Hòa Bình: Vụ án không tìm được đối tượng trộm cắp điện, doanh nghiệp phải bồi thường
Hòa Bình: Vụ án không tìm được đối tượng trộm cắp điện, doanh nghiệp phải bồi thường
Nhóm Phóng viên
Thứ bảy, ngày 30/11/2024 08:44 AM (GMT+7)
Tại Hòa Bình, một doanh nghiệp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng chưa xác định được "thủ phạm" gây thất thoát điện năng. Trước đó, 2 cấp Tòa án đã tuyên họ phải bồi thường hơn 3 tỷ đồng.
Ngày 26/07/2023 TAND tỉnh Hòa Bình đã xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp bồi thường hợp đồng mua bán điện giữa nguyên đơn là Tổng Công ty điện lực Miền Bắc và bị đơn là Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình (Công ty Ngọc Thảo) có địa chỉ tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Hội đồng xét xử đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo phải trả cho Công ty điện lực Hòa Bình – Chi nhánh Tổng công ty điện lực Miền Bắc tiền điện theo biên nhận thanh toán số ID 18477365 ngày 09/06/2015 số tiền là 1.254 triệu đồng (một tỷ hai trăm năm mươi tư triệu đồng – làm tròn) và biên nhận thanh toán tiền điện số ID 18477365 ngày 09/06/2015 số tiền là 663,8 triệu đồng (Sáu trăm sáu mươi ba triệu tám trăm nghìn đồng – làm tròn).
Lãi suất chậm trả đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 12/05/2023 ) là 1.135 triệu (Một tỷ một trăm ba mươi lăm triệu – làm tròn). Tổng cộng số tiền Công ty Ngọc Thảo phải trả là hơn 3 tỷ đồng.
Theo nội dung bản án, việc thất thoát điện năng xảy ra tại 02 trạm biến áp 1800 KVA và 1000 KVA thuộc trách nhiệm quản lý của Công ty Ngọc Thảo. Ngày 20/05/2015 điện lực Lương Sơn khi kiểm tra việc sử dụng điện tại Công ty Ngọc Thảo phát hiện 01 sợi dây đồng có tiết diện 0,15mm2 xuyên qua mạch nhị thứ của 03 quả Ti của mỗi điểm đo dùng cấp dòng cho công tơ, gây ngắt mạch dòng Ti làm cho 1 phần dòng diện không đi qua được công tơ tại biến áp 1800kVA và 1000 kVA.
Thông tin với phóng viên ông Nguyễn Xuân Hiên Giám đốc Công ty Ngọc Thảo cho hay, theo định kỳ cứ 10 ngày 1 lần cán bộ điện lực sẽ cùng nhân viên công ty ghi số điện năng tiêu thụ và cán bộ chuyên trách điện lực cũng thường xuyên đến kiểm tra các trạm biến áp. "Các công tơ điện nằm trong khu vực cấp điện, chỉ cán bộ của Công ty điện lực mới mở ra được, nên nếu chúng bị tác động thì là do… ai tác động...?" – ông Hiên đặt câu hỏi.
Theo hồ sơ tài liệu, ngày 24/07/2017 Cơ quan CSĐT – CA tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số: 477/CSĐT – PC46 gửi Điện lực Hòa Bình, văn bản có nội dung "Việc thất thoát điện năng xảy ra tại 02 trạm biến áp 1000 KVA và 1800 KVA của Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình là có thật. Tuy nhiên đến nay cơ quan điều tra chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm".
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Điều hành Công ty Ngọc Thảo, người trực tiếp làm việc với CA tỉnh Hòa Bình và cũng là người có mặt ở hai phiên tòa xét xử (đại diện cho bị đơn) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ một văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền, hoặc HĐXX của cả 2 cấp, kết luận, nhận định, việc đặt "sợi dây đồng xuyên qua mạch nhị thứ" là do nhân viên hoặc cán bộ của Công ty Ngọc Thảo thực hiện.
Còn nội dung chưa làm rõ
Ngay sau phiên tòa xét xử sơ thẩm (ngày 12/05/2023) Viện kiểm sát nhân dân Huyện Lương Sơn đã quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án số: 01/2023/KDTM ngày 12/05/2023 của TAND huyện Lương Sơn. Quyết định kháng nghị số: 01/QĐ –VKS – DS ngày 26/05/2023 có nội dung "Tòa án căn cứ vào Điều 7 của Hợp đồng mua bán điện số 14/000042 giữa Công ty Ngọc Thảo và Công ty Điện lực Hòa Bình để buộc Công ty Ngọc Thảo bồi thường thiệt hại trong trường hợp trộm cắp điện và phương pháp xác định điện năng bồi thường đối với hành vi gian lận theo điều 32 của Thông tư số 27/2023/TT – BCT là không có cơ sở".
Căn cứ để Viện KSND Huyện Lương Sơn kháng nghị là nội dung Văn bản số: 477/CSĐT – PC46 và Thông báo số 333 của Cơ quan CSĐT- CA tỉnh Hòa Bình "Do không đủ căn cứ để xác minh đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và không xác định được chính xác giá trị và sản lượng điện năng thực tế để mất" .
Từ các viện dẫn nêu trên Viện KSND huyện Lương Sơn cho rằng: "Không thể buộc Công ty Ngọc Thảo phải bồi thường trong trường hợp trộm cắp điện" và không có cơ sở để buộc Công ty Ngọc Thảo phải bồi thường sản lượng điện năng trong 37 ngày với số điện năng thất thoát là 260,663kWh.
Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm VKSND tỉnh Hòa Bình đã rút toàn bộ quyết định kháng nghị của VKSND huyện Lương Sơn, nên HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận và đình chỉ xét xử phần kháng nghị của Viện trưởng VKSND Huyện Lương Sơn.
Trao đổi với phóng viên về vụ án này, Luật sư Hoàng Doanh Trung – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, có thể nhận định việc Công ty Ngọc Thảo kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm số: 05/2023/KDTM –PT ngày 26/07/2023 của TAND tỉnh Hòa Bình về việc tranh chấp bồi thường hợp đồng mua bán điện là có cơ sở".
Theo Luật sư Trung, phán quyết của HĐXX cả 02 cấp cũng chưa thực sự thuyết phục bởi vì "chưa xác định được đối tượng trộm cắp điện, chưa xác định được chính xác giá trị và sản lượng điện năng thực tế để mất". Suốt quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT cũng không tìm được "thủ phạm", diễn biến tại hai phiên tòa xét xử của cả hai cấp vẫn không xác định được ai là người gây ra thất thoát điện năng, mà chỉ căn cứ vào Hợp đồng mua bán điện, biên bản xác nhận giữa hai bên .. để buộc doanh nghiệp đền bù thiệt hại là chưa thấu tình đạt lý.
Việc để xảy ra thất thoát điện năng tại 02 trạm biến áp 1000 KVA và 1800 KVA mặc dù có phần trách nhiệm của Công ty Ngọc Thảo vì các trạm này đặt trên mặt bằng của công ty. Tuy nhiên, theo luật sư cũng cần phải xác định trách nhiệm kiểm tra, giám sát, của cán bộ điện lực. Bởi theo quy định cứ 10 ngày cán bộ điện lực kiểm tra ghi số điện năng tiêu thụ một lần đồng thời về nguyên tắc, chỉ có cán bộ điện lực mới có chìa khóa mở tủ công tơ điện.
Sau khi nghiên cứu nội dung phản ánh của Công ty Ngọc Thảo và bản án, để có thông tin chính xác, khách quan, đa chiều, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã gửi Giấy giới thiệu và nội dung trao đổi gửi đến Điện lực Lương Sơn, Công ty Điện lực Hòa Bình.
Sau gần một tháng tiếp nhận thông tin, ngày 24/10, Công ty Điện lực Hòa Bình đã ký văn bản phúc.
Theo Công ty Điện lực Hòa Bình, vụ việc tranh chấp bồi thường hợp đồng mua bán điện giữa Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) mà đại diện là Công ty Điện lực Hòa Bình và Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình đã được Tòa án nhân dân các cấp xem xét thụ lý, xét xử và ra phán quyết.
Cụ thể, Tòa án nhân dân huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình đã xét xử sơ thẩm và có phán quyết tại Bản án số 01/2023/KDTM ngày 12/5/2023.
Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã xét xử phúc thẩm và có phán quyết tại Bản án số 05/2023/KDTM-PT ngày 26/7/2023.
Theo đó, 02 bản án đều quyết định buộc Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình phải trả cho Công ty Điện lực Hòa Bình thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc tổng số tiền: 3.054.044.149 đồng.
Như vậy, theo Công ty Điện lực Hòa Bình, vụ việc tranh chấp bồi thường hợp đồng mua bán điện trên đã được Tòà án nhân dân các cấp xét xử, ra phán quyết theo quy định của pháp luật.
Thêm nữa, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; khoản 1 Điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điểm b khoản 1 Điều 2 và Điều 4 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, EVNNPC và Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình có trách nhiệm tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình (Bản án số 05/2023/KDTM-PT ngày 26/7/2023) và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.