Cây lạc ra quả mà gọi là củ, ở Điện Biên nhổ bật lên chùm củ ngon, bóc ra hạt lạc đỏ như son
Một nơi ở Điện Biên, dân trồng thứ cây gọi quả là củ, nhổ lên, bóc ra loại hạt đỏ như son, bán giá hời
Hương Hiền (Báo ảnh Dân tộc và miền núi/TTXVN)
Thứ tư, ngày 20/11/2024 13:43 PM (GMT+7)
Từ nhiều năm nay, nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô sang trồng lạc đỏ mà đồng bào dân tộc Thái ở xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống rất nhiều.
Lạc đỏ là loại cây truyền thống gắn bó với bà con ở xã Na Son từ bao đời nay. Tuy nhiên trước đây, người dân xã Na Son chủ yếu gieo trồng lạc đỏ tự phát, manh mún nên năng suất, sản lượng thấp.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền huyện Điện Biên Đông, xã Na Son đã chú trọng phát triển cây lạc đỏ thành cây chủ lực mũi nhọn để đẩy mạnh phát triển kinh tế, diện tích trồng tập trung chủ yếu tại các bản Na Lanh, Sư Lư, Lọng Chuông, Co Hả,...
Giống lạc đỏ Na Son được trồng 2 vụ trong năm. Cứ vào khoảng tháng 1-2 và tháng 7-8 hằng năm, người dân tận dụng những thửa ruộng cao không chủ động nước, khu vực nương, vườn, đất bãi ven suối để trồng lạc đỏ.
Sau khoảng từ 110-130 ngày, bà con nơi lại đây rộn ràng, vui tươi vào mùa thu hoạch lạc sau bao ngày chăm sóc, vun vén bằng cả sự hy vọng, tâm huyết.
Vùng đất Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt phù hợp với cây lạc đỏ, nhiều diện tích đất trồng lúa, ngô đã chuyển dần sang trồng lạc. Ảnh: Hương Hiền
Lạc đỏ Na Son có đặc trưng riêng, được gieo trồng ở vùng đất giàu khoáng chất, nơi nguồn nước tinh khiết và điều kiện tự nhiên thuận lợi phù hợp, kết tinh vào hạt lạc rắn chắc, to đều lại vừa có vị bùi, béo ngậy, thơm, khác hẳn lạc ở miền xuôi và các vùng đất khác.
Cây lạc đỏ được người nông dân cần cù khéo léo chăm sóc tỉ mỉ từng chút một, tất cả quá trình đều được thực hiện bằng phương thức truyền thống để giữ trọn vẹn hương vị đặc trưng.
Đến khâu thu hoạch, lạc được người dân đem về tách củ hoặc tách hạt phơi khô, tích trữ hút chân không dùng để ăn dần quanh năm và lưu giống trồng vụ sau.
Lạc đỏ Na Son đã được đánh giá cao về quy trình trồng sạch, an toàn, tự nhiên đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng mà hơn thế nữa là chất lượng trong từng hạt lạc.
Với hương vị thơm ngon, lạc đỏ Na Son luôn chiếm trọn sự ưa thích và lòng tin của khách hàng nên vào vụ thu hoạch được thương lái từ khắp nơi đến tận thôn, bản để thu mua, bà con không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.
Lạc đỏ Na Son luôn được thu mua tận nơi nên bà con không lo lắng về thị trường tiêu thụ. Ảnh: Hương Hiền
Tổ hợp tác Lạc Đỏ Na Son đã được thành lập để liên kết với bà con nông dân thu mua lạc với mục tiêu thương mại hóa sản phẩm, nhân rộng ra thị trường đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước.
Những hạt lạc đỏ chất lượng bùi, thơm được thu hoạch mang theo nhiều công sức, tâm huyết và niềm hy vọng của bà con đồng bào Thái. Ảnh: Hương Hiền
Năm 2023, toàn xã Na Son thu hoạch 46,86 tấn lạc, ước tính thu về 937 triệu đồng. Củ lạc tươi được bán với giá khoảng 20 đến 22 nghìn đồng/kg, lạc khô bán 40 nghìn đồng/kg, cao hơn hẳn lúa, ngô.
Bà Lò Thị Mấng tại bản Sư Lư, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) chia sẻ: Bà đã trồng lạc trên diện tích đất nông nghiệp 3.000 m2 của gia đình mình.
Từ khi chuyển đổi diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây lạc đỏ, làm đất cũng tương tự như nhau, nhưng mang lại kinh tế cao, thu nhập của gia đình bà được cải thiện đáng kể. Hiệu quả kinh tế mang lại nhiều hơn cây lúa và các cây trồng khác gấp 3 - 4 lần.
Gia đình bà Lò Thị Mấng ở bản Sư Lư, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) có cuộc sống ổn định hơn nhờ trồng lạc đỏ. Ảnh: Hương Hiền
Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Na Son, huyện Điên Biên Đông (tỉnh Điện Biên), chia sẻ thêm: Hiện toàn xã Na Son có hơn 30 ha diện tích đất trồng lạc với 200 hộ dân thuộc 5 bản tham gia, chủ yếu là bà con người dân tộc Thái.
Chúng tôi đang phấn đấu theo chỉ tiêu kế hoạch huyện đề ra là thời gian tới tăng lên 50 ha trồng lạc đỏ. Sản phẩm lạc đỏ Na Son được đánh giá là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, giúp đồng bào nâng cao thu nhập và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Được sự quan tâm của chính quyền huyện Điện Biên Đông, xã Na Son đã chú trọng phát triển cây lạc đỏ theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đang từng bước xây dựng định hướng để đưa lạc đỏ Na Son thực sự trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Thời gian tới, lạc đỏ Na Son sẽ thực sự trở thành cây trồng xóa nghèo cho bà con địa phương. Ảnh: Hương Hiền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.