Chủ tịch Hội Nông dân xã ở Bắc Giang có cách làm hay vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường
Chủ tịch Hội Nông dân xã ở Bắc Giang có cách làm hay vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường
Đức Thịnh
Thứ năm, ngày 21/11/2024 19:00 PM (GMT+7)
Với vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, anh Đồng Văn Kiên đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn xã áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp giảm chi phí, nâng năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Hội Nông dân xã tích cực tuyên truyền nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường
Anh Đồng Văn Kiên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hòa cho biết: Giai đoạn 2023-2024, xã Nghĩa Hòa là một trong 18 xã trong toàn tỉnh được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân huyện Lạng Giang lựa chọn tham gia mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường
"Chúng tôi rất phấn khởi khi được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lựa chọn tham gia mô hình. Đây là cơ hội giúp Hội Nông dân xã khuyến khích nông dân trồng lúa thay đổi hành vi từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường, với mục đích tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn thông qua việc áp dụng triệt để 3 kỹ thuật. Đó là sử dụng hợp lý phân bón; sử dụng rơm rạ đúng cách và quản lý nước ướt, khô xen kẽ cho lúa" – anh Đồng Văn Kiên nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về tình hình địa phương, anh Đồng Văn Kiên cho biết: Nghĩa Hòa là một xã nằm ở phái Bắc của huyện Lạng Giang có diện tích đất tự nhiên là 741 ha trong đó diện tích đất để canh tác lúa là 195 ha/vụ
"Nông dân trong xã đã quen với phương pháp canh tác lúa truyền thống. Chính vì vậy, khi tuyên truyền, vận động bà con nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Trước đây, bà con trong xã thường giữ nước liên tục trong ruộng lúa khiến bộ rễ phát triển kém, cây dễ bị đổ, giảm năng suất; bón phân chưa đúng liều lượng, thời kỳ. Rơm rạ sau thu hoạch thường được đốt tại ruộng làm phát sinh khói bụi, gây ô nhiễm môi trường và nhiều tác hại khác" – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hòa chia sẻ.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh Đồng Văn Kiên đã luôn trăn trở làm sao để có thể tuyên truyền, vận động được hội viên nông dân trong xã nhận thức được, từ đó tích cực áp dụng theo.
Vụ mùa năm 2023, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hòa - Đồng Văn Kiên đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã thực hiện 2 mô hình tại 2 hộ: bà Đồng Thị Sáu ở thôn Vàng và hộ ông Nguyễn Văn Thùy thôn Sâu. Quy mô 4 sào/mô hình, trong đó 2 sào thực hiện theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, 2 sào đối chứng thực hiện theo phương pháp canh tác truyền thống.
Để có kiến thức tuyên truyền, vận động bà con nông dân, bản thân Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hòa Đồng Văn Kiên cũng đã tích cực tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức. Hội Nông dân xã phối hợp cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn tuyên truyền phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; tiến hành lựa chọn thôn nơi triển khai mô hình, hiểu được tập quán canh tác của từng nơi; lựa chọn hộ tham gia, hướng dẫn nông dân cặn kẽ từ khâu làm đất sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh …
Năng suất lúa tăng, nông dân phấn khởi
Là một trong những chủ hộ tham gia dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường từ những ngày đầu, bà Đồng Thị Sáu chia sẻ: "Được các cấp Hội Nông dân và trực tiếp là Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Văn Kiên tuyên truyền, tham gia các buổi tập huấn, chúng tôi hiểu khi canh tác lúa thân thiện với môi trường sẽ đem lại nhiều lợi ích. Vì thế, chúng tôi tin tưởng vào dự án, tự giác thực hiện nghiêm theo quy trình. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện khá tốt 3 kỹ thuật mới đó là tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng phân bón hợp lý thông qua bảng so màu lá lúa và sử dụng rơm rạ đúng cách".
Mấy vụ lúa vừa qua, bà Sáu đều sử dụng ống đo mực nước để làm căn cứ điều chỉnh lượng nước trong ruộng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây. Nhờ vậy, cây lúa phát triển tốt, bộ rễ khỏe, bám chặt, hạn chế sâu bệnh hại, đồng nghĩa với việc hạn chế thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường.
Bà Sáu cũng sử dụng bảng so màu lá lúa nhằm đánh giá chính xác nhu cầu phân bón của cây, từ đó bón phân đúng liều lượng, thời kỳ. Sau khi thu hoạch, bà Sáu sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ ngay tại ruộng, tạo thành nguồn phân bón hữu cơ chất lượng. Nhờ thay đổi thói quen canh tác, vụ Xuân năm 2023, bà Sáu thu được 280 - 300kg thóc/sào.
Anh Đồng Văn Kiên phấn khởi nói: "Từ những mô hình cụ thể như bà Sáu, ông Thùy, sau 2 vụ triển khai, đến nay vụ Mùa năm 2024, Hội Nông dân xã Nghĩa Hòa đã mở rộng diện tích áp dụng từ 1 đến 3 kỹ thuật đã được nhân rộng lên 87 ha trong đó nông dân áp dụng 3 kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường 19ha, áp dụng 2 kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường 30ha; áp dụng 1 kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường 38ha.
Việc áp dụng triệt để cả 3 kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường đem lại những hiệu quả rõ rệt so với canh tác theo phương pháp truyền thống. Qua đánh giá kết quả một số chỉ tiêu, bước đầu đã cho thu được những kết quả tích cực, năng suất tăng từ 10 -15%. Đặc biệt, đất được cải tạo rõ rệt do việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh, cùng với việc sử dụng 100% phân bón hữu cơ nên tầng canh tác dày, tơi xốp hơn, tăng cường hàm lượng mùn và hoạt động của các vi sinh vật.
Từ những kết quả tích cực đạt được, vụ Xuân năm 2025, Hội Nông dân xã Nghĩa Hòa tiếp tục triển khai mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích 35ha lúa áp dụng cả 3 kỹ thuật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.