Dân Việt

Nóng: Ông Putin thông qua học thuyết hạt nhân mới của Nga, Điện Kremlin cảnh báo rắn

V.N (Theo RT) 19/11/2024 17:08 GMT+7
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới, đưa những thay đổi mà ông công bố lần đầu tiên vào tháng 9 vào thực thi. Sắc lệnh được công bố trong bối cảnh có thông tin Mỹ cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào Nga.
Nóng: Ông Putin thông qua học thuyết hạt nhân mới của Nga - Ảnh 1.

Ông Putin chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga. Ảnh: RT.

Theo học thuyết mới, Nga có thể sử dụng vũ lực răn đe hạt nhân để ngăn chặn hành động xâm lược của các thế lực thù địch và các khối quân sự sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc kho vũ khí thông thường lớn. Các quốc gia cung cấp không gian có chủ quyền của mình cho các bên khác chuẩn bị và tiến hành một cuộc tấn công chống lại Nga cũng phải tuân theo chính sách này.

Một cuộc tấn công của một thành viên duy nhất trong một khối, bao gồm cả một khối không có vũ khí hạt nhân, sẽ được coi là một cuộc tấn công của toàn bộ khối. Điều tương tự cũng áp dụng khi một quốc gia không chính thức thuộc một tổ chức quân sự được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn.

Mục tiêu của Nga là đảm bảo rằng "kẻ xâm lược tiềm tàng nhận ra rằng sự trả đũa là điều không thể tránh khỏi" nếu đất nước bị tấn công, học thuyết nêu rõ. Các đồng minh quân sự của Nga sẽ được hưởng sự bảo vệ tương tự.

Tài liệu liệt kê mười mối đe dọa cần phải chống trả thông qua răn đe, từ kho vũ khí hạt nhân do các bên thù địch sở hữu đến khả năng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt không được kiểm soát và hệ thống phân phối vũ khí. Các mối đe dọa khác bao gồm việc tăng cường quân sự gần biên giới Nga, phát triển hệ thống tên lửa chống đạn đạo, triển khai hệ thống vũ khí thông thường có thể tấn công lãnh thổ Nga và các âm mưu phá hoại tiềm tàng gây ra thảm họa môi trường trên diện rộng.

Danh sách các tác nhân kích hoạt cho hành động trả đũa hạt nhân hiện bao gồm thông tin tình báo đã được xác nhận về một cuộc tấn công lớn bằng máy bay, tên lửa và máy bay không người lái của đối phương, một khi các vũ khí đó xâm nhập vào không phận Nga.

Tổng thống Nga vẫn là người  đưa ra quyết định về việc có sử dụng kho vũ khí hạt nhân của đất nước hay không. Ông cũng có thẩm quyền truyền đạt ý định và hành động của mình liên quan đến các loại vũ khí đó cho các quốc gia nước ngoài.

Học thuyết sửa đổi được công bố vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington tài trợ để tấn công sâu vào bên trong nước Nga. Ông Putin trước đó đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ cấu thành một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa NATO và Nga.

Trong cuộc họp báo thường kỳ cùng ngày, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã thúc giục các nước nghiên cứu học thuyết này. Ông nói học thuyết là "điều cực kỳ quan trọng" và nên là "chủ đề phân tích rất sâu sắc cả trong nước và có thể là ở nước ngoài".

Người phát ngôn đã nhấn mạnh vào cách diễn đạt cụ thể, trong đó nêu rằng học thuyết này "nhằm đảm bảo kẻ thù tiềm tàng nhận ra rằng việc trả đũa là điều không thể tránh khỏi trong trường hợp có hành động xâm lược Liên bang Nga và/hoặc các đồng minh của Nga".

Trong kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông đã đề xuất với Tổng thống Mỹ Biden cho phép các cuộc tấn công không hạn chế bằng vũ khí phương Tây. Các điểm khác trong đề xuất của ông bao gồm việc triển khai "gói răn đe thông thường" trên đất Ukraine. Ông được cho là đã yêu cầu Mỹ triển khai tên lửa hành trình Tomahawk ở Ukraine và đe dọa sẽ phóng chúng vào Nga.

Khi được hỏi liệu việc triển khai như vậy có kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân của Nga theo học thuyết mới hay không, Người phát ngôn Điện Kremlin từ chối trả lời trực tiếp, nhưng đề cập rằng các quy tắc mới coi một cuộc tấn công của một cường quốc phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn là một cuộc tấn công chung.

Ông Peskov nói thêm rằng Moscow có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình hoặc của các đồng minh bị đe dọa.