Dân Việt

Thái Nguyên: Trang trại lợn hoạt động không phép suốt 15 năm xả thải ra sông Cầu, vì sao khó xử lý?

Hà Thanh 03/12/2024 09:57 GMT+7
Một trang trại với quy mô chăn nuôi trên 1.000 con lợn thịt/lứa được xây dựng trên phạm vi hành lang thoát lũ và không đầy đủ cơ sở pháp lý. Thế nhưng từ năm 2009 đến nay trang trại này vẫn hoạt động và xả thải ra môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Phản ánh tới Báo điện tử Dân Việt, một số người dân sinh sống tại xóm Dẫy (xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trên địa bàn xóm đang tồn tại một trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô lớn, không được cơ quan chức năng cấp phép nhưng vẫn hoạt động suốt 15 năm nay. Trang trại thường xuyên có những hoạt động xả thải ra sông Cầu đoạn đi qua khu vực xóm Dẫy gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Thái Nguyên: Trang trại lợn hoạt động không phép 15 năm xả thải ra Sông Cầu - Ảnh 1.

Trang trại lợn của gia đình ông Đào Văn Hiểu (xóm Dẫy, xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) có quy mô chăn nuôi hơn 1.000 con lợn thịt/lứa. Ảnh: Hà Thanh.

Để tìm hiểu thực tế, cuối tháng 11/2024, PV Dân Việt đã tìm đến UBND xã Đào Xá đề nghị cung cấp thông tin và hướng dẫn đường đi, tiếp cận được phía mặt sau của trang trại nêu trên. 

Theo quan sát của PV, khu vực này cách dòng sông Cầu chưa đầy 30m và cách một số hộ dân sinh sống ở các khu vực lân cận từ 50 đến 100 m. Xung quanh trang trại được bao bọc bởi một hệ thống tường rào kiên cố, phía trong là các dãy chuồng trại chăn nuôi có diện tích lên đến cả nghìn m2, còn phía ngoài là một lượng phân lớn, đen kịt được chủ trang trại bơm ra phủ kín một diện tích lớn ruộng vườn.

Thái Nguyên: Trang trại lợn hoạt động không phép 15 năm xả thải ra Sông Cầu - Ảnh 2.

Một lượng phân lớn, đen kịt được chủ trang trại bơm ra phủ kín một diện tích lớn ruộng vườn. Ảnh: Hà Thanh.

Hình ảnh PV ghi nhận cho thấy, bên cạnh một lượng phân lớn được chủ trang trại bơm ra ruộng đồng còn có một đường cống được xây bằng gạch dẫn nước thải từ bên trong trang trại ra. Đường nước thải này không được đưa vào các bể chứa cạnh đó mà chảy qua một con mương nhỏ rồi đổ thẳng ra sông Cầu.

Thái Nguyên: Trang trại lợn hoạt động không phép 15 năm xả thải ra Sông Cầu - Ảnh 3.

Đường cống được xây bằng gạch dẫn nước thải từ bên trong trang trại ra bên ngoài. Ảnh: Hà Thanh.

Thái Nguyên: Trang trại lợn hoạt động không phép 15 năm xả thải ra Sông Cầu - Ảnh 4.

Chất thải từ trang trại lợn chảy qua con mương nhỏ rồi đổ ra sông Cầu. Ảnh: Hà Thanh.

Lý giải cho các nội dung nêu trên, ông Đào Văn Hiểu - Chủ trang trại cho biết, năm 2009 gia đình ông bắt đầu đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng trang trại lợn này trên phần diện tích đất vườn sẵn có của gia đình, trong đó tổng diện tích chuồng trại xây dựng là 1.400m2 với quy mô chăn nuôi 1.400 con lợn thịt/lứa. 

"Trong quá trình xây dựng do nhận thức của nhà nông, cũng không nghĩ việc xây dựng trang trại là phải xin cấp phép, do vậy cho đến nay gia đình vẫn chưa được cơ quan nào cấp phép cho trang trại hoạt động" - ông Hiểu phân trần.

Thái Nguyên: Trang trại lợn hoạt động không phép 15 năm xả thải ra Sông Cầu - Ảnh 5.

Chủ trang trại lợn cho rằng, 2 bể chứa chất thải được gia đình lắp đặt đến nay không thể hoạt động vì hư hỏng đường ống do bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sau cơn bão số 3 vừa qua. Ảnh: Hà Thanh.

Chủ trang trại lợn này cho biết thêm, về hệ thống xử lý nước thải, ngay từ khi xây dựng chuồng trại gia đình đã lắp đặt 3 bể biogas nhưng đến năm 2016 trước ý kiến phản đối của một số người dân sinh sống ở xung quanh cũng như sự vào cuộc kiểm tra, nhắc nhở của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương gia đình đã lắp đặt thêm 2 bể chứa ngoài tường rào với tổng dung tích 100m3. 

"Nhưng do bị ảnh hưởng bởi đợt lũ sông Cầu lên cao sau cơn bão số 3 vừa rồi làm hư hỏng đường ống và bị bùn tràn vào nên 2 bể này từ đó đến nay không thể hoạt động được", ông Hiểu nói và thừa nhận nước thải từ trang trại chảy ra sông Cầu như hiện nay là chưa đảm bảo yếu tố môi trường.

Thái Nguyên: Trang trại lợn hoạt động không phép 15 năm xả thải ra Sông Cầu - Ảnh 6.

Ông Đào Văn Hiểu - Chủ trang trại lợn xóm Dẫy, xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên thừa nhận nước thải từ trang trại chảy ra sông Cầu như hiện nay là chưa đảm bảo yếu tố môi trường. Ảnh: Hà Thanh.

Về sự việc trên, trao đổi với PV Dân Việt, ông Tô Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Đào Xá (Phú Bình, Thái Nguyên) nêu rõ: "Trang trại của hộ gia đình ông Hiểu được xây dựng từ năm 2009. Theo bản đồ địa giới hành chính 364 thì trang trại này thuộc phạm vi quản lý của xã Đồng Liên trước kia thuộc huyện Phú Bình nay chuyển về Thành phố Thái Nguyên. 

Tại mục 2 điều 83 Luật chăn nuôi 2018 quy định: "Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thuộc khu vực quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này thì trong thời hạn là 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp".

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính xã Đào Xá đã thống nhất điều chỉnh dịch chuyển địa giới hành chính đưa một số hộ xâm cư cũng như diện tích đất xâm canh ở khu vực này về xã Đào Xá quản lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền về việc này. 

Do đó, diện tích đất mà gia đình ông Hiểu xây dựng trang trại hiện nay vẫn do xã Đồng Liên quản lý, chính vì vậy rất khó cho xã Đào Xá trong việc kiểm tra các thủ tục pháp lý của trang trại này để biết trang trại có thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hay không".

Cũng theo ông Bình, cách đây khoảng 4 - 5 năm, sau khi nhận được phản ánh của nhân dân về việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, xã Đào Xá cũng đã phối hợp với xã Đồng Liên kiểm tra và tham mưu với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, từ đó đến nay xã không nhận được thêm ý kiến của cử tri nào nữa".

Qua tìm hiểu của PV Dân Việt được biết, khu vực mà hộ gia đình ông Đào Văn Hiểu xây dựng trang trại hiện nay là khu vực thuộc phạm vi thoát lũ của sông Cầu, đồng thời gần sát với khu dân cư của hai xã Đồng Liên và Đào Xá, do vậy chính quyền địa phương đã không quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại đây.

Với quy mô chăn nuôi 1400 con lợn thương phẩm/lứa như hiện nay của gia đình ông Hiểu, đối chiếu với quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 19 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ - CP) của Chính phủ thì đây là trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và phải xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi được quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật chăn nuôi năm 2018.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Chăn nuôi 2018:

+ Chăn nuôi trang trại bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ;

+ Chăn nuôi nông hộ.

Quy mô chăn nuôi được xác định bằng số đơn vị vật nuôi tại cùng một thời điểm đối với các loại vật nuôi được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 19 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ-CP).

Quy mô chăn nuôi được quy định như sau:

+ Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên;

+ Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi;

+ Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi;

+ Chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi.

- Việc quản lý quy mô chăn nuôi và hệ số đơn vị vật nuôi được quy định tại khoản 3, 4 Điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP (một số nội dung được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 12 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ-CP.

Luật chăn nuôi năm 2018 Điều 58 quy định: Việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.