Thị trường gạo nhiều biến động, Lộc Trời, Trung An, PAN đặc mục tiêu kinh doanh 6 tháng cuối năm như thế nào?

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 23/07/2024 08:30 AM (GMT+7)
Mặc dù kết quả kinh doanh những tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng nhưng nhìn chung các doanh nghiệp lớn ngành gạo như Lộc Trời, Trung An, PAN... đều khá lạc quan về triển vọng kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024. Vậy kỳ vọng 6 tháng cuối năm của các doanh nghiệp này ra sao?
Bình luận 0

Loạt 'ông lớn' Lộc Trời, Trung An, PAN đều lạc quan về triển vọng kinh doanh cuối năm

Theo biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra vừa qua, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) đã chốt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024 là 50 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra, cổ đông Lộc Trời cũng thông qua kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu từ UPCoM sang sàn HOSE trong năm 2024. 

Lộc Trời lạc quan về triển vọng kinh doanh cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam.

Lộc Trời cho biết doanh thu năm nay dự kiến đạt 20.000 - 24.000 tỷ đồng từ xuất khẩu gạo và các hoạt động khác. Từ giờ đến cuối năm Lộc Trời sẽ ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo tương đương hơn 400 triệu USD. 

Về phân phối lợi nhuận, Lộc Trời dự kiến trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu. Lộc Trời theo đó sẽ phát hành thêm 30,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 30% và tăng vốn điều lệ lên trên 1.300 tỷ đồng.

HĐQT Lộc Trời cũng trình kế hoạch chi trả cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế mỗi năm bằng hình thức cổ phiếu cho giai đoạn 2024-2025. Công ty sẽ không chia tiền mặt đến hết năm 2025 (lần trả cổ tức tiền mặt gần nhất là vào tháng 10/2022 đối với phần cổ tức của năm 2021). Lộc Trời đang có khoản vay với Ngân hàng FMO (Hà Lan), phía ngân hàng yêu cầu cam kết chia cổ tức bằng cổ phiếu trong cả năm 2024 và 2025.

Trong quý I, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.849 tỷ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng lương thực - lúa, gạo đóng góp tới 85% tổng doanh thu, tương ứng 3.286 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ; bù đắp cho doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm 40% xuống 371 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh 65%, kéo lãi gộp Lộc Trời giảm 10% về 245 tỷ đồng; biên lãi gộp giảm từ 11% của cùng kỳ xuống 6%.

Doanh thu tài chính kỳ này ở mức 33 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong khi chi phí tài chính tăng hơn 28% lên 188,6 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay cùng khoản lỗ tỷ giá hối đoái đã khiến lợi nhuận của Lộc Trời bị bào mòn.

Lộc Trời đã lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng quý I, tăng lỗ so với mức 81,2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.

Thị trường gạo nhiều biến động, Lộc Trời, Trung An, PAN đặc mục tiêu kinh doanh 6 tháng cuối năm như thế nào?- Ảnh 1.

Lộc Trời đã lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng quý I, tăng lỗ so với mức 81,2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.

Với CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Mã:TAR), tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã nghị quyết thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 3.100 tỷ đồng và lãi sau thuế 31 tỷ đồng.

Giống như Lộc Trời, Trung An cũng kỳ vọng về triển vọng kinh doanh cuối năm. Theo Trung An, việc giá lúa gạo điều chỉnh thấp hơn ở thời điểm này giúp Công ty chủ động và thu mua được dễ hơn. Trung An dự đoán giá gạo sẽ hồi phục khi mà dịp cuối năm nhu cầu nhập khẩu gạo thường cũng tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam.

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Trung An đạt 715,4 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ 2,7 tỷ đồng, giảm tới 68% so với cùng kỳ 2023.

Như vậy, kết thúc quý I, Trung An mới chỉ thực hiện được hơn 23% chỉ tiêu doanh thu nhưng mới đạt 9% mục tiêu lợi nhuận của năm.

Trước đó, năm 2023, BCTC hợp nhất của Trung An ghi nhận lỗ ròng gần 16 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 68 tỷ đồng, do áp lực từ chi phí tăng cao và lỗ tỷ giá. Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết (năm 2019).

CTCP Tập đoàn PAN Group (Mã: PAN) thì cho biết, năm nay PAN đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 14.780 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 1.057 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 10% so với mức cao kỷ lục của năm 2023. Tập đoàn PAN tin tưởng sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa trong nửa cuối năm có thể đem đến kết quả kinh doanh vượt trội.

PAN đang có lợi thế lớn để kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tốt trong năm nay khi kết thúc quý I/2024, Tập đoàn PAN đã ghi nhận lãi ròng tăng 57% so với cùng kỳ năm trước với các mảng kinh doanh chính đều tăng trưởng tích cực. Quý I/2024 doanh thu thuần của PAN đạt 3.462 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn PAN thu về 168 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý I/2024, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn PAN cho biết, các mảng kinh doanh chủ lực như giống cây trồng, gạo đóng gói, khử trùng và nông dược, tôm xuất khẩu, bánh kẹo, hạt đóng gói, cá tra xuất khẩu… đều có sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và tiếp tục hứa hẹn cho kết quả kinh doanh tốt trong nửa còn lại của năm. 

Kịch bản nào cho ngành lúa gạo những tháng cuối năm? 

Trong quý II vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 5,6% so với quý I song vẫn cao hơn 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Ấn Độ xem xét nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo có thể khiến giá mặt hàng này tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới, tuy nhiên ngành gạo của Việt Nam dự kiến sẽ vẫn thuận lợi nhờ nhu cầu thị trường ở mức cao.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý II đạt gần 2,4 triệu tấn, trị giá 1,46 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và 2,4% về trị giá so với quý I, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm nhẹ 0,6% về lượng nhưng tăng tới 14,7% về trị giá.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 4,55 triệu tấn, với trị giá thu về gần 2,9 tỷ USD, tăng 7,4% về lượng, tăng 28,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong quý II đạt 618 USD/tấn, giảm 5,6% so với quý I nhưng tăng 15,4% so với quý II năm 2023. Nếu so với giá đỉnh đạt được vào tháng 1 năm nay thì giá gạo giao dịch của Việt Nam trên thị trường thế giới những tháng gần đây có giảm nhưng mặt bằng chung vẫn cao hơn các năm.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của nước ta đạt bình quân 635 USD/tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL cũng giảm từ 5 – 10% vào quý II. Như vậy, tính đến cuối tháng 6 đầu tháng 7, giá lúa gạo nội địa đã giảm khoảng 15 – 25% so với đầu năm, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giá lúa vẫn đang cao hơn từ 5 – 8% và giá gạo là 13 – 15%.

Thị trường gạo nhiều biến động, Lộc Trời, Trung An, PAN đặc mục tiêu kinh doanh 6 tháng cuối năm như thế nào?- Ảnh 2.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của nước ta đạt bình quân 635 USD/tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp đều dự báo, xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc vào cuối năm nay khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam. Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc vẫn là những thị trường tiêu thụ chính của gạo Việt Nam. Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nếu Ấn Độ bãi bỏ, nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo thì giá gạo trên thế giới điều chỉnh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhu cầu về gạo của các nước trên thế giới hiện nay vẫn ở mức cao và các doanh nghiệp vẫn có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.

Còn theo kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thì nếu Ấn Độ thay đổi chính sách xuất khẩu gạo của họ cũng sẽ diễn ra từng bước, tránh gây tác động tiêu cực cho thị trường chung. Hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp dự kiến sẽ vẫn thuận lợi do chủng loại và phân khúc thị trường tiêu thụ của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ. Điều quan trọng các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng đảm bảo chất lượng gạo, duy trì phong độ xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, mặc dù giá có xu hướng giảm, xuất khẩu gạo năm nay vẫn được đánh giá khá tốt, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều hưởng lợi, đã có sự phân hóa dựa trên đặc thù ngành, năng lực và hiệu quả vận hành của từng doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu 290.035 tấn gạo với giá trị 177 triệu USD, tăng lần lượt 15% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 612,3 USD/tấn.

Theo dự báo của USDA, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo trong năm 2024 và 7,5 triệu tấn trong năm 2025.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem