Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi diện tích làm muối kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) có 225 hộ chuyển đổi, với diện tích gần 50ha, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã lên gần 100ha.
Trong đó, diện tích chủ yếu là nuôi cá song, cá vược, tôm sú. Giá trị sản xuất bình quân mỗi năm đạt 450 triệu đồng/ha.
Đến thăm 1ha nuôi trồng thủy sản của anh Vũ Hồng Tuân với mô hình nuôi cá hồng Mỹ, những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Tuân chia sẻ: Cá hồng Mỹ phù hợp môi trường nước lợ, dễ nuôi, có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện môi trường và với các loại thức ăn.
Đặc biệt, cá hồng Mỹ giống mà tôi lựa chọn nuôi không chỉ ít công chăm sóc mà còn có giá trị kinh tế cao.
Mỗi năm tôi bán vài nghìn con cá hồng Mỹ giống ra thị trường và hơn 2 tấn tôm thẻ chân trắng, hơn 2 tạ tôm sú giống cho thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá Hồng Mỹ của anh Vũ Hồng Tuân, xã Thụy Xuân (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Chia tay anh Tuân, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Viết Yên, xã Thái Đô, cũng áp dụng mô hình nuôi con đặc sản.
Sau 6 năm nuôi tôm công nghiệp, năm 2021 anh Yên chuyển sang nuôi cá chim vây vàng. Từ 1.000 con cá chim vây vàng đến nay anh đã nuôi hơn 3.000 con trên diện tích 2ha.
Anh Yên chia sẻ: Cá chim vây vàng là đối tượng nuôi mới tại địa phương. Cá chim vây vàng dễ nuôi hơn một số loài cá khác do tỷ lệ ương giống cá này đạt 100%, sức đề kháng cao...
Tuy nhiên, để nuôi thành công loài cá này, các yếu tố về kỹ thuật cần được bảo đảm như việc xử lý trước khi thả giống, môi trường nước. Sau 5 tháng nuôi, cá chim vây vàng đạt khoảng 0,5kg/con với giá bán 140.000 đồng/kg.
Ông Bùi Hữu Khiên, xã Thụy Trường được biết đến là gương nông dân làm kinh tế giỏi. Năm 2022, ông đầu tư hơn 400 triệu đồng làm chuồng và mua 30 cặp chồn hương giống có nguồn gốc rõ ràng.
Sau 1 năm chăn nuôi, nhờ áp dụng đúng quy trình chăm sóc, chồn đạt trọng lượng 8kg/con, với giá bán trên 2 triệu đồng/kg.
Ông Khiên chia sẻ: Chồn hương rất dễ nuôi bởi sức đề kháng tốt, có thể thích nghi được với mọi loại hình thời tiết. Nuôi chồn hương tốn ít diện tích, ít công chăm sóc, chi phí thức ăn thấp (2.000 - 3.000 đồng/con/ngày).
Với tập tính ở rất sạch, ngủ trên sàn nên người chăn nuôi chỉ cần giữ khô chuồng trại, tránh ẩm ướt chồn hương sẽ phát triển tốt.
Mô hình của ông Khiên đã mở ra hướng phát triển chăn nuôi con đặc sản mới để bà con trong và ngoài huyện đến học tập và áp dụng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) ngoài mô hình của anh Tuân, anh Yên, ông Khiên còn có hàng trăm mô hình chăn nuôi các con đặc sản khác như ba ba, nhím, dúi, cá sủ, cá vược... mỗi năm mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng cho các hộ chăn nuôi.
Ông Lê Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) cho biết: Trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình chăn nuôi con đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như: xã Thụy Xuân, Thụy Hải nuôi cá sủ, cá vược, cá song, cá hồng Mỹ; xã Thái Đô nuôi tôm, cua, cá; xã Thụy Trường nuôi chồn, dúi.
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các mô hình nuôi con đặc sản.
Ngoài ra, triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi con đặc sản cho nhân dân, đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân.
Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm tại một số địa phương. Thường xuyên tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp điều kiện địa phương, không chạy theo phong trào, tự phát.
Đồng thời, hướng dẫn các hộ thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, bảo đảm vệ sinh môi trường. Mặt khác, khuyến khích người chăn nuôi chủ động liên kết với các đơn vị để chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, cung ứng nguồn giống bảo đảm chất lượng.