Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn khen ngợi Hội Nông dân Bắc Giang thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn khen ngợi Hội Nông dân Bắc Giang thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường
Thu Hà
Thứ hai, ngày 25/11/2024 19:05 PM (GMT+7)
Tại Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói vừa qua, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã nêu điển hình và đánh giá cao Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang về tuyên truyền, vận động hơn 70.000 nông dân của tỉnh canh tác lúa thân thiện với môi trường với tổng diện tích trên 7.100ha, góp phần chuyển đổi xanh nông nghiệp bền vững.
Đồng hành cùng nông dân chuyển đổi xanh phát triển nông nghiệp bền vững
Tại Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lắng nghe nông dân nói, khi trả lời câu hỏi của nông dân Hoàng Đình Quê – tỉnh Bắc Giang về việc hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi xanh, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã nói về Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường của Hội Nông dân Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cũng dành nhiều lời khen cho Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt mô hình này.
"Hội Nông dân Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức quốc tế thực hiện xây dựng các mô hình hiệu quả, trong có có Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường. Hội Nông dân đã thực hiện hiệu quả dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường ở 24 tỉnh, thành. Điển hình như ở tỉnh Bắc Giang, mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường đã được thực hiện và nhân rộng với hơn 70.000 nông dân gia với diện tích hơn 7.100ha đã tạo sức lan toả" - Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nói.
Được biết, Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam" được triển khai từ năm 2020 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tổ chức EarthCare Foundation thực hiện với 3 mục tiêu: Hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; giúp nông dân quảng bá về sản phẩm canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Dự án được triển khai tại 24 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống Hội Nông dân các cấp với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, chủ động của Ban Quản lý Dự án thuộc Hội Nông dân 24 tỉnh.
Tại tỉnh Bắc Giang khi triển khai dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các biện pháp canh tác lúa khoa học giúp giảm chi phí, nâng năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Giai đoạn 1, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang triển khai dự án ở 4 xã: Tư Mại, Tiến Dũng (Yên Dũng); Nghĩa Hưng, Đào Mỹ (Lạng Giang). Giai đoạn 2 mở rộng thêm các xã: Lương Phong, Xuân Cẩm (Hiệp Hòa); Tân Hiệp (Yên Thế).
Giai đoạn 3 (2023-2025), Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thực hiện dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn 18 xã, phường. Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang là địa phương duy nhất trong cả nước được Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn tham gia giai đoạn này.
Về kết quả xây dựng mô hình, giai đoạn 3 này, Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở hướng dẫn xây dựng 36 mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn 18 xã, phường gồm: Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng); Bảo Sơn, Bảo Đài (Lục Nam); Hương Mai, Tự Lạn (thị xã Việt Yên). Quy mô thực hiện 2 sào/mô hình; mức hỗ trợ 1 triệu đồng/mô hình.
Các mô hình áp dụng triệt để 3 kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường là: Sử dụng 100% phân vi sinh; tưới nước đúng kỹ thuật; sử dụng rơm rạ đúng cách.
Nông dân Bắc Giang nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường
Đánh giá về hiệu quả dự án này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định: Dự án đã góp phần tác động tích cực lên nhiều mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường.
Đầu tiên về mặt kinh tế, qua đánh giá, diện tích lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích lúa ruộng truyền thống cho thấy bộ rễ phát triển mạnh hơn; cây lúa khoẻ hơn; cứng cây; khả năng chống lại sâu bệnh tốt hơn; khả năng đẻ nhánh khoẻ; tỉ lệ hạt chắc trên bông và số bông hữu hiệu trên khóm tăng; giúp năng suất cao hơn từ 20 - 30%.
Việc chuyển sang canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp chi phí canh tác giảm giảm; cụ thể lượng giống (từ 1,5 - 2kg/sào xuống còn 0,7 - 1kg/sào), giảm lượng phân hóa học 20 – 30%.
Bên cạnh hiệu quả có được từ cắt giảm chi phí, năng suất lúa canh tác thân thiện với môi trường tăng từ 7 - 8 tạ/ha, giúp tăng hiệu quả kinh tế 9 – 10 triệu đồng/ha.
"Nông dân Bắc Giang rất phấn khởi, đây là nền tảng cơ bản nhất để Hội Nông dân Bắc Giang triển khai nhân rộng mô hình" - ông Lã Văn Đoàn nói.
Tiếp đến là về mặt xã hội: Dự án triển khai đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nông dân từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng của cây.
Dự án đã thu hút trên 70.000 nông dân chuyển từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường (đạt 100% kế hoạch) với tổng diện tích trên 7.100 ha (đạt 142% kế hoạch). Đa số các hộ đã thực hiện tốt kỹ thuật sử dụng rơm rạ đúng cách (hạn chế tối đa việc đốt rơm rạ sau thu hoạch); giảm phân đạm; quản lý nước theo từng giai đoạn phát triển của lúa.
Dự án còn góp phần quan trọng tác động tích cực với môi trường khi giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Trước hiệu quả của mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đang thực hiện các giải pháp nhân rộng.
"Đặc biệt, ngày 30/9/2024 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định phê duyệt Đề án "Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030". Đây là cơ hội tốt để Hội Nông dân nhân rộng diện tích canh tác lúa thân thiện với môi trường trên toàn tỉnh Bắc Giang"- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang nói.
Theo đó mục tiêu tổng quát của Đề án là nhân rộng diện tích trồng lúa phát thải thấp gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường để gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Mỗi năm phấn đấu xây dựng được mô hình trình diễn trên diện tích 500 ha lúa 2 vụ/ năm; đến năm 2030 xây dựng được mô hình trình diễn trên tổng diện tích 3.000 ha lúa được sản xuất theo 3 kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường.
Đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức cho cán bộ hội nông dân các cấp trong tỉnh về canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ năng cần thiết để trở thành tuyên truyền viên vận động nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.