Loại rau mọc đầy ở Việt Nam, ăn ngon lại được Tổ chức Y tế Thế giới ghi vào danh mục cây thuốc

Kim Phương (Cổng TTĐT Sở Y tế Đồng Nai) Thứ hai, ngày 24/04/2023 05:10 AM (GMT+7)
Rau Sam là một loại rau mọc hoang, ăn được, không có độc tính, có nhiều chất bổ dưỡng như sinh tố A, B1, B2, C, PP, một số khoáng chất và nhiều acid béo omega-3.
Bình luận 0

Trong danh mục những cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới có ghi cây rau sam dùng chữa được các bệnh thấp khớp, phụ khoa, giảm đau, lợi tiểu, trợ tim, trị sốt cao, giun kim, kích thích tiết mật...

Ngoài tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, có thể cải thiện nồng độ cholesterol cao trong máu, rau Sam còn là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong việc điều trị các chứng viêm nhiểm đường ruột và đường sinh dục tiết niệu…

Thứ rau dại mọc đầy ở Việt Nam, ăn đã ngon lại được Tổ chức Y tế Thế giới ghi vào danh mục - Ảnh 1.

Rau sam ở Việt Nam thường mọc hoang, mọc dại ở các ruộng, trong vườn, ở các nơi ẩm thấp ven đường. Rau sam đối với người Việt Nam là một trong những loại rau dại ngon miệng, bổ dưỡng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc...

Rau Sam còn có Tên khoa học là Portulaca Oleracea L. thuộc họ Rau Sam Portulacea. Rau Sam là một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẻ trong những luống hoa màu. 

Thân rau sam gồm nhiều cành mẩm, nhẳn, màu đỏ nhạt, mọc bò lan trên mặt đất. Lá rau sam hình bầu dục, phần đáy lá hơi nhọn, không cuống, phiến lá dày, mặt láng. Hoa rau sam màu vàng. Hạt rau sam màu đen. 

Ở nước ta rau sam thường chỉ mọc hoang. Hiếm khi thấy rau sam được gieo trồng hoặc bày bán làm thức ăn. Tuy nhiên nhiều gia đình ở nông thôn vẫn dùng rau sam để luộc hoặc nấu canh ăn như những loại rau trồng khác. 

Rau sam không có chất độc,các chất dinh dưỡng có trong rau sam nói chung cũng tương đương như nhiều loại rau ăn thông thường, nhưng đặc biệt hàm lượng vitamin E rất cao (10-12mg/100g rau sam) gấp 7 lần rau xà lách.

Theo các tài liệu cổ: Rau sam vị chua, tính hàn, không độc, vào các kinh tâm, can và tỳ, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu, chữa lỵ ra máu, viêm khớp xương cấp tính, hậu môn sưng đau, trĩ, sưng tinh hoàn cấp tính, bạch đới (khí hư), các chứng lở.

Theo kinh nghiệm dân gian, rau sam là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong các chứng viêm nhiểm đường ruột và đường sinh dục, tiết niệu. 

Có một số trường hợp viêm cầu thận, viêm bàng quang hoặc viêm đường niệu đạo dây dưa nhiều ngày do vi trùng đã lờn thuốc kháng sinh Tây y nhưng lại đáp ứng rất tốt với rau sam. Với liều khoảng 600gram rau tươi một ngày, sắc cô lại cho bệnh nhân uống mỗi 2 hoặc 3 giờ thường không quá một ngày các chứng buốt, rát, đau quặn đã biến mất

*Một số bài thuốc Nam có rau sam thường dùng trong dân gian:

Chữa viêm tuyến vú: Rau sam 50 g, phác tiêu 6 g, giã nát đắp vào chỗ đau.

Chữa khí hư, bạch đới ở phụ nữ.

Rau Sam tươi 100gr

Giả nát vắt lấy nước, hoà với 2 lòng trắng trứng gà, khuấy đều, hấp chín. Chia ra ăn làm 2 lần trong ngày. Ăn từ 3 đến 5 ngày.

Chữa đái ra máu: Rau sam 60 g, mã đề 7 cây. Sắc uống ngày một thang. Uống liền 3 ngày, kiêng thức ăn cay.

- Hái rau sam nấu canh ăn hằng ngày, ăn liên tục 4-7 ngày là khỏi.

Chữa lỵ: Rau sam 30 g, lá mơ lông 20 g, cỏ seo gà 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.

Hoặc: Rau sam 30 g, hoa dâm bụt trắng 15 g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm gan virus: Rau sam 150-400 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

Chữa quai bị: Rau sam giã nát, đắp vào chỗ sưng đau.

Chữa rôm sảy: Rau sam tươi lượng vừa đủ, giã nát lấy nước pha tắm.

- Chữa xích bạch đới (khí hư có nhiễm khuẩn, đục, dính...): dùng 100g rau sam tươi giã nát, vắt lấy nước, hòa với lòng trắng trứng gà hấp chín mà ăn. Ăn liên tiếp 3-5 ngày là khỏi.

- Đái buốt: Dùng rau sam tươi giã nát, vắt lấy nước mà uống, bã xoa khắp cơ thể.

Chữa xơ vữa động mạch, làm hạ độ cholesterol trong máu.

Rau Sam tươi 100gr

Gừng sống 3 lát

Luộc hoặc nấu canh ăn hàng ngày. Ăn cả nước lẫn xác. Có thể thêm vào gia vị tuỳ thích. Thỉnh thoảng ăn mỗi đợt từ 5 đến 7 ngày.

Ngoài ra, trong nhân dân còn hay giã nát rau sam tươi đắp lên mụn nhọt cho ngòi mụn dễ ra. Hoặc cho thêm nước đem sắc đặc, dùng bôi lên chỗ chốc đầu của trẻ em cho mau lành.

Lưu ý: Vì rau Sam hoạt huyết và tính hàn nên không sử dụng cho người có thai. Với những bệnh nhân có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lõng, khi sử dụng rau sam cần được phối hợp tốt với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ. 

Ngoài ra do hàm lượng nitrate và oxalate có trong rau sam nên cần thận trọng khi dùng với người có tiền sử về sạn thận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem