Trong đợt thu hoạch lúa mùa 2024 vừa qua, bà Diêm Thị Vân (SN 1968) –ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang rất phấn khởi vì năng suất lúa tăng, đặc biệt giảm hẳn các chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới.
Bà Vân cho biết: "Đây là vụ thứ 4 gia đình tôi cấy lúa theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, chuyển giao. Nhớ lại vụ đầu tiên, khi mới bắt tay thử nghiệm 2 sào lúa, tôi cũng lo lắng lắm bởi mấy chục năm nay, tôi chỉ quen với phương pháp canh tác truyền thống.
Nhưng qua thực tế triển khai, tôi nhận thấy chỉ với một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa; tưới ướt - khô xen kẽ; làm cỏ sục bùn; bón phân hữu cơ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh sau thu hoạch, phương pháp này cho thấy hiệu quả rõ rệt so với phương pháp cấy lúa truyền thống. Đến nay, hơn 6 sào lúa của gia đình tôi đều được trồng theo phương pháp canh tác mới này".
Tham gia mô hình, bà Vân đã tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về canh tác lúa thân thiện với môi trường do Hội Nông dân tỉnh, huyện, xã tổ chức. Đặc biệt, được cán bộ kỹ thuật "cầm tay chỉ việc" thực tế ngay trên ruộng lúa, bà Vân đã áp dụng thuần thục các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.
"Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, nông dân chúng tôi hiểu khi canh tác lúa thân thiện với môi trường sẽ đem lại nhiều lợi ích. Vì thế, tôi rất tin tưởng vào dự án, tự giác thực hiện nghiêm theo quy trình. Đến nay, tôi đã thực hiện tốt 3 kỹ thuật mới đó là tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng phân bón hợp lý thông qua bảng so màu lá lúa và dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ đúng cách"- bà Vân nói.
Bên cạnh những lợi ích đạt được về kinh tế như tăng năng suất lúa, giảm phân bón thì điều bà Vân tâm đắc nhất đó là việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
"Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nông dân chúng tôi thường đốt rơm rạ tại ruộng, cả làng cùng đốt rơm rạ sau thu hoạch gây khói mù mịt, rất khó chịu. Biết là không tốt, gây ô nhiễm môi trường nhưng chúng tôi cũng không biết phải xử lý ra sao. Tham gia dự án, chúng tôi được Hội Nông dân tuyên truyền, vận động không đốt rơm rạ mà thực hiện ủ rơm rạ bằng chế phẩm sinh học. Chúng tôi được hỗ trợ chế phẩm sinh học và kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch đúng cách"- bà Vân nói.
Bà Vân đánh giá cao lợi ích của việc ủ rơm rạ bằng chế phẩm sinh học vừa góp phần bảo vệ môi trường mà còn có tác dụng làm cho chân ruộng đất tơi xốp hẳn ra vì được tăng độ mùn cho đất, lúa dễ chăm vì không bị nghẹt rễ, cây lúa cứng cây, khỏe mạnh, ít sâu bệnh hẳn.
"Vụ đầu kết quả chưa thấy rõ đâu, nhưng từ vụ thứ 2 trở đi, chúng tôi thấy rõ lợi ích và kết quả của việc xử lý rơm rạ đúng cách. Vụ lúa 2025 này, gia đình tôi tiếp tục canh tác lúa thân thiện với môi trường" – bà Vân nói.
Ông Dương Văn Hà – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn cho biết: Hội Nông dân xã vinh dự được chọn là 1 trong 18 xã tham gia Dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường giai đoạn 3 (2023 – 2025). Tham gia dự án, Hội Nông dân xã đã chủ động báo cáo Đảng ủy xã xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp với UBND xã xây dựng kế hoạch lựa chọn địa điểm, lựa chọn hộ xây dựng mô hình đảm bảo theo yêu cầu của mô hình để triển khai tổ chức thực hiện.
Hội Nông dân xã đã lựa chọn thôn có điều kiện giao thông, nguồn nước tưới chủ động, lựa chọn 2 hộ đảm bảo các tiêu chí tham gia mô hình điểm là bà Diêm Thị Vân và Ngô Thị Thúy An. Đây là những nông dân có trách nhiệm, tâm huyết và gương mẫu thực hiện mô hình.
Từ những tấm gương, những mô hình thực tế như bà Vân, bà An, nông dân trên địa bàn xã Phúc Sơn đã có thay đổi rõ rệt về nhận thức canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Đến nay, trên cánh đồng lúa xã Phúc Sơn sau thu hoạch không còn tình trạng đốt rơm rạ nữa. Ngoài việc thu gom rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò, các hộ còn tận dụng rơm rạ tại ruộng để làm phân bón, hoặc ủ gốc cây.
Bên cạnh đó, tình trạng bón phân hóa học bước đầu đã giảm so với trước. Trước kia chưa áp dụng nông dân thường bón đạm nhiều (từ 4-5kg/sào) và bón lai rai trong nhiều giai đoạn phát triển của cây lúa, hiện nay các hộ đã giảm lượng bón ít hơn (từ 1,5-2 kg/sào), lựa chọn phân bón NPK thay cho đạm đơn, bón đủ lượng theo giai đoạn phát triển và nhu cầu của cây lúa.
Việc tưới dưỡng nước cho cây lúa cũng được thay đổi nhận thức. Thay vì việc duy trì thường xuyên nước trên ruộng, các hộ đã thực hiện tưới ướt khô xen kẽ, chủ động rút nước vào các giai đoạn theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
"Sau bão cơn bão số 3 vừa qua, các giống lúa khác hầu như bị đổ hết, riêng ruộng lúa J02 áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường nên cây lúa cứng cây, không bị đổ và cho năng suất tốt" - ông Dương Văn Hà nói.
Qua quá trình triển khai, xây dựng mô hình lúa J02 trong vụ mùa năm 2024, xã Phúc Sơn có 82 hộ tham gia, diện tích 11,3 ha áp dụng cả 3 phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường. Ngoài ra còn khoảng 440 hộ áp dụng 1-2 phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích khoảng 87,3 ha.
Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Việc triển khai mô hình theo Dự án tuyên truyền, vận động nông dân canh tác lúa thân thiện tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương pháp canh tác của hội viên, nông dân. Qua đó, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, nhằm bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng bền vững".
Từ thành công của các mô hình điểm, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn bên các khu ruộng đối chứng để người dân dễ dàng so sánh được sự hiệu quả, tính ưu việt của mô hình đem lại.
Để bảo đảm tính ổn định bền vững, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang sẽ xây dựng những nhân tố nòng cốt từ các mô hình thí điểm theo hình thức "nông dân dạy nông dân" để nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh, góp phần tăng năng suất, bảo vệ môi trường.