Năm 2022, anh Bùi Ngọc Thanh, người dân tộc Mường ở xã Vĩnh Sơn, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số vốn ban đầu là 100 triệu đồng để đầu tư làm trang trại trồng trọt.
Anh đầu tư trồng cây dâu tây, trồng măng tây và các loại rau củ khác, nhằm giảm sức người, tăng năng suất cây trồng, tạo dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh nông sản mang tính địa phương.
"Ngày trước gia đình chỉ trồng cây keo, cây mì nhưng thu nhập không cao chỉ dừng lại ở mức đủ ăn uống. Với suy nghĩ muốn làm giàu thì phải thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Năm 2020 trong chuyến đi tham quan các mô hình trồng trọt các loại rau củ ở các tỉnh Tây Nguyên cùng với người thân, tôi về nhà suy nghĩ và thảo luận với gia đình trồng dâu tây, măng tây và các loại rau củ ngắn ngày và được gia đình ủng hộ", nông dân Bùi Ngọc Thanh kể.
Anh Bùi Ngọc Thanh, người dân tộc Mường ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Ảnh: QN.
Theo nông dân Thanh, năm 2020, anh bắt đầu lên lại Đà Lạt tìm mua giống dâu tây về trồng thử nghiệm trên mảnh đất bỏ hoang sau nhà.
Khi mới trồng dâu tây gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, đôi lúc tưởng như khó có thể thành công, vì lúc đó mình không có kiến thức về cách trồng và chăm sóc loại cây này, cây bị sâu bệnh vàng lá, năng suất rất thấp khi thu hoạch.
Vấp ngã ở đâu thì vực dậy tại đó, nên nông dân này vừa làm vừa rút kinh nghiệm kết hợp học tập kiến thức trồng dâu tây trên không gian mạng rồi áp dụng vào thực tế.
"Hiện tại, diện tích đất tôi đang trồng cây dâu tây, măng tây và các loại rau củ ngắn ngày là 1ha", anh Thanh nói.
Nắm bắt được thị trường du lịch nông nghiệp đang có xu hướng phát triển mạnh, cùng kiến thức được học về du lịch và thời gian tham gia làm du lịch cộng đồng ở tỉnh Gia Lai, nông dân Bùi Ngọc Thanh quyết định mở tour du lịch trải nghiệm cho du khách có nhu cầu.
Quả dâu vừa được hái và có thể thưởng thức ngay tại vườn. Ảnh: QN.
Tour du lịch tập trung vào trải nghiệm thiên nhiên Vĩnh Sơn qua các điểm: Thành Tà Kơn, tắm suối Lơ Pin và tìm hiểu quy trình chăm bón, trồng và thu hoạch dâu tây, măng tây.
Du khách lên "cổng trời" Vĩnh Sơn rất thích thú với hoạt động thu hoạch dâu tây, kết hợp dịch vụ tour trải nghiệm, ẩm thực dân dã.
Chị Nguyễn Thị Ánh Diệp (du khách đến từ TP.Quy Nhơn) cho biết, gia đình chị vừa lên Vĩnh Sơn tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ. Tại đây, những thành viên trong gia đình hái và nếm thử hương vị của dâu tây tươi ngon vừa thu hoạch.
"Những đứa con của tôi rất thích thú, bởi được tận tay thu hoạch những trái dâu tây tươi ngon rất thú vị. Sự trải nghiệm này, khi về tôi kể lại cho bạn bè, người thân và tất cả mọi người, ai cũng đều háo hức mong muốn đến cổng trời Vĩnh Sơn thưởng thức trải nghiệm du lịch cộng đồng nơi đây", chị Diệp hồ hởi chia sẻ.
Trẻ em có không gian chơi, tìm hiểu về các loại rau củ quả sạch. Ảnh: QN.
Theo ông Đinh Khánh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định thì tại xã Vĩnh Sơn phần lớn hộ dân là đồng bào dân tộc Ba Na, mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình kết hợp du lịch trải nghiệm của nông dân Bùi Ngọc Thanh mang lại tín hiệu tốt và đây là cơ hội để bà con học tập noi theo vươn lên thoát nghèo, hướng đến làm du lịch cộng đồng.
"Địa phương sẽ tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, mở rộng mô hình nông nghiệp kết hợp với làm trải nghiệm du lịch bản địa trên vùng đất Vĩnh Sơn", ông Đinh Khánh cho hay.