Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị: Lộ trình nào hợp lý?
Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị: Lộ trình nào hợp lý? (Bài 4)
Thanh Xuân - Minh Tiến
Thứ ba, ngày 26/11/2024 09:58 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia, bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ đồng tình, tâm đắc với quyết tâm tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị do Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để thực hiện yêu cầu "Tinh - gọn - mạnh - hiệu lực - hiệu quả" đối với bộ máy của hệ thống chính trị.
LTS:Trong những phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay.
Tổng Bí thư đã phát đi "tín hiệu" của một cuộc cắt giảm, sáp nhập một số tổ chức, cơ quan cả bên Đảng và Chính phủ. Đây được coi là một trong những động thái quan trọng và hết sức quyết liệt để giúp bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tránh tình trạng chồng chéo chức năng và hiện tượng "song trùng" giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước, dễ tạo ra sự lãng phí lớn về nguồn lực; từ đó giúp cho Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Loạt bài của Dân Việt "Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị - Yêu cầu bức thiết từ thực tiễn" sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về yêu cầu bức thiết mà Tổng Bí thư đặt ra cũng như đề ra những giải pháp và cả những dẫn chứng sinh động từ thực tiễn, qua đó có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và ý nghĩa sinh tử của việc "tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị" trong thời điểm quan trọng này, khi Việt Nam đang bước vào "Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình".
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu nhiệm vụ cách mạng là phải khẩn chương đổi mới, tinh gọn Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để thực hiện Nghị quyết 18/NQ/TƯ ra ngày 25/10/2017 bằng "Quyết tâm chính tự cao" và "Hành động quyết liệt" của cả hệ thống chính trị.
Hệ thống chính trị có lúc, có nơi tuy đông nhưng chưa mạnh
Sau khi nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Trịnh Hữu Chiến - nguyên Giám đốc Trung Tâm Chính Trị huyện Điện Biên (Điện Biên) bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng và tâm đắc với những nội dung, biện pháp cụ thể thiết thực cùng quyết tâm cao do Tổng Bí thư nêu ra.
"Việc đổi mới tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là rất cần thiết trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Làm được việc này, đòi hỏi sự cần thiết phải có ý chí quyết tâm chính tự cao, niềm tin mạnh mẽ vào thành quả trong quá trình tiến hành cuộc cách mạng tinhnh gọn bộ máy hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay", ông Chiến nói.
Vị Đảng viên lão thành 55 tuổi Đảng cho rằng, từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta đã liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong quá trình lãnh đạo thực hiện mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực song đến nay tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị ở nước ta vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối. Điều này phản ánh thực tế "Hệ thống chính trị có lúc, có nơi tuy đông nhưng chưa mạnh".
Qua những mặt chưa làm được ở trên, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Không tinh gọn bộ máy không phát triển được". Bởi, bộ máy cồng kềnh một mặt gây lãng phí cho ngân sách mặt khác còn làm cản trở sự phát triền của đất nước về kinh tế.
"Vì vậy việc thực hiện, tinh gọn bộ máy tổ chức là nhiệm vụ hết sức to lớn, khó khăn đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, các tổ chức trong hệ thống chính trị của nước ta trong giai đoạn hiện nay", ông Trịnh Hữu Chiến nói.
Theo ông Chiến, để thực hiện thành công tinh gọn bộ máy, trước hết các cấp ủy Đảng phải thực sự gương mẫu đi đầu, sát sao, kiên quyết trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Song song với tinh giảm tổ chức bộ máy phải có cơ chế cơ cấu lại đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.
Ban hành quy định bố trí, đề bạt theo tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh, từng cấp, từng ngành... công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ phải thực chất, đúng theo quy chế đề ra.
Đồng thời có cơ chế sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thoái hóa biến chất ...
"Bên cạnh đó phát động phong trào thi đua "Sơ Tổng Kết" rút ra bài học kinh nghiệm, tuyên dương các điển hình tiên tiến, cá nhân thực hiện tốt, có nhiều cống hiến, sáng kiến mới... trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, vai trò gương mẫu, dám nghĩ dám làm, giám chịu trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong hệ thống chính trị...", ông Chiến đề xuất.
Phải định danh được cán bộ, công chức
Phân tích về sự cần thiết phải tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Học Viện Tài chính đánh giá chi tiêu thường xuyên của Việt Nam hiện nay là quá lớn, có năm lên tới 70% tổng chi tiêu ngân sách của Nhà nước. Những năm gần đây, tuy chi tiêu ngân sách cho các hoạt động thường xuyên có giảm những các khoản chi tiêu cho bộ máy hành chính vẫn còn hơn 60%.
"Việc phải mất hơn 60% từ khoản chi ngân sách thường xuyên cho bộ máy hành chính rõ ràng là khoản còn lại chi cho phát triển kinh tế xã hội còn thấp. Từ đó, ảnh hưởng tới các kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các khoản chi đầu tư công phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội khác", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Ông Đinh Trọng Thịnh dẫn số liệu, ở một số quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản… thống kê cho thấy cứ khoảng 300 - 400 người mới có một cán bộ công chức, thì ở Việt Nam con số này là 7 người dân có một công chức. Theo ông Thịnh, vấn đề này đã được nhận thức, đã thực hiện giảm thiểu tinh gọn biên chế nhưng rõ ràng là chưa có kết quả như mong muốn.
"Dù việc tinh giản biên chế là việc làm phức tạp nhưng chúng tôi nghĩ là đã tới lúc cần thực hiện và phải quyết tâm làm cho bằng được.
Vừa qua, sự quyết tâm tinh giản bộ máy cũng đã được thể hiện qua lời kêu gọi của Tổng Bí thư càng cho thấy đây là vấn đề cực kỳ cấp thiết và quan trọng. Nếu quyết tâm thực hiện được việc tinh giản bộ máy thì từ đó, chúng ta có thể thay đổi cơ cấu chi tiêu ngân sách Nhà nước, tăng cường cho đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng và tạo ra sự phát triển cho kinh tế của đất nước", ông Thịnh nêu quan điểm.
Để thực hiện việc tinh giản bộ máy, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị điều quan trọng nhất là kế hoạch hóa, cụ thể hoá được chức năng của cán bộ trong các bộ máy quản lý của Nhà nước. Hiện tình trạng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" diễn ra ở nhiều đơn vị quản lý của Nhà nước. Đây là điều cần phải thay đổi.
Vị chuyên gia tài chính nhấn mạnh: "Theo tôi, muốn thay đổi phải định danh được với mỗi cán bộ, công chức, viên chức có vai trò gì và phải thực hiện những công việc gì. Giảm thiểu được nhân sự, tinh giản bộ máy nhưng lại chọn được người tài, người làm được việc và đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất. Có như thế thì việc nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức viên chức cũng mới thực hiện được".
Ông Thịnh nhớ lại những năm 1975 khi tham gia vào chính quyền cơ sở. Thời điểm đó chỉ có 3 cán bộ và một tiểu đội du kích nhưng quản lý phường Tân Sơn Nhì khoảng 3.500 dân mà mọi hoạt động vẫn được triển khai rất tốt.
Ở thời điểm hiện tại, với sự phát triển của khoa học, công nghệ thì việc tinh giản bộ máy cũng càng dễ hơn. Có rất nhiều công việc đã được số hoá và quản lý trên hệ thống chứ không quản lý bằng giấy tờ như trước đây nữa. Từ đó, công tác quản lý cũng được giảm công sức của nhân sự rất nhiều và chặt chẽ hơn.
"Trước mắt, chúng tôi cho rằng với điều kiện ở nước ta thì có thể chỉ cần sử dụng 30 đến 50% cán bộ, công chức viên chức so với số lượng như hiện này là cũng đủ để quản lý được.
Tuy nhiên, việc thay đổi biên chế, tinh gọn bộ máy phải được thay đổi từ trung ương đến địa phương. Trước đây, chúng ta đã có tinh giản bộ máy ở cấp cơ sở. Cần xem xét Bộ nào cần sáp nhập, bộ nào cần giải thể và Bộ nào chuyển lại thành Tổng cục. Để tinh giản và đảm bảo quản lý được, như tôi đã nói ở trên là phải định danh được công việc của các bộ phận đang có sự trùng lặp hoặc quản lý lĩnh vực tương đồng", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Tinh gọn bộ máy: Yếu tố con người là quan trọng nhất
Nhìn lại những lần sắp xếp lại bộ máy thời gian qua, TS Nguyễn Văn Tạo - Học viện Hành chính quốc gia cho rằng tổ chức bộ máy đã từng bước được sắp xếp lại, đặc biệt là sau Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
"Những thay đổi về thể chế, bộ máy, con người đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho đất nước phát triển với những thành tựu to lớn trong thời gian vừa qua", TS Nguyễn Văn Tạo nhận xét.
Tuy nhiên, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ AI ngày càng được ứng dụng nhiều vào trong cuộc sống, bộ máy của cả hệ thống chính trị ngày càng bộc lộ những bất cập như cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thủ tục hành chính rườm rà, việc phân định chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan không rõ ràng dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao…
Những bất cập trong tổ chức bộ máy tạo ra những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước, cần được khơi thông. Yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay là phải sắp xếp lại bộ máy trong toàn hệ thống chính trị một cách quyết liệt, toàn diện như một cuộc cách mạng.
Việc sắp xếp bộ máy theo hướng "Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh là một thời cơ bởi chúng ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
"Theo tôi để thực hiện cuộc cách mạng trong tổ chức sắp xếp bộ máy trong toàn hệ thống chính trị yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Bộ máy "tinh – gọn" thì những người làm việc trong bộ máy đó cũng phải "tinh", phải vừa hồng, vừa chuyên vừa có sức khỏe, trình độ, đạo đức, đáp ứng được yêu cầu của công việc trong bối cảnh mới. Khi yếu tố con người được đảo bảo ắt bộ máy đó sẽ mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", TS Tạo đề xuất.
Cải cách bộ máy là một công việc vô cùng phức tạp và nhạy cảm bởi liên quan đến con người, quyền lợi nên cần quyết tâm chính trị cao, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần sự đồng lòng, ủng hộ của toàn xã hội và đặc biệt là cần sự hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, vì tương lai của đất nước và dân tộc.
TS Nguyễn Văn Tạo tin tưởng: "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị sẽ là cơ sở, tiền đề, động lực đảm bảo cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy sẽ thành công, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới".
Những lần bộ máy Chính phủ có sự thay đổi
Đã có thời kỳ, Chính phủ có 36 bộ ngành (khóa 9, giai đoạn 1992 - 1997). Đến khóa 10, nhiệm kỳ 1997 - 2002, Chính phủ có 48 đầu mối. Đến khóa 11, nhiệm kỳ 2002 - 2007, Chính phủ có 38 đầu mối gồm: 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ.
Đến khóa 12, nhiệm kỳ 2007 - 2011, bộ máy Chính phủ được sắp xếp còn 30 đầu mối gồm: 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Cuộc sắp xếp, sáp nhập bộ, ngành vào giữa năm 2007 đã hình thành bộ máy Chính phủ theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Cụ thể, Bộ Công nghiệp sáp nhập với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương. Bộ Thủy sản nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Văn hóa – Thông tin tách ra thành 2 ngành, trong đó ngành văn hóa sáp nhập với Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch hình thành nên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; còn Cục Báo chí, Cục Xuất bản được sáp nhập vào Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, Chính phủ cũng giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và chuyển các chức năng của Ủy ban này sang các bộ có liên quan.
Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân số được chuyển sang Bộ Y tế; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Qua nhiều cuộc sắp xếp, sáp nhập, bộ máy Chính phủ giữ ổn định từ khóa 12 (2007 - 2011) đến nay với 30 đầu mối gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
18 bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường.
Bốn cơ quan ngang bộ gồm: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.