Dân Việt

Thái Nguyên: 22 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình được cấp chứng nhận VietGAP

Hà Thanh 15/11/2024 05:49 GMT+7
Đến nay, toàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) có 22 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, trong đó chủ yếu là các hộ chăn nuôi gà.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng tới chăn nuôi bền vững, những năm gần đây, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã áp dụng nhiều biện pháp chăn nuôi tiên tiến theo quy trình VietGAP.

Thái Nguyên: 22 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình được cấp chứng nhận VietGAP - Ảnh 1.

Hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Mạnh (xóm La Tú, xã Tân Khánh, Phú Bình) được cấp giấy chứng nhận VietGAP tháng 11/2024, có quy mô chăn nuôi từ 6.000-7.000 con gà/năm. Ảnh: N.C

Quy trình VietGAP trong chăn nuôi tập trung vào các nội dung như: An toàn thực phẩm; an toàn sinh học và môi trường; an toàn lao động cho người sản xuất, chăn nuôi; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Khi chăn nuôi theo quy trình VietGAP, các trang trại, hộ chăn nuôi cần tuân thủ 4 nguyên tắc gồm: Đúng điều kiện vệ sinh; đúng loại; đúng cách; đúng thời gian cách ly.

Để đạt được những yêu cầu đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Bình cùng các địa phương hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện các bước theo đúng quy trình VietGAP. Sau khi thẩm định đạt yêu cầu thì các cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP với thời hạn trong 2 năm.