Rau sam xanh tím xưa nhổ đi không hết, nay hóa hàng hiếm, ăn mát lành lại là cây thuốc

Thanh Như Thứ ba, ngày 06/12/2022 07:51 AM (GMT+7)
Quả thực, với các loài cỏ cây, rau dại mọc hoang trong vườn đơn sơ, từ lâu cũng trở thành những vị thuốc dân gian luôn sẵn ở trong vườn mà hữu hiệu...Chị nhớ hồi trước, ngày nắng khó tìm, chứ mùa mưa thì rau sam nhiều lắm.
Bình luận 0

Hơn 2 năm vắng mặt do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, những ngày hè này, chị mới lại đưa con về thăm mẹ. Mảnh đất bên dòng Đăk Bla (tỉnh Kon Tum) nơi chị sinh ra và lớn lên ấp ôm bao kỷ niệm thân thương, cho dù đã xa nhiều năm để đến sống ở thành phố lớn, lòng chị vẫn luôn ngóng chờ. Trở về với mẹ, thương lại càng thương.

Bữa cơm chiều nay không hề báo trước, vẫn đạm bạc, đơn sơ mà ấm áp, ngon lành. Mớ rau càng cua tươi non đã lâu mới tự tay mình ngắt hái, chị trộn nước mắm ngọt - chua, gợi nhớ những ngày xưa cũ.

 Ngày ấy, mấy chị em tầm mười hai, mười ba. Nhà nhỏ mái tôn pờ-rô-xi măng ở cuối làng. Mảnh vườn chừng hơn một sào, nhưng tập trung nhiều loại trái. Cha mẹ chịu khó, siêng chăm, tiếng thơm cả vùng biết đến. 

Ngày ấy, cuốc, xới chỉ nhờ vào đôi tay, nên đến cây rau dại mọc lên, tự nhiên cũng thành một phần máu thịt. Gần gũi nhất, không gì bằng giống càng cua. Càng cua tự mọc, dễ lên, sức sống dẻo dai cả trong khô hạn. Nó dòng thân mảnh, song mọng nước ở bên trong nên mềm mại, lại khá giòn. Chỉ cần đụng nhẹ bàn tay, đã có thể gãy lìa.

Chẳng biết đến tự phương nào, mà đất cát, đất nâu, chỗ nào càng cua cũng đều bén rễ. Mạnh nhất là trong mùa mưa, nhiều khi, mọc ngay giữa vồng chậu hoa, cây cảnh. Càng cua ngắt vào, chỉ cần nhặt bỏ một chút đoạn gốc, còn lại dùng cả thân cả lá. Rau rửa sạch, vắt ráo, được trộn với nước mắm ớt tỏi chua ngọt, thêm ít đậu phụng rang vàng, giã dập, có ngay một đĩa ngon lành. Ngày ấy, thi thoảng càng cua trộn rau còn được mẹ thêm ít thịt ba chỉ thái sợi, hay nhúm tép rang, hương vị càng thêm đậm đà.

 Mùa mưa là mùa của rau càng cua, cũng như các loài rau dại vốn quen trong mỗi bữa cơm gia đình đạm bạc.

Đã lâu, con gái nhỏ của chị mới lại háo hức cùng bà ngoại nhẩn nha quanh vườn để hái rau dại. Đã lâu, mẹ nó cũng mới gặp lại màu xanh tím rau sam.

Chị nhớ hồi trước, ngày nắng khó tìm, chứ mùa mưa thì rau sam nhiều lắm. Tuổi đời của nó không dài, chỉ sau chừng hơn 1 tháng đã nở hoa vàng chi chít chùm bé xíu. 

Đủ thứ rau dại trong vườn, rau sam xanh tím xưa nhổ đi không hết, nay hóa hàng hiếm, đi chợ mà gặp là may - Ảnh 2.

Rau sam-một loài rau dại xưa kia mọc rất nhiều sau những cơn mưa đầu mùa. Ngày nay, rau sam trở thành rau đặc sản nơi phố phường, không phải lúc nào cũng gặp mà mua. Rau sam ăn mát lành lại phòng, hỗ trợ chữa được nhiều bệnh...Ảnh: TN

Ngày ấy, mẹ chị thường hái rau sam luộc sơ. Nước rau được làm canh chan cơm có vị chua chua, ngọt thanh, át luôn chút hườm chan chát. Rau sam không chỉ luộc thuần, nhiều lúc được nấu “tập tàng” cùng với rau dền, rau muống, rau lang.

Còn nhớ, một thời kham khó đã qua, chỉ cần vài “cữ” rau sam, là cái bụng “ỏng” khá lâu của lũ trẻ con đã không còn gì phải lo lắng.

Quả thực, với các loài cỏ cây, rau dại đơn sơ, từ lâu cũng trở thành những vị thuốc dân gian luôn sẵn ở trong vườn mà hữu hiệu. 

Như loài cỏ hôi dù cái tên chẳng mấy “dễ nghe”, song từ lúc sơ sinh, tất cả những đứa cháu yêu đều được mẹ chị giã ra lấy nước, “rơ” cho sạch miệng, hay chữa sổ mũi, viêm xoang. 

Chút lá cỏ lào hăng hăng, cay ngái, cầm máu ngay khi chẳng may đứt tay. Nắm cỏ xước mọc trong hoang dại trị cảm, viêm, tăng huyết áp, bạch hầu.

Đã lâu, mới trở về với bồ kết, hương nhu, với nắm cỏ hôi cùng mần trầu thành nồi nước gội đầu như những ngày con gái. Mùa mưa là mùa của rau dại, cỏ cây. Với chị, kỷ niệm ngày nào như vẫn đâu đây, cho mộc mạc, đơn sơ một thời mãi còn ở lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem