Những vùng cát nóng ấy ngày càng mở rộng, màu xanh của cây cối cũng dần biến mất, khiến cuộc sống của bà con nơi đây ngày một khó khăn hơn...
Nguyên nhân chính là do nắng hạn kéo dài, thiếu nước, khiến cây cối không thể mọc, thậm chí cỏ cũng không lên! Những đàn cừu tại đây, nhiều khi đói quá, đành phải ăn cả xương rồng....
Cách đây hơn 10 năm, tôi vào Ninh Thuận. Các đồng chí ở Sở Nông nghiệp đã đưa tôi ra thăm những vùng cát trắng ấy, nơi nắng như đổ lửa.
Đi trên cát, dù có mang giày, nhưng vẫn cảm nhận rõ cái nóng bỏng rát. Ấy vậy mà, ngay trên những vùng cát nóng ấy, vẫn có những cây mọc xanh tốt, cành lá xum xuê. Thật kỳ diệu! Làm sao chúng có thể vươn lên trong điều kiện khắc nghiệt như vậy?
Lá của chúng xanh đậm, tán rất rộng, và trùm xuống quanh gốc. Thân cây rất lớn, có cây đường kính tới 50–60 cm. Hỏi ra mới biết, đó là cây neem, hay còn gọi là cây xoan chịu hạn.
Tôi về tìm đọc các tài liệu khoa học và được biết, cây neem đó có tên khoa học là Azadirachta indica A. Juss, thuộc họ Xoan. Lá và quả của nó rất giống cây xoan ở Việt Nam, nhưng lá xanh đậm hơn, mọc nhiều hơn, và trùm kín gốc. Đặc biệt, thân cây rất lớn.
Theo tài liệu, ở Senegal, có những cây neem đường kính gốc lên đến vài mét. Khi tôi đến thăm một số nhà dân, bà con cho biết khi đào giếng sâu gần 20 m vẫn thấy rễ cây neem ăn xuống tới đấy. Có lẽ, đây chính là lý do mà cây neem vẫn sống tốt giữa vùng cát khô nóng với sa mạc.
Ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, người ta chủ yếu trồng hai loại cây trên đường phố: cây bàng lá nhỏ và cây neem. Cả hai loài này đều chịu hạn tốt, bóng mát rộng và tán dày. Nhiều cây neem ở đây có thân đường kính lên tới 50–60 cm. Gỗ của cây neem thuộc loại gỗ xoan, đặc biệt quả neem rất sai, lớn hơn quả xoan ta.
Trong quả và lá neem chứa một chất đặc biệt gọi là azadirachtin, có hoạt tính kháng lại nhiều loại côn trùng, đặc biệt là châu chấu. GS.TS Nguyễn Văn Tuất, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật và sau này là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, cho biết khi sang thăm Ấn Độ, ông thấy ở đó có đến bốn nhà máy chuyên sản xuất dầu neem để làm thuốc bảo vệ thực vật. Đây là các loại thuốc sinh học được nông dân ưa chuộng.
Nhà máy phân bón Năm Sao ở Việt Nam đã mua dầu neem từ Ấn Độ về để bọc ngoài viên phân đạm, giúp xua đuổi côn trùng.
Ngay tại Việt Nam, TS. Vũ Thị Quyên ở Khoa Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang và cộng sự đã nghiên cứu và sản xuất thuốc trừ sâu, trừ nấm, và nhiều loại phân hữu cơ,... từ dầu neem. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của loại cây này cả trong nước và trên thế giới.
Quay lại Ninh Thuận, tôi thấy ông giám đốc Sở Nông nghiệp ngày xưa, nay đã là Phó Chủ tịch tỉnh, rất tha thiết với việc đẩy mạnh trồng cây neem trên những vùng cát khô, nóng. Ngay cả Chủ tịch tỉnh cũng nhiệt tình ủng hộ chủ trương này. Ai cũng mong muốn phủ xanh lại những vùng đất bị sa mạc hóa...
Vấn đề là làm sao để bà con hiểu và hưởng ứng việc trồng cây neem trên chính cánh đồng cát của họ. Những rừng neem không chỉ giúp đẩy lùi sa mạc hóa mà còn mang lại nguồn thu nhập lớn.
Mỗi cây neem có thể cho vài chục cân quả, với giá từ 10.000–30.000 đồng/kg. Nếu mỗi gia đình trồng vài trăm cây neem, nguồn thu nhập sẽ rất lớn, giúp bà con đổi đời.
Vậy, xin Chính phủ, tỉnh, huyện và các doanh nghiệp cùng nghiên cứu để sớm đưa cây neem vào chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh.
Tôi hy vọng, chương trình "Mùa hè xanh" của Trung ương Đoàn sẽ tổ chức các đợt thanh niên tình nguyện trồng cây neem trên các vùng cát đó. Mỗi năm, thanh niên có thể trồng hàng nghìn hecta neem, biến những vùng cát nóng bỏng thành rừng cây xanh mát.
Khi đó, chim thú sẽ quay về, cỏ cây sẽ vươn lên, đàn dê, đàn cừu sẽ bình an sinh sống dưới những bóng cây râm mát. Không biết đến bao giờ mơ ước này mới thành hiện thực!