau dền… Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi thu được khoảng 5 - 6 triệu đồng từ tiền bán rau.
Nhờ chất đất tơi xốp, màu mỡ, mỗi năm nông dân xã Nhân Mỹ có thể thâm canh từ 4 – 5 vụ. Cùng với việc áp dụng khoa học – kỹ thuật trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh kịp thời đã giúp các loại rau màu sinh trưởng, phát triển tốt và được bán với giá thành cao.
Để tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất, bà con nơi đây đã chú trọng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiêu. Đặc biệt quan tâm tới việc phòng, chống sâu bệnh, trồng rau an toàn.
Mô hình trồng rau màu ở xã Nhân Mỹ (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) giúp mỗi hộ gia đình có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Gia đình bà Trần Thị Chanh, thôn Mỹ Đà có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng rau màu. Theo bà Chanh, trước khi trồng, bà thường tiến hành cải tạo đất bằng việc trộn đất với phân chuồng ủ hoai mục, sau đó lên luống, đánh rạch... chú trọng kết hợp phân hữu cơ cùng các loại phân tổng hợp để vừa cải tạo đất, vừa nâng cao chất lượng rau màu.
Nhờ được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau màu, bà đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong trồng và chăm sóc, vì thế vườn rau hơn 700m2 của gia đình bà sinh trưởng tốt, mỗi năm gia đình thu khoảng hơn 60 triệu đồng từ rau màu các loại.
Để mở rộng diện tích rau màu, xã Nhân Mỹ đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rau màu cho nông dân trên địa bàn giúp người dân nắm vững được các yêu cầu kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, sản xuất rau an toàn, phòng trừ sâu bệnh cho từng loại rau.
Cùng với đó, nông dân còn thường xuyên học hỏi qua sách báo, những kiến thức chia sẻ từ người đi trước để nâng cao kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc rau an toàn.
Bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Mỹ cho biết: Để giúp nông dân vươn lên phát triển kinh tế, cấp uỷ, chính quyền xã Nhân Mỹ đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Tháng 6/2024, Hội Nông dân xã đã thành lập “Chi hội nghề nghiệp trồng cây rau màu” với 20 thành viên tham gia, tổng diện tích đất nông nghiệp trồng rau màu 1,4ha. Trước khi thành lập, các hộ trồng rau màu làm theo hướng tự phát, diện tích nhỏ lẻ, đầu ra sản phẩm tự bao tiêu dẫn đến giá bán không ổn định.
Việc thành lập “Chi hội nghề nghiệp trồng cây rau màu” của Hội Nông dân xã Nhân Mỹ hướng đến giúp hội viên đoàn kết, liên kết, hỗ trợ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất nông sản hàng hóa góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hội viên.
Việc trồng và phát triển cây rau màu không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà hiệu quả mang lại rất khả quan, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để vùng chuyên canh rau màu ngày càng phát triển, thời gian tới, xã Nhân Mỹ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất, tập trung xây dựng thương hiệu vùng sản xuất rau của địa phương.