Từng có ước mơ sẽ đặt chân đến 63 tỉnh, thành của Việt Nam, ngắm nhìn cảnh vật và khám phá cuộc sống, người dân ở 3 miền Tổ quốc, ông Thạch Nguyễn Phước Doanh (51 tuổi, quê Vũng Tàu) bắt đầu đi xe máy rong ruổi từ Vũng Tàu lên Hồ Tràm, sau đó đi thêm những điểm gần xung quanh để đánh giá thể lực cho những chuyến phượt dài sắp tới. Như được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào, người đàn ông U60 trở về nhà, giãi bày và động viên vợ (Thái Thị Bạch Tường, 49 tuổi) cùng thực hiện hành trình xuyên Việt đã ấp ủ từ nhiều năm.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Thạch Nguyễn Phước Doanh cho biết: "Lúc đầu tôi mua cái xe thường thường, từ Vũng Tàu đi lên Hồ Tràm, đi những điểm gần gần để coi cái thể lực mình có tốt hay không? Rồi sau đó quyết định chở vợ đi, trang bị cho vợ áo ấm rồi găng tay, nón bảo hộ,… Hai vợ chồng cũng dân lao động thôi, nhưng mong muốn khám phá hết Việt Nam, để sau này có những ký ức đẹp."
"Hai vợ chồng tôi bắt đầu hành trình từ năm 2022, đến nay đã được 2 năm. Chiếc xe đầu tiên thì chạy được khoảng 14000 cây số. Chúng tôi đã đi phượt lang thang, trèo đèo lội suối, đi vào hang cùng ngõ cụt nhiều nên xe yếu dần. Sau đó tôi cũng dành dụm, tích góp mua được chiếc xe CB300R, rồi mua sắt về uốn, thiết kế khung ráp để gắn thùng chở đồ vào đuôi xe, chuẩn bị kỹ càng cho những chuyến đi đường dài, gắn cả đồng hồ, đèn trợ sáng phục vụ cho những lúc phải đi buổi đêm nữa. Hiện giờ là xe chạy được khoảng 20.000 km rồi", ông Doanh cho biết thêm.
Mỗi chuyến đi đều được vợ chồng ông Doanh lên kế hoạch chi tiết, rõ ràng từ nửa tháng cho đến một tháng trước đó. Hai vợ chồng tham khảo những anh chị, bạn bè đã từng đi, sắm sửa thiết bị, dụng cụ, đồ đạc cần thiết, bơm vá lốp xe cẩn thận, trang bị áo khoác cho những ngày thời tiết chuyển lạnh,… để mỗi hành trình đều được diễn ra thuận lợi, giảm bớt các vấn đề phát sinh có thể xảy ra.
Tuy vậy, cũng có nhiều tình huống "khó xử" xuất hiện khiến hai vợ chồng ông Doanh không thể nào quên được trong suốt hành trình xuyên Việt của mình. Nhắc lại những kỷ niệm đó, người đàn ông U60 cho hay: "Mùa hè thì gặp mưa gió lớn, những chuyến đi đường xa thì hết xăng, bể bánh xe dọc đường, phải dắt bộ."
"Có lần, chúng tôi đi từ Tuyên Quang về tới chùa Bái Đính (Ninh Bình) thì bị bể bánh xe, đi đường mòn Hồ Chí Minh không rành nên đi từ 4 giờ sáng mà tới 10 giờ đêm, đường hoang vắng có hai vợ chồng đẩy xe lịch thịch từng bước. Cũng có những kỷ niệm đi ngang nghĩa địa, rừng thông, da gà nổi lên. Còn có những hôm đi theo Google Maps nên bị lạc, vào hang cùng ngõ cụt xong hết xăng, phải xin xăng của người dân ở đó để đi tiếp", ông Doanh vui vẻ kể lại.
Rong ruổi khắp các nẻo đường, đến nay hai vợ chồng ông Doanh đã đặt chân đến gần hết 63 tỉnh, thành của Việt Nam.
Trước đây, cuộc sống của hai vợ chồng ông Thạch Nguyễn Phước Doanh gặp nhiều khó khăn, quanh năm phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Khi cuộc sống ổn định hơn trước, ông quyết tâm cho vợ được đi khám phá thiên nhiên rộng lớn, hòa mình vào cảnh sắc nhân gian, bỏ lại những bộn bề lo toan trước đây để sống trọn vẹn, đủ đầy trong từng khoảnh khắc của hiện tại.
Ông Doanh nghẹn nghèo tâm sự: "Vợ tôi năm nay 49 tuổi. Thương vợ lắm, hồi đó hai vợ chồng nghèo khổ, vợ tôi chu toàn mọi thứ suốt ba mươi mấy năm, nỗi lo cơm áo gạo tiền chồng chất, có những lúc áp lực quá còn lớn tiếng với nhau. Nhưng dần dần, tôi nhận ra vợ hy sinh cho gia đình, chồng con nhiều quá, quanh năm buôn bán, bán được bao nhiêu lại tiết kiệm để lo cho gia đình chứ cũng không mua sắm gì cho bản thân cả. Nên tôi mong muốn bằng mọi giá phải bù đắp cho vợ, để vợ tìm thấy được niềm vui trọn vẹn, sau này khi hai vợ chồng về già có nhiều kỷ niệm kể lại cho con cháu."
Theo chia sẻ của ông Doanh, hai vợ chồng ông bắt đầu những chuyến đi phượt bằng tiền tích cóp từ việc buôn bán. Chi phí cho mỗi chuyến đi dao động từ 5 triệu, 10 triệu hoặc hơn nữa là trên 20 triệu - chuyến hành trình kéo dài 3 tuần đi khắp các tỉnh thành phía Bắc.
"Hai vợ chồng đi tự túc, không xin xỏ, nhờ vả vào ai. May mắn là con cái cũng đã trưởng thành. Con gái lớn năm nay 24 tuổi, con gái út 20 tuổi, những lúc bố mẹ đi phượt thì có hai con ở nhà phụ giúp việc buôn bán, lau dọn cửa nhà", ông Doanh nói.
Chuyến đi gần đây nhất của vợ chồng ông là đến Nha Trang, Đà Lạt. Băng qua những nẻo đường, cả hai đã rất ngỡ ngàng khi những cảnh sắc, thiên nhiên đẹp đến vậy, đẹp như tranh vẽ cứ dần mở ra trước mắt. Mỗi điểm dừng chân là một sắc màu riêng biệt, mang đậm nét đặc trưng của từng vùng trên khắp dải đất hình chữ S.
"Tôi nhớ tại cung đường xuống đèo Bảo Lộc, tôi quẹo vào một con đường nhỏ tới chùa, ở chính giữa hai bên chùa là một thác nước còn hoang sơ và rất là đẹp. Nhìn cảnh sắc đó, tôi cảm thấy đầu óc thảnh thơi, như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Tôi không còn nghĩ về những bon chen cuộc sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền nữa. Cảm thấy rất thoải mái trong tâm hồn", người đàn ông U60 hào hứng kể lại.
Hai vợ chồng ông Doanh trân trọng từng chuyến đi, đó không chỉ là cơ hội để khám phá những cung đường đẹp của đất nước, mà còn là những giây phút được nâng niu cảm xúc, "hâm nóng" ngọn lửa tình yêu nồng ấm thời trẻ.
"Vợ tôi sau hai năm đi phượt, bà ấy rất thích. Có những chuyến đi tôi bị cảm, vợ tôi mua thuốc dán xong cạo gió, xong xuôi ngày mai khỏe là lại đi tiếp. Lên xe một cái là hai vợ chồng khỏe re, vợ hết đau nhức người, tôi cũng hết ho. Xong mua mấy cái bánh, vài chai nước, tìm chỗ mát thì hai vợ chồng dừng chân rồi ngồi nói chuyện, tâm sự về ngày xưa để quên đi cái mệt, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình", ông Doanh chia sẻ.
Theo ông Doanh, sau những chuyến đi, tinh thần của hai vợ chồng rất thoải mái, yêu đời và trẻ trung. Hai vợ chồng đồng cam chịu khổ, hạnh phúc về tình yêu. Nói chung là nhiều cái mà không thể nói được bằng lời. Càng ngày tình yêu nó càng thêm đậm đà, thắm thiết hơn 30 năm, tuy không dư dả về tiền bạc nhưng cả hai cảm thấy thoải mái đầu óc, được khám phá mọi thứ cùng nhau.
Trong những chuyến hành trình tiếp theo, hai vợ chồng ông Thạch Nguyễn Phước Doanh dự định đi đường Hồ Chí Minh quốc lộ 14, đi lên Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Kon Tum, khám phá Măng Đen, sau đó tiếp tục gặp gỡ những người dân tộc sát biên giới, khám phá 3 nước Đông Dương.
Những chuyến đi không đích đến cụ thể, vì chính từng phút giây trên các cung đường, sự tự do và khoảnh khắc được hòa mình vào thiên nhiên mới chính là đích đến thực sự. Khi trở về không chỉ với một chiếc xe đầy bui, mà còn là trái tim đồng điệu, những thước phim đầy kỷ niệm và khát vọng lớn lao, chinh phục những con đường mới ở phía trước.