Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã rà soát tổ chức, biên chế khối chính quyền; năm 2014, rà soát tổng thể tổ chức bộ máy, biên chế của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh.
Đặc biệt, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khách quan, nhằm bảo đảm sự đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, năm 2015 Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế" (Đề án 25) và ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3/3/2015, để lãnh đạo thực hiện.
Đề án 25 ở Quảng Ninh là một sáng kiến táo bạo, khẳng định khát khao đổi mới của Quảng Ninh. Đề án được xây dựng hết sức công phu, bài bản, được tiến hành đồng bộ từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh và xin ý kiến tham vấn của nhiều cấp lãnh đạo, ban, bộ, ngành ở Trung ương; có sự tham gia, góp ý trực tiếp của nhân dân, các trí thức, lão thành cách mạng, các đối tượng chịu tác động... và thông qua hội đồng nhân dân các cấp.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Đề án 25 không chỉ là để nâng tầm lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy mà đối với Quảng Ninh, Đề án 25 cũng chính là "cẩm nang" trong quá trình đổi mới để hiện thực hoá khát vọng to lớn của nhân dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển.
Trong năm 2022 và 2023, Quảng Ninh đã giảm 17 đơn vị sự nghiệp so với giai đoạn trước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm 1 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và 1 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện. Mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đặt ra từ nay đến hết năm 2026 giảm 80 đơn vị sự nghiệp công lập.
Đây cũng là một đột phá trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, là sự sáng tạo, đổi mới có hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Thực hiện Đề án 25, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, mạnh dạn thí điểm một số mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế và kiểm soát quyền lực với cách làm khoa học, thận trọng, chắc chắn, coi trọng hiệu quả cuối cùng; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy.
Trong 10 năm gần đây, tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả trước các thách thức an ninh phi truyền thống; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, cải cách hành chính của Đảng; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định; sâu sát nắm bắt tình hình cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; sắp xếp lại các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Hội nghị Trung ương sáu khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017, về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" càng khẳng định bước đi của Quảng Ninh là đúng đắn, tạo thêm động lực và là cơ sở chính trị vững chắc để tỉnh có thêm quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị quyết liệt hơn và ở quy mô, tầm mức cao hơn.
Một số kết quả Quảng Ninh đạt được thời gian qua như: Thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh, hợp nhất các cơ quan tương đồng về nhiệm vụ... Ví dụ như Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 3 địa phương cấp huyện (Tiên Yên, Cô Tô, Đông Triều); Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 7 địa phương cấp huyện. Cấp xã: Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND ở 88 xã, phường, thị trấn (47,3%), bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 90 đơn vị cấp xã (48,4%); 1.562/1.565 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố (99,74%).
Từ đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TW, ngày 5/2/2018, để tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ việc triển khai Đề án 25 theo hướng toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn với phương châm: Tiếp tục nhân rộng những nội dung đã thực hiện thí điểm hiệu quả; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề xuất phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, thành phố thông minh Hạ Long, chính quyền biển đảo ở Cô Tô; tổ chức lại một số đơn vị hành chính cấp xã...; đẩy mạnh việc sắp xếp, chuyển đổi mô hình, nâng dần tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế với lộ trình và cách làm phù hợp; thí điểm những cơ chế, chính sách mới, đổi mới cơ chế quản lý.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công Quảng Ninh chia sẻ: Đề án "Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế" đang được Quảng Ninh triển khai trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
"Việc tổ chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tại tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách hành chính trong điều kiện mới, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không làm tăng biên chế nhưng đáp ứng được yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, tập trung, hợp lý, hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính quốc gia mà trọng tâm là gắn cải cách thủ tục hành chính với chuyển đổi số", bà Vân nhấn mạnh.
Theo bà Vân, trong hơn 10 năm hoạt động (2013-2024), mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã cho thấy tính hiệu quả nổi bật, khẳng định được vị thế vai trò trong việc tham mưu các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao minh bạch, truy cập và tra cứu thông tin tái cấu trúc, tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường hiệu suất và năng suất công việc.
Với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn kỹ lưỡng, là những người có trách nhiệm, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có chức vụ phù hợp, được phân cấp, ủy quyền thẩm định hồ sơ thủ tục hành chính, Trung tâm bước đầu hoàn thành sứ mệnh là cầu nối hiệu quả trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công từ hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đến với tổ chức, doanh nghiệp và người dân; nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân. Bên cạnh đó, tinh thần "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" đang được áp dụng vào hoạt động thực tiễn của Trung tâm.
Cuộc cách mạng trông bộ máy của ngành Công an
Nói về việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, có thể thấy Bộ Công an là đơn vị đi đầu với mô hình "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở" (triển khai năm 2018). Đây được coi là một cuộc cách mạng lớn không chỉ riêng với ngành Công an mà còn đối với công tác tổ chức.
Năm 2020, khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khi trả lời phỏng vấn báo chí đã cho biết, bộ máy của Công an các cấp được đổi mới, sắp xếp tinh gọn hơn so với trước đây. Ở Bộ, không bố trí cấp Tổng cục, đã giảm gần 60 đơn vị cấp cục.
Ở địa phương, sáp nhập hơn 20 sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Toàn ngành giảm hơn 800 đơn vị cấp phòng và hàng nghìn đơn vị cấp đội.
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ về cơ bản đã ổn định; thực hiện nghiêm túc quy định Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện không phải là người địa phương. Bước đầu thực hiện điều chỉnh cơ cấu cán bộ theo hướng tăng cường cho cơ sở và lực lượng trực tiếp chiến đấu. Đã có 100% số xã trên toàn quốc đã được bố trí công an chính quy.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương đánh giá: Khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Công an đã bỏ cấp tổng cục cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo Bộ trong thực hiện nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Với 40 năm công tác trong ngành Công an, nhìn nhận về việc tinh gọn bộ máy của Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) - cho biết, việc Bộ tinh giản các tầng, nấc trung gian bỏ hẳn cấp tổng cục và giải thể, sáp nhập nhiều cục, vụ là một đột phá lớn. Để làm được một việc khó khăn, nhạy cảm như vậy mà thành công cho thấy quyết tâm chính trị cao trong Đảng ủy Công an Trung ương và đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.
Hiệu quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính ở Lào Cai
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Lào Cai về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 – 2021. Năm 2020, huyện biên giới Si Ma Cai đã thực hiện sáp nhập 3 xã Quan Thần Sán, xã Cán Hồ, xã Mản Thẩn và lấy tên xã Quan Hồ Thẩn.
Sau khi sáp nhập, xã Quan Hồ Thẩn, có 8 thôn, với hơn 1.000 hộ dân, trên 5.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Ông Giàng A Phừ, Chủ tịch UBND xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai), cho biết: Sau 4 năm thực hiện sáp nhập đã tinh gọn bộ máy ở cấp xã, việc chỉ đạo các công việc được thông suốt, nhiều cán bộ, công chức sau sắp xếp kiện toàn có trình độ, năng lực tốt hơn. Cùng với đó, việc triển khai các chương trình dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn được chú trọng, quy hoạch phù hợp.
Theo ông Giàng A Phừ, ngoài việc hiệu quả đem lại sau sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã thì vẫn còn vướng một số khó khăn, như địa hình chia cắt, việc phân bố dân cư không tập trung, đường vào các thôn xa trung tâm. Đặc biệt là sau sắp xếp đến nay, xã Quan Hồ Thẩn vẫn còn 5 cán bộ, công chức dôi dư chưa được bố trí vị trí việc làm...
Còn tại huyện Bắc Hà, từ năm 2019 đến nay, huyện Bắc Hà đã thực hiện sáp nhập xã Bản Già và xã Tả Củ Tỷ lấy tên xã Tả Củ Tỷ, sáp nhập xã Lầu Thí Ngài và xã Lùng Phình lấy tên xã Lùng Phình. Mới đây nhất là huyện đã sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 5,02 km2, quy mô dân số hơn 3.340 người của xã Tà Chải vào thị trấn Bắc Hà.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Nguyễn Duy Hoà, Bí thư Huyện uỷ Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Vừa qua, huyện Bắc Hà đã thực hiện sáp nhập xã Tà Chải vào thị trấn Bắc Hà, đây là xã thứ 3 của huyện được sáp nhập.
Đặc thù của xã Tà Chải có diện tích, quy mô phát triển dân số bao quanh thị trấn Bắc Hà hiện đang trong tiến trình đô thị hóa mạnh nên công tác quản lý hành chính, an ninh trật tự còn một số bất cập; nhiều dự án trọng điểm của huyện nằm trên địa bàn xã Tà Chải... Xuất phát từ tiễn đó, cách đây 3 năm việc sáp nhập xã Tà Chải vào thị trấn Bắc Hà đã được Huyện uỷ Bắc Hà đề xuất với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai để mở rộng thị trấn Bắc Hà.
Do đó, việc sáp nhập xã Tà Chải vào thị trấn Bắc Hà là phù hợp để tiến tới huyện Bắc Hà sẽ mở rộng không gian quy hoạch các dự án hạ tầng công cộng, khu đô thị mới, thực hiện các dự án sắp xếp dân cư.
Sau sáp nhập, thị trấn Bắc Hà có diện tích tự nhiên là 6,49 km2 và quy mô dân số là 12.203 người. Đến thời điểm này, huyện Bắc Hà có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 1 thị trấn; giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã so với trước.
Công tác kiện toàn cán bộ, công chức đã được huyện Bắc Hà tính toán, sắp xếp bố trí ngay sau khi thực hiện sáp nhập đảm bảo theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai cho biết: Đối với đội ngũ cán bộ dôi dư tỉnh Lào Cai đã có phương án sắp xếp cụ thể đảm bảo trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành. Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2024, sẽ bố trí xong số cán bộ dôi dư còn lại.
Có thể thấy việc sắp xếp các đơn vị hành chính với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã góp phần tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội; không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân.
Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 - 2023, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp có 9 đơn vị cấp huyện (8 huyện và 1 thành phố thuộc tỉnh) và 164 đơn vị hành chính cấp xã (143 xã, 12 phường và 9 thị trấn).
Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố thuộc tỉnh) và 152 đơn vị hành chính cấp xã (127 xã, 16 phường và 9 thị trấn). Cụ thể, cấp huyện sau sắp xếp số lượng đơn vị cấp huyện của tỉnh vẫn giữ nguyên 9 đơn vị (7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố). Tuy nhiên, giảm 1 huyện và tăng 1 thị xã do thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở toàn bộ huyện Sa Pa.
Đối với cấp xã, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 là 42 đơn vị, trong đó, 32 xã, 2 thị trấn và 8 phường. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp là 30 đơn vị, trong đó, 10 xã, 1 thị trấn và 13 phường. Như vậy sau khi sắp xếp lại đã giảm 12 đơn vị cấp xã, phường so với trước đây.
Đối với việc sắp xếp thôn, tổ dân phố, tổng số thôn, tổ dân phố trên địa bản tỉnh tính đến 31/12/2022 là 1.559 thôn, tổ dân phố, trong đó 1.210 thôn và 349 tổ dân phố. Trong giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đã thực hiện sắp xếp 627 thôn, tổ dân phố thành 352 thôn, tổ dân phố, giảm 275 thôn, tổ dân phố sau sắp xếp.
Đến giai đoạn 2023-2025, thực hiện Nghị quyết số 1197/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2023 - 2025. Toàn tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị hành chính đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố thuộc tỉnh) và 151 đơn vị hành chính cấp xã (126 xã, 16 phường và 9 thị trấn); giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã là xã Tà Chải, huyện Bắc Hà.
Tổng số thôn, tổ dân phố tính đến thời điểm này là 1.556 thôn, tổ dân phố, trong đó, có 1.157 thôn và 354 tổ dân phố. Trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp đối với 17 thôn, tổ dân phố thành 14 thôn, tổ dân phố; giảm 3 thôn, tổ dân phố.
Như vậy, thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh Lào Cai đã giảm được 13 đơn vị hành chính cấp xã; số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 270 người.
Tính đến thời điểm hiện tại, đối với số cán bộ, công chức dôi dư các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thực hiện bố trí xong cho 253 cán bộ, công chức cấp xã, phường sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, còn 6 cán bộ, 11 công chức đang chờ sắp xếp vị trí, việc làm.
(Còn nữa)