Xuất khẩu gạo tăng mạnh, Trung An, Lộc Trời, Angimex vẫn còn ngổn ngang trong gian khó

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 24/09/2024 09:25 AM (GMT+7)
Mặc dù xuất khẩu gạo tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành này như Trung An, Lộc Trời, Angimex lại không mấy khả quan...
Bình luận 0

Trung An, Lộc Trời, Angimex vẫn khó khăn

Vừa qua, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) đã công bố BCTC bán niên soát xét 2024. Trong đó, công ty kiểm toán đã điều chỉnh tăng lỗ thêm 7,5 tỷ đồng so với báo cáo do Trung An tự lập trước đó.

Cụ thể, doanh thu thuần sau soát xét ghi nhận 3.179,1 tỷ đồng, giảm 7% so với trước khi soát xét. Bù lại giá vốn cũng điều chỉnh giảm 7% xuống còn 3.087,8 tỷ đồng. Nhờ vậy lợi nhuận gộp vẫn được giữ ở mức 81,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, phần doanh thu tài chính của TAR đã bị kiểm toán giảm xuống chỉ còn 5,3 tỷ đồng, tương đương điều chỉnh giảm tới 62%. Do sự điều chỉnh này mà công ty đang từ ghi nhận lãi 772 triệu đồng trở thành lỗ 7,5 tỷ đồng.

Giải trình về chênh lệch lợi nhuận sau khi soát xét, Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết do kiểm toán điều chỉnh lại lãi dự thu của các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, điều chỉnh chênh lệch tỷ giá, đánh giá lại tỷ giá của khoản vay ngân hàng có gốc ngoại tệ.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh, Trung An, Lộc Trời, Angimex vẫn ngập trong khó khăn, thua lỗ - Ảnh 1.

Với CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG), đến thời điểm hiện tại, Lộc Trời vẫn chưa công bố BCTC quý II/2024 và BCTC bán niên năm 2024. Trong thông báo mới nhất, Công ty tiếp tục xin gia hạn thời gian công bố do chưa thể khắc phục được các sự kiện bất khả kháng.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời lại vừa công bố đơn từ nhiệm vị trí thành viên Ban kiểm soát của ông Tiêu Phước Thạnh.

Trong đơn, ông Tiêu Phước Thạnh cho biết vì lý do cá nhân, ông đề nghị Đại hội đồng cổ đông và Ban kiểm soát chấp thuận đơn.

Trước ông Thạnh, vào ngày 22/07, bà Nguyễn Thị Thúy - Thành viên BKS Lộc Trời cũng có đơn từ chức. Như vậy, Ban kiểm soát Lộc Trời hiện chỉ còn Trưởng ban Uday Krishna.

Giữa tháng 8 vừa qua, ông Johan Boden cũng có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc Trời vì lý do cá nhân. Đáng chú ý, ông Johan Boden mới được bầu vào HĐQT Tập đoàn Lộc Trời nhiệm kỳ 2024-2029 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tổ chức ngày 26/6.

Trước đó, vào giữa tháng 7/2024, HĐQT Tập đoàn Lộc Trời ra quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, cho biết sẽ tạm thời điều hành hoạt động của tập đoàn cho tới khi bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.

Trong quý I, Lộc Trời lỗ ròng gần 97 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 81 tỷ đồng cùng kỳ, và kém xa mục tiêu lãi 50 tỷ đồng năm 2024.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh, Trung An, Lộc Trời, Angimex vẫn ngập trong khó khăn, thua lỗ - Ảnh 2.

Khó khăn nhất là CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex Mã: AGM). Theo quyết định được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh ban hành, cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 10/9/2024.

Cổ phiếu AGM của Angimex bị đưa vào diện kiểm soát là do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2024, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ cho kỳ tài chính 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2024 của Angimex cho thấy, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay âm 98,3 tỷ đồng so với âm 54,6 tỷ đồng ghi nhận trong cùng kỳ năm 2023.

Tại ngày 30/6/2024, Tập đoàn có khoản lỗ luỹ kế là 264,2 tỷ đồng vượt vốn chủ sở hữu là 82,2 tỷ đồng. Còn nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 931,9 tỷ đồng. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

Khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn phụ thuộc vào khả năng hoạt động có lãi trong tương lai của tập đoàn. Do vậy, các báo cáo tài chính cho kỳ tài chính 6 tháng kết thúc vào ngày 30/6 vừa qua vẫn được soạn thảo trên cơ sở tập đoàn hoạt động liên tục trong 12 tháng tới.

Xuất khẩu gạo cuối năm nhiều thuận lợi, cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn tốt

Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 8 do ảnh hưởng của mưa lũ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được chào bán với giá 575 - 580 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8 và tăng so với mức 567 USD/tấn của tuần trước đó.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh, Trung An, Lộc Trời, Angimex vẫn ngập trong khó khăn, thua lỗ - Ảnh 3.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo các loại, thu về 4,06 tỷ USD. Ảnh: Chúc Ly

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo các loại, thu về 4,06 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng nhẹ 6% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 21%.

Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu gạo năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ. Các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết, không dễ để đưa ra được nhận định về giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng giá gạo xuất khẩu giảm từ nay đến cuối năm là khó. Ông Nam cho hay, lượng gạo để xuất khẩu từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Trong khi đó, Philippines dự kiến còn nhập khoảng 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem