Dân Việt

Trung An giải thể 2 công ty con, tập trung vào bán buôn gạo trong bối cảnh liên tục thua lỗ

Nguyễn Phương 04/12/2024 12:18 GMT+7
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã: TAR) đã ra Nghị quyết về việc giải thể hai công ty con để sắp xếp lại cơ cấu tổ chức.

Liên tục thua lỗ, gạo Trung An (TAR) tuyên bố giải thể 2 công ty con 

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An, HNX: TAR) mới ra thông báo về việc giải thể công ty con.

Theo đó, Trung An đã quyết định giải thể 2 công ty con gồm: Công ty TNHH MTV Xuất khẩu gạo Trung An (trụ sở đường Nguyễn Trọng Quyền, KV Phụng Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) và Công ty TNHH MTV Kinh doanh Bất động sản Trung An (trụ sở khu vực 6. phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Trung An cho biết việc giải thể 2 công ty là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức công ty.

Như vậy, sau khi giải thể 2 công ty con trên, Trung An còn duy nhất công ty con là CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang - doanh nghiệp chuyên bán buôn gạo tại Kiên Giang, được thành lập năm 2016.

Ngoài ra, Trung An còn sở hữu 2 công ty liên kết là Công ty TNHH Novotech - Trung Hưng và Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Kinh doanh Xuất khẩu gạo Việt Đức.

Trung An giải thể 2 công ty con, tập trung vào bán buôn gạo - Ảnh 1.

Nhằm cơ cấu lại tổ chức, Gạo Trung An đã giải thể Công ty TNHH MTV Xuất khẩu gạo Trung An và Công ty TNHH MTV Kinh doanh Bất động sản Trung An.

Xét về hoạt động kinh doanh, Trung An đang sa lầy trong khó khăn. Báo cáo quý III cho thấy doanh nghiệp này lỗ tiếp hơn 22 tỷ đồng và đã lỗ 31 tỷ đồng kể từ đầu năm. Nguyên nhân do chi phí sản xuất và chi phí lãi vay đều cao hơn cùng kỳ.

Trong quý III/2024, doanh thu thuần của Trung An giảm 20% so với cùng kỳ, đạt 730 tỷ đồng. Biên lãi gộp chỉ đạt khoảng 3%, giảm so với mức 5% cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi các chi phí, Trung An báo lỗ 22 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp Trung An báo lỗ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Trung An lỗ 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty vẫn lãi 13 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/09/2024, tổng tài sản của Trung An đạt 2.930 tỷ đồng, phần lớn là tài sản ngắn hạn (2.246 tỷ đồng). Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.756 tỷ đồng, tương đương 60% tổng tài sản. Tuy nhiên, nợ phải trả của Trung An cũng ở mức đáng báo động, lên tới 1.704 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính chiếm 1.676 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.

Những con số này cho thấy tình hình kinh doanh của Trung An đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là áp lực từ chi phí tài chính và biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp. Dù doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm có sự tăng trưởng, nhưng điều này không đủ bù đắp cho sự gia tăng của chi phí, dẫn đến kết quả kinh doanh lũy kế không như kỳ vọng.

Ngày 21/5/2024, cổ phiếu TAR của Trung An bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Phiên giao dịch cuối cùng diễn ra vào ngày 20/5/2024 trước khi cổ phiếu chuyển sang UPCoM với diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần từ ngày 31/5/2024.

Cho đến nay, Việt Nam là vựa lúa hàng đầu thế giới với nhiều thế mạnh và lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế nhưng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành gạo chưa tương xứng.

Không chỉ Trung An mà nhiều doanh nghiệp cùng ngành như Lộc Trời hay Angimex cũng đều chịu chung cảnh tương tự. Một phần nguyên nhân đến từ giá vốn quá cao, khiến các doanh nghiệp khó kiếm lợi nhuận.

Được biết, tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến ngày 15/11 đã lên 8,05 triệu tấn, trị giá 5,05 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu gạo đã vượt 5 tỷ USD.

Cụ thể: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, với kết quả 293.484 tấn gạo đạt được trong nửa đầu tháng 11/2024, đã nâng tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2024 lên 8,05 triệu tấn, trị giá 5,05 tỷ USD…

So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo tăng 9,16% về khối lượng, tăng 21,49% về kim ngạch. Xuất khẩu gạo tăng trưởng ấn tượng là nhờ giá gạo xuất khẩu đạt mức cao ngay từ đầu năm, giá bình quân 626 USD/tấn, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới đang tăng trở lại trong tuần qua và gạo Việt Nam vẫn duy trì mức cao nhất thế giới, đạt 515-520 USD/tấn vào cuối tuần trước và thời điểm này đạt 522 USD/tấn.