Dòng sông Máspero chảy qua lòng một thành phố ở Sóc Trăng bất ngờ lung linh Đèn nước, ghe Cà hâu

Hà Phương (Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng) Thứ năm, ngày 14/11/2024 13:56 PM (GMT+7)
Đêm 12/11, dòng sông Máspero giữa lòng thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) được thắp sáng bởi những chiếc Đèn nước và ghe Cà hâu từ các ngôi chùa Khmer, các địa phương trong tỉnh tụ hội về - hình ảnh mà chỉ vào những dịp lễ hội Oóc Om Bóc người dân và du khách mới được chiêm ngưỡng trọn vẹn.
Bình luận 0
Đêm 12/11, dòng sông Máspero giữa lòng thành phố Sóc Trăng được thắp sáng bởi những chiếc Đèn nước và ghe Cà hâu từ các ngôi chùa Khmer, các địa phương trong tỉnh tụ hội về - hình ảnh mà chỉ vào những dịp lễ hội Oóc Om Bóc người dân và du khách mới được chiêm ngưỡng trọn vẹn.
img

 Đèn nước tham gia trình diễn trên dòng sông Máspero giữa lòng thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) trong Lê hội Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024, tối 12/11, tại bờ sông Máspero, thành phố Sóc Trăng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức khai mạc Chương trình trình diễn thả Đèn nước và ghe Cà hâu. 

20 chiếc Đèn nước và 200 hoa đăng đến từ 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã góp phần làm cho dòng sông thêm lung linh, rực rỡ. 

Mỗi chiếc đèn là thành quả lao động nghiêm túc và đầy sáng tạo của người thợ trong hàng chục ngày liền. 

Đèn nước mang hình dáng ngôi chánh điện hoặc ngôi sala chùa, được trang trí với hoa văn đặc trưng văn hóa Khmer, đi cùng ánh đèn lấp lánh và âm nhạc rộn ràng. Tất cả tạo nên vẻ đẹp đầy thu hút, không chỉ với người dân địa phương mà với cả những người từ phương xa.

Anh Lâm Hoàng Vũ - người dân ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nhận xét: “Mình thấy năm nay người ta đến đông vui, thấy rộn ràng. Những chiếc đèn đẹp hơn năm ngoái, chiếc nào cũng đẹp”.

Chị Kim Dương - Việt kiều Canada, hào hứng chia sẻ: “Lần đầu tiên tới đây, em thấy rất là vui. Những chiếc đèn được trang trí đẹp lắm, sáng trưng, giống như một ngôi chùa nhỏ trên chiếc tàu. Em sẽ trở lại để tham dự nữa, bên Canada không có cái này”.

Cùng với những chiếc Đèn nước, gây ấn tượng không kém là 5 chiếc ghe Cà hâu, đến từ 4 ngôi chùa trong tỉnh là chùa Bưng Tróp, Tum Núp (Châu Thành), Trà Cuôn (Mỹ Xuyên), Bưng Cốc (Mỹ Tú) và của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.

Ghe Cà hâu trước đây là chiếc ghe song hành với chiếc ghe Ngo, thường là ghe chỉ huy, chở các vị chức sắc Khmer, ban quản trị chùa và làm nhiệm vụ hậu cần để tiếp tế cho đội ghe Ngo. Nhiều chiếc ghe Cà hâu còn tồn tại đến ngày nay với tuổi đời hàng trăm năm.

img

Ghe Cà Hâu tham gia trình diễn trên dòng sông Máspero giữa lòng thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) trong Lê hội Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

Ông Lý Phol - Ban Quản trị chùa Bưng Tróp, cho biết: “Ghe của chùa Bưng Tróp có tuổi đời trên trăm năm, sau này được Nhà nước hỗ trợ tiền để sửa chữa. Khi phục dựng ghe Cà hâu này, bổn chùa và xóm, ấp rất là phấn khởi, mỗi người tiếp một chút, làm hơn 1 tháng mới xong chiếc ghe Cà hâu này”.

Nếu như trước kia, Đèn nước và ghe Cà hâu chỉ phổ biến trong cộng đồng người Khmer thì giờ đây, việc phục dựng lại và trình diễn Đèn nước và ghe Cà hâu vào mỗi dịp Lễ hội Oóc Om Bóc đã mang đến cơ hội quảng bá rộng rãi đến cộng đồng dân cư về vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Khmer; đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem