Dân Việt trích lược đăng một số góp ý của PGS –TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội về sắp xếp, kiện toàn bộ máy nhà nước tinh gọn về tổ chức, hiệu quả về hoạt động, ngang tầm yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới.
Đây là nội dung nằm trong tham luận "Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", được giới thiệu trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".
PGS –TS Lê Minh Thông cho rằng: Để sắp xếp, kiện toàn hợp lý tổ chức bộ máy nhà nước trong giai đoạn phát triển mới cần tiếp tục đổi mới tư duy về Nhà nước. Theo đó, tư duy lại vai trò của Nhà nước trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần đổi mới nhận thức trên những vấn đề cơ bản sau:
Nhà nước là một thiết chế chính trị trung tâm có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, dù vai trò của Nhà nước quan trọng, to lớn đến nhường nào thì cũng không thể tạo ra một nhà nước toàn trị, quyết định mọi vấn đề và bao cấp toàn xã hội.
Vai trò của Nhà nước luôn có giới hạn trong mối quan hệ với các thiết chế chính trị - xã hội thuộc hệ thống chính trị, mối quan hệ với kinh tế thị trường, xã hội và mối quan hệ với công dân. Trong lĩnh vực kinh tế, sự quản lý, tác động, điều tiết của Nhà nước vẫn là hết sức cần thiết, nhằm kiểm soát sự vận hành của thị trường.
Để thị trường vận hành hiệu quả, cần phải có Nhà nước đủ mạnh để bảo đảm sự tuân thủ các nguyên tắc cạnh tranh.
Tuy nhiên, sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước đối với thị trường không được phép tạo ra nguy cơ hành chính hóa nền kinh tế, cũng như thay thế vai trò của thị trường và các doanh nghiệp. Nhà nước phải tự hạn chế, giảm thiểu các biện pháp can thiệp trực tiếp vào thị trường, thông qua việc ban hành pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho vận hành của thị trường, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát, bảo đảm tuân thủ pháp luật, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng trên thị trường.
Cần nghiên cứu sự thay đổi trong vai trò của Nhà nước: Cần được quán triệt cả hai xu hướng: Thứ nhất, tăng cường sức mạnh của Nhà nước thông qua các biện pháp cải tổ mạnh mẽ bộ máy nhà nước từ kết cấu và tổ chức quyền lực, thực hiện quyền của các nhánh quyền lực đến việc cải cách nền hành chính quốc gia, cải cách tư pháp… làm cho Nhà nước thực sự thích ứng với cơ chế kinh tế - xã hội mới để giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra của thời kỳ quá độ.
Thứ hai là xu hướng phi nhà nước hóa, từng bước loại bỏ dần sự can thiệp của Nhà nước vào những lĩnh vực quan hệ xã hội mà tính chất của chúng không đòi hỏi sự can thiệp ấy, tăng cường các khả năng độc lập của các thiết chế chính trị xã hội khác theo hướng giải phóng họ khỏi sự phụ thuộc (bảo trợ) của Nhà nước từ tài chính đến tổ chức.
Vai trò của Nhà nước trong cơ chế kinh tế - xã hội mới, cần được nhận diện qua những nhiệm vụ cơ bản, mà một nhà nước hiện đại và hiệu quả phải quan tâm thực hiện. Đó là xây dựng một hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho sự vận động của dân chủ, kinh tế - xã hội và tự do công dân; duy trì và thực thi một hệ thống chính sách không thiên lệch trong sự ổn định kinh tế vĩ mô và điều hòa các quan hệ kinh tế; đầu tư vào các dịch vụ công thiết yếu và cơ sở hạ tầng cơ bản; bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương; bảo vệ môi trường và duy trì một nền an ninh trong mọi lĩnh vực.
Những nhiệm vụ mới: Nhà nước phải thực hiện được thể hiện trong những yêu cầu mới của hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoạt động lập pháp của Nhà nước trong thời đại ngày nay không hướng trọng tâm vào thể chế hóa quyền quản lý của bộ máy nhà nước (quyền cai trị) mà phải hướng trọng tâm vào tạo dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc, ổn định cho một nền dân chủ xã hội và tự do của công dân. Điều này có nghĩa là hoạt động lập pháp chuyển trọng tâm từ quy định quyền của bộ máy nhà nước sang xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan này, từ quyền cho phép của công quyền sang quyền của công dân trong mối quan hệ với Nhà nước.
Hoạt động hành pháp chuyển trọng tâm từ vai trò quản lý sang vai trò của nền hành chính phục vụ, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm trung tâm và đích đến của hoạt động hành pháp. Hoạt động tư pháp chuyển từ nhân danh Nhà nước sang nhân danh luật pháp và công lý để phán quyết các vi phạm luật pháp và xử lý các tranh chấp, xung đột pháp lý trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự thay đổi tính mục tiêu, nội hàm hoạt động của lập pháp, hành pháp và tư pháp lẽ đương nhiên phải cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ mối quan hệ và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước từ Quốc hội.
Chính phủ, các cơ quan tư pháp đến chính quyền địa phương
Bộ máy nhà nước và công chức nhà nước phải kiên quyết vượt qua được tư duy của lối quản lý truyền thống "tư duy quyền uy" tiến tới tư duy mới: tư duy nghĩa vụ, trách nhiệm, thay đổi cách ứng xử từ "cho phép" sang "phục vụ" trong mối quan hệ với công dân. Nhà nước với tính chất là "hình thức tổ chức của dân chủ" không có lợi ích tự thân, và như vậy, càng không thể có khái niệm lợi ích, ý chí của bộ máy nhà nước, cơ quan nhà nước. Lợi ích, ý chí của Nhà nước là lợi ích, ý chí của nhân dân theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh: Một nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Yêu cầu quan trọng và cốt yếu của dân chủ trong giai đoạn mới là phải đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi hoạt động nhà nước. Như vậy, toàn bộ bộ máy nhà nước phải được tổ chức trên nền tảng "phục vụ nhân dân". Tư duy mới về Nhà nước, tạo cơ sở để đổi mới hiệu quả tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trên tất cả phương diện:
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013, bộ máy nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện theo các định hướng đã được xác định tại Nghị quyết số 27- NQ/TW, ngày 9/11/2022, "Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới"; theo đó:
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Toàn bộ tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của một thiết chế dân chủ nghị trường, khắc phục những biểu hiện "hành chính hóa" trong hoạt động Quốc hội. Đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp để tháo gỡ những nút thắt về thể chế đang gây khó khăn cho sự phát triển.
Cần kiên quyết chuyển đổi tư duy xây dựng luật để vừa bảo đảm yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng mọi nguồn lực xã hội cho phát triển. Hoàn thiện, nâng cao kỹ thuật xây dựng luật theo hướng, luật chỉ quy định hành lang pháp lý có tính nguyên tắc, tạo khuôn khổ thông thoáng cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, không luật hóa các nghị định, thông tư của Chính phủ, các bộ.
Quốc hội chỉ ban hành luật thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm thẩm quyền lập quy của Chính phủ để xử lý kịp thời, linh hoạt những vấn đề của thực tiễn. Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân để năng cao chất lượng các đại biểu được bầu vào Quốc hội, đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, tầm nhìn trong thảo luận và quyết định chính sách pháp luật.
Sắp xếp hợp lý các cơ quan thuộc Quốc hội theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực, từ đó hợp nhất một số cơ quan quốc hội có nhiệm vụ, chức năng gắn bó mật thiết với nhau để giảm bớt số lượng các ủy ban, tinh gọn bộ máy của Quốc hội; đồng thời, đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong ý nghĩa là hai trụ cột cơ bản của Quốc hội.
+ Tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia theo yêu cầu Nhà nước pháp quyền, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần bảo đảm sự cân bằng và kiểm soát trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng tinh gọn
Tiếp tục kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại. Phân định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của tập thể Chính phủ và các thành viên Chính phủ theo hướng: Chính phủ tập trung vào thực hiện chức năng xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nền hành chính quốc gia theo thẩm quyền của người đứng đầu nền hành chính quốc gia; bộ trưởng chịu trách nhiệm về lĩnh vực quản lý nhà nước do mình phụ trách, đúng vị của tư lệnh ngành.
Tiếp tục tinh gọn cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ theo nguyên tắc bộ đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ quản lý chỉ do một bộ chịu trách nhiệm, tạo căn cứ để giảm bớt số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ so với số lượng hiện hành; tái cấu trúc lại các cơ quan thuộc Chính phủ theo mô hình các cơ quan thực thi để khắc phục tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng tổ chức thực thi chính sách, phòng, chống nguy cơ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, làm tăng chi phí hành chính, kéo dài thời gian, gây lãng phí nguồn lực và cơ hội phát triển.
Xác định cơ chế bảo đảm tính độc lập của hoạt động tư pháp theo hướng khẳng định tòa án có quyền và có trách nhiệm chỉ căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật để ra các phán quyết, không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ phía các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước. Trong Nhà nước pháp quyền, chỉ duy nhất tòa án có chức năng xét xử, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm tôn trọng phán quyết của tòa án; đồng thời, cần nghiên cứu để tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động kiểm sát, điều tra, thi hành án tương ứng với chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ để vừa có sự phân công, phối hợp, vừa kiểm soát lẫn nhau.
Cải cách mạnh mẽ chính quyền địa phương phù hợp với các đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo. Phân định rõ thẩm quyền của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, theo hướng phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương theo phương châm: Địa phương tự quyết định các vấn đề của địa phương, địa phương tự làm, địa phương tự chịu trách nhiệm. Hoàn thiện địa vị pháp lý của các cấp chính quyền địa phương theo yêu cầu của pháp nhân công quyền, tạo cơ chế để chính quyền địa phương tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy và biên chế công chức địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng địa phương.
Tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm các cấp hành chính trung gian, đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính các cấp địa phương, tạo không gian và nguồn lực cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương đối với hoạt động của chính quyền địa phương; đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp.
Về đội ngũ cán bộ, công chức:
Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ.
Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ. Cần có quy hoạch, kế hoạch tổng thể về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện việc quản lý cán bộ, công chức theo hướng quản lý nguồn nhân lực công vụ.
Cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín đối với nhân dân.