Dân Việt

Một nơi mang tên Pa Ủ ở Lai Châu, "trèo" lên thấy "nàng tiên nâu" chạy mất rồi, dân thoát nạn này

Mỹ Hằng - Diệu Linh 28/11/2024 05:45 GMT+7
Người La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu một thời được gọi là dân tộc "lá vàng". Họ sống lang thang trong rừng sâu, không ở ổn định ở nơi nào. Theo đó, tình trạng nghiện thuốc phiện và sự lạc hậu khiến người La Hủ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

Tình trạng nghiện thuốc phiện và sự lạc hậu khiến người La Hủ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trải qua bao gian nan, giờ đây người La Hủ đã biết cấy lúa, trồng trọt, chăn nuôi và ổn định cuộc sống…

Những ngày sơ khai

Đầu những năm 2000, mỗi khi nhắc tới đường lên Pa Ủ, ai cũng lắc đầu ái ngại. Nơi rừng sâu, núi thẳm, đường xá lầy lội, đi lại vô cùng khó khăn. Sống ở nơi sơn cùng thủy tận, nên người La Hủ gần như tách biệt với bên ngoài. Vào xã Pa Ủ lần đầu, tôi may mắn được gặp Trung tá Nguyễn Minh Trung (nguyên Đồn trưởng Pa Ủ (309) - người đã gắn bó với đất này 30 năm có lẻ) chia sẻ về hành trình vươn lên đầy nhọc nhằn của người La Hủ. Ông Trung kể, lần đầu gặp các chiến sĩ biên phòng, họ thường tránh tiếp xúc và e dè. Sau mỗi lần tiếp xúc là họ chuyển sâu hơn vào trong rừng. Do ngôn ngữ bất đồng nên việc tiếp cận với tộc người này càng khó hơn. Phải mất nhiều năm, nhiều lần dân vận và cán bộ biên phòng phải học nói tiếng La Hủ mới dần tiếp cận được tộc người này.

Ngày mới ở Pa Ủ không còn khói thuốc phiện - Ảnh 1.

Trẻ em người La Hủ ở xã Pa Ủ đã được học hành đến nơi đến chốn. Ảnh: T.G

"Nguy cơ về trồng cây có chất gây nghiện đã được xóa bỏ. Bản không còn người nghiện. Thay vào đó là một cuộc sống mới tràn đầy sự tiến bộ của người La Hủ".

Ông Thàng Xuân Ly -

Phó Chủ tịch UBND xã Pa Ủ

Do bà con sống triền miên ở nơi rừng sâu núi thẳm, nên mọi tập tục của họ cũng vô cùng khác người. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn. Trẻ em không được đi học, ai ốm đau, họ dùng mấy nắm lá rừng để chữa cho qua cơn nguy kịch. Sống ở trong những cái lán nhỏ, nên người La Hủ khi đó không dùng giường. Họ ngủ ngồi. Đêm đến cả nhà quây quần quanh bếp lửa. Thói quen này đã có từ thuở trước, mãi sau này họ mới dần bỏ được. "Ngày đầu nhìn thấy họ cứ ôm ngối ngủ ngồi, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Vận động họ làm giường để ngủ, họ bảo nằm ngủ không quen" - ông Trung chia sẻ.

Khi đó, người La Hủ còn nhiều lạc hậu. Trong bản có nhiều người nghiện thuốc phiện. Có những lúc trên địa bàn có trên 100 người nghiện thuốc phiện. Dưới sự vào cuộc vận động của Đồn biên phòng 309, các cấp, các ngành của huyện, tỉnh cùng chung tay, người dân cũng đã nhận ra tác hại của thuốc phiện và đa số đã đoạn tuyệt với nó. Những người không đủ nghị lực tự cai tại cộng đồng đã được đưa lên Đồn biên phòng 309 cai nghiện và hiệu quả cũng khá cao.

Ông Phàn Xạ Chô - người ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, đã bước sang tuổi 60, nhưng nói tiếng phổ thông còn lơ lớ. Đó là dấu tích còn sót lại trong những năm ở nơi thâm sơn cùng cốc. Hôm chúng tôi đến nhà, ông Chô đang nấu rượu ngô. Hóa ra ông đã học được cách nấu rượu của người Kinh. Ông Chô bảo: "Sắp đón cái tết của cán bộ người Kinh, gia đình nấu nồi rượu để mời cái cán bộ uống chia vui. Người La Hủ ơn cái cán bộ nhiều lắm. Có cán bộ, người La Hủ mới có được cuộc sống như ngày hôm nay".

Ngày mới ở Pa Ủ không còn khói thuốc phiện - Ảnh 2.

Người La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu trồng cây ăn quả, cuộc sống đã có bước tiến bộ vượt bậc. Ảnh: T.G

Cạnh nồi rượu, ông Chô còn luộc nồi sắn to. Thấy chúng tôi vào, ông đưa đĩa sắn luộc lên mời, ông còn đọc được câu thơ có vần có điệu do cán bộ dạy cho: "Khoai bùi trong ruột, sắn bùi trong lòng. Người La Hủ hết cảnh điêu tàn là ơn cán bộ biên phòng nhiều lắm". Ngôi trong ngôi nhà được xây dựng kiên cố, giữa ngày đông rét mướt, ông Chô càng cảm nhận rõ hơn tấm lòng và thịnh tình mà cán bộ biên phòng dành cho tộc người La Hủ.

Nhắc chuyện xưa, ông Chô cầm tay chúng tôi mà rưng rưng nước mắt, ngày trước người La Hủ gặp người lạ là chạy trối chết, không ai muốn về ở tập trung tại một nơi cả. Cả dân tộc tôi quen sống nay đây, mai đó, nên khi cán bộ đến vận động về sống tập trung là sợ lắm. Cái sợ đó nó bắt sâu từ nguồn cội người La Hủ. Thế hệ nọ sinh ra nối tiếp đời kia ở trong rừng. Cả đời chưa hề tiếp xúc với thế giới văn minh, nên khi đó, người La Hủ dù biết chuyển ra trung tâm xã sẽ có cuộc sống tốt hơn, nhưng không ai muốn…

Pa Ủ không trồng cây có chất gây nghiện

Trải qua bao năm, người La Hủ vẫn tiếp tục gắn bó với rừng, với núi. Lực lượng biên phòng, trực tiếp là các chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Ủ phải từng bước tiếp cận với tộc người này. Nghe được cán bộ nói tiếng của mình, bà con mới không lánh xa. Cán bộ còn 3 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Sau mỗi mùa trăng, người La Hủ càng hiểu được tấm lòng của cán bộ biên phòng. Thay vì đề phòng, họ đã dần nghe theo sự vận động, từ bỏ cuộc sống ăn hang ở hốc.

Ông Thàng Xuân Ly - Phó Chủ tịch UBND xã Pa Ủ cho biết, lúc cao điểm, tại 12 bản của xã Pa Ủ đều có người nghiện ma tuý. Xã có 127 người nghiện được quản lý. Khi đó, xã đã phối hợp chặt chẽ với Đồn biên phòng 309 đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của ma tuý. Đồng thời, vận động nhân dân tham gia xây dựng mô hình "xã không có ma tuý", phát động phong trào "vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" tuyên truyền.

Người được cai nghiện phải cam đoan thực hiện đúng quy định của đoàn công tác. Bộ đội Biên phòng tỉnh phân công 4 đồng chí, Đồn biên phòng 309 cử 2 đồng chí quân y có nghiệp vụ và kinh nghiệm về cai nghiện ma tuý để theo dõi và điều trị cai nghiện cho từng trường hợp. Lực lượng Biên phòng còn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế hành chính đối với các đối tượng nghiện nặng, ngoan cố, không tự giác đi cai nghiện tại cộng đồng. Sau một tháng cai nghiện, các đối tượng tham gia được cấp giấy chứng nhận. Khi họ trở về địa phương, gia đình phải viết giấy cam đoan không để họ tái nghiện.

Việc bà con người La Hủ về ở tập trung ở các bản là thành quả bao sự nỗ lực của Đồn biên phòng Pa Ủ. "Cuộc sống của người La Hủ đã có bước tiến vượt bậc. Bà con đã biết trồng lúa nương, ở nhà kiên cố và con cái của họ được học hành đến nơi đến chốn. Nguy cơ về trồng cây có chất gây nghiện đã được xóa bỏ. Bản không còn người nghiện. Thay vào đó là một cuộc sống mới tràn đầy sự tiến bộ của người La Hủ" - ông Thàng Xuân Ly chia sẻ.