Theo gia phả họ Nghiêm làng Quan Độ, thủy tổ dòng tộc là cụ Nghiêm Phúc Lý - một vị võ quan thời nhà Lý - khởi phát từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Liên tiếp 10 đời sau, họ Nghiêm đều có người làm quan võ trong triều với những chức vụ trọng yếu.
Nổi bật trong số đó phải kể đến Đại tư mã Nghiêm Tĩnh - người mở đầu công trạng hiển hách họ Nghiêm được lưu truyền trong nhiều đời sau.
Từ nhỏ, Nghiêm Tĩnh theo học chữ Hán sau đó chuyển sang học võ nghệ, binh pháp và có chí hướng cầm quân đánh trận. Nhờ trí thông minh, năm 25 tuổi dưới thời vua Lý Cao Tông, Nghiêm Tĩnh làm quan võ thăng tới chức Đại tư mã kiêm Thị trung, sau được phong tước Quận công.
Trải qua nhiều năm phụng sự dưới vương triều Lý, ông đã phò vua giúp nước, giải quyết công việc triều chính góp phần xây dựng bảo vệ giang sơn xã tắc, củng cố vững bền vương triều nhà Lý.
Con trai Nghiêm Tĩnh là Nghiêm Kế - người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất.
Theo sử liệu, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, Nghiêm Kế được vua Trần Thái Tông cử làm Bắc vệ Đại tướng quân trấn giữ biên giới phía Bắc.
Nhà thờ dòng họ Nghiêm ở Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Đầu năm 1258, quân địch theo lưu vực sông Hồng tiến vào nhưng đến ngày 29/1/1258 quân Đại Việt ngược sông Hồng mở cuộc tấn công tại bến Đông Bộ Đầu.
Quân Nguyên Mông bị đánh bật ra khỏi Thăng Long, chúng theo sông Hồng tháo chạy về phía Tây Bắc. Quân Đại Việt truy kích, Nghiêm Kế dẫn một đội quân hơn 700 lính tinh nhuệ đánh vào đội hình quân địch, lập chiến tích vẻ vang. Sau đó, Trần Hưng Đạo giao cho ông hàng vạn binh sĩ, mở nhiều trận huyết chiến oanh liệt.
Nghiêm Kế được nhà Trần phong Đặc tiến phụ quốc - Bắc vệ Đại tướng quân và ban Hầu tước, rồi Công tước, tặng phong Thái Bảo dũng Quận công.
Hiện nay, trong từ đường họ Nghiêm còn giữ đôi câu đối: Bình thác trừ hung an xã tắc/ Phò Trần tá quốc cứu lê dân - và: Vi tích bình Mông vạn cổ phương danh thùy bắc địa/ Huân lao hộ quốc thiên thu sự nghiệp chấn nam thiên.
Từ xa xưa, Quan Độ được xem là đất địa linh nhân kiệt và bách nghệ trăm nghề. Những danh tướng họ Nghiêm không chỉ để lại những chiến công hiển hách, mà còn để lại cho hậu thế những bài học xương máu về phép dùng binh, được áp dụng dọc dài trong chiến trận suốt các triều đại về sau.
Gắn liền với lịch sử nhà Trần và đặc biệt là thời nhà Lý với 10 đời liên tiếp là các vị đại quan trong triều, được lịch sử gọi là “Thập đại liên đăng quan triều”. Không chỉ ở võ cử, mà sang thời nhà Lê họ Nghiêm còn đóng góp cho nước nhà hai vị đại khoa bảng.
Thời nhà Lê, họ Nghiêm Quan Độ nổi bật một nhân tài nổi tiếng đương thời là Tiến sĩ Nghiêm Phụ. Theo sử liệu, Nghiêm Phụ sinh năm Canh Ngọ đời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Thái Hòa thứ 8 (1450). Ông là con trai duy nhất của Nghiêm Lý và bà Nguyễn Thị.
Nhà thờ họ Nghiêm (làng cổ Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) hiện còn lưu giữ nhiều tư liệu quý mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, phong tục, khoa bảng.
Ngay từ nhỏ, Nghiêm Phụ đã được theo học tại Trường Thái học sinh. Năm 24 tuổi, ông dự khoa thi Hương và đỗ Tứ trường (năm 1473). Năm 28 tuổi, trong khoa thi Hương năm Đinh Dậu thời Hồng Đức năm thứ 8 (1477) ông đỗ Nho sinh Trúng thức. Năm 29 tuổi, vào khoa thi Hội năm Mậu Tuất thời Hồng Đức thứ 9 (1478), ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Các nguồn sử đăng khoa cũng như sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rằng, kỳ thi này có 50 người trong cả nước đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, trong đó Nghiêm Phụ đứng thứ 10.
Việc đỗ đạt của Nghiêm Phụ không chỉ đánh dấu bước ngoặt của dòng họ Nghiêm, mà còn mở ra truyền thống khoa bảng của dòng họ. Trước ông, họ Nghiêm đã 10 đời làm quan võ, nhưng quan niệm thuở trước cho rằng - võ quan cũng chỉ là hạng võ biền. Đến đời Nghiêm Phụ thì họ Nghiêm Quan Độ mới bắt đầu có nhà khoa bảng lớn, minh chứng rạng danh chữ nghĩa.
12 năm sau, người em con chú của Nghiêm Phụ là Nghiêm Ích Khiêm cũng đỗ đại khoa. Nghiêm Ích Khiêm sinh năm Kỷ Mão niên hiệu Thiên Hưng đời vua Lê Nghi Dân (tức năm 1459), mất năm Kỷ Mùi (1499), đỗ Hoàng Giáp khoa thi năm Canh Tuất (1490).
Họ Nghiêm ở làng Quan Độ có tới 10 đời liên tiếp làm võ quan cùng 2 nhà khoa bảng.
Nghiêm Ích Khiêm là người học rộng tài cao, văn võ song toàn. Khi mới ra làm quan, ông là quan văn nhưng sau đó đã chuyển sang quan võ tới chức Đạt tín đại phu, Cẩm y vệ Đoán sự ty, Đoán sự, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ… và luôn luôn thường trực tại điện Kim Quang.
Trong khi làm quan, Nghiêm Ích Khiêm luôn đề cao phẩm hạnh trung nghĩa đức nhân, giữ trọn thần tiết với vua, với nước, do vậy, ông đã được nhà vua sủng ái, sĩ phu trọng vọng.
Năm 2014, nhân kỷ niệm 515 năm Ngày mất của Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm và truyền thống khoa bảng họ Nghiêm”, thu hút nhiều tham luận của giới nghiên cứu lịch sử.
Các nhà khoa học đã khẳng định với tài năng và đức độ, Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm đã có nhiều đóng góp đối với quê hương và dòng họ, đối với triều đình và đất nước. Dù mất sớm (ở tuổi 41), nhưng ông đã kịp soạn và để lại cho dòng họ Nghiêm cuốn “Nghiêm tính gia kê” (năm 1498), hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - là một trong những cuốn gia phả có niên đại sớm nhất ở Việt Nam.
Dựa vào cuốn “Nghiêm tính gia kê”, hậu thế biết chuyện sâu hơn về Tiết nghĩa Đại vương Đàm Thận Huy - danh thần hiếm có triều Lê.
Chuyện kể, khi vinh quy bái tổ, Nghiêm Ích Khiêm có đi cùng đường với Tiến sĩ Đàm Thận Huy, người xã Ông Mặc. Khi được Ích Khiêm hỏi: “Chẳng hay hiền hữu đã có người sửa túi nâng khăn chưa?”, Thận Huy cười đáp: “Thưa thân huynh, đệ vẫn còn phòng không đón khách”. Ích Khiêm tiếp lời: “Tôi có cô em gái hiền lành, nếu hiền hữu bằng lòng thì tôi xin gả”. Thận Huy đáp: “Nếu được như vậy thì đệ quả là diễm phúc”. Sau đó, Đàm Thận Huy đẹp duyên kim cải với em gái Nghiêm Ích Khiêm.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mùi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, “Nghiêm tính gia kê” được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có bìa bằng giấy quét sơn ta hồng nhạt. Chữ viết trong sách là chữ Hán, viết theo lối chân phương.
Lời tựa của cuốn 'Nghiêm tính gia kê'-một cuốn gia phả quý hiếm do Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm biên soạn năm 1498.
“Nghiêm tính gia kê” có 3 phần, phần đầu là bài tựa được Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm soạn vào năm 1498, phần thứ 2 là phần ghi chép truyện về các đời và phần 3 là ghi chép về các câu đối, văn tế của dòng họ. Mặc dù, cuốn này được sao chép lại vào thời vua Tự Đức nhưng được khẳng định đây là một trong những cuốn gia phả có niên đại sớm nhất của Việt Nam.
Ngoài phần liệt kê các thế hệ của dòng họ Nghiêm, mỗi đời được ghi thành một truyện, mỗi truyện đại diện cho một đời, giúp người đọc không bị gò bó bởi lối biên soạn gia phả theo trật tự, cũng qua đó có thêm nhiều thông tin phong phú về mỗi nhân vật.
Tuy là một dòng họ lừng danh Kinh Bắc, nhưng do nhiều nguyên nhân nên nguồn sử liệu chép về các danh nhân họ Nghiêm khá ít ỏi. Như Tiến sĩ Nghiêm Phụ - người khai khoa dòng chỉ được một số nguồn sử, như “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” nhắc đến, và chỉ ghi sơ sài, rằng Nghiêm Phụ đảm nhận chức quan Thừa chánh sứ.
Theo TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh thì “Nghiêm tính gia kê” là cuốn tư liệu quý có thể dùng để đối chiếu và làm phong phú thêm nguồn sử liệu.
Những tư liệu từ cuốn gia phả này giúp sáng tỏ thêm một số mối quan hệ với các dòng họ khoa bảng khác - như dòng họ Đàm Hương Mạc (nhà khoa bảng Đàm Thận Huy).
Cuốn gia phả này không chỉ là báu vật của họ Nghiêm Quan Độ, mà còn là tư liệu cực quý hiếm đối với giới nghiên cứu lịch sử.
Dựa vào “Nghiêm tính gia kê”, các nhà nghiên cứu còn xác định được 10 đời liên tiếp làm đại quan trong triều của họ Nghiêm. Đồng thời, giúp hiểu sâu hơn về cách thức biên soạn gia phả cũng như cung cấp rất nhiều thông tin về các hoạt động giáo dục khoa cử, phong tục tập quán vài thế kỷ trước mà nhiều nguồn sử liệu không đề cập đến.