100% xã, phường đều đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định
Sáng 2/12, theo nguồn tin PV Dân Việt, chính quyền tỉnh đã có kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2023 của TP.Quảng Ngãi.
Kết quả thẩm định cho thấy 23 xã, phường của TP.Quảng Ngãi, đã đạt chuẩn 100% theo quy định. Cụ thể 14/14 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 2/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 9/9 phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Trong các tiêu chí đã triển khai quá trình thực hiện xây dựng NTM ở các xã, phường trực thuộc (đều đạt 19/19 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 100%), không ít tiêu chí đạt kết quả ấn tượng và nổi bật, đặc biệt là ở các xã.
Đơn cử như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (tiêu chí số 2 về Giao thông), đến thời điểm này, đường xã được nhựa và bê tông hóa 91,367/91,367 km, đạt tỷ lệ 100% và đường thôn và liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm là 172,689/172,689 km, đạt 100%.
Đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm là 199,577/213,538 km, đạt tỷ lệ 93,45%; đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện 64,593/75,683 km, đạt tỷ lệ 85,35%.
Về điện (tiêu chí số 4), hiện hệ thống lưới điện của 14 xã đã được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện, với 100% số hộ trên địa bàn 14 xã TP.Quảng Ngãi, sử dụng điện thường xuyên và hàng ngày; đảm bảo đủ nguồn năng lượng sử dụng cho các thiết bị sản xuất, sinh hoạt, chiếu sáng trong gia đình…
Ấn tượng kết quả thực hiện thu nhập
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo được xem là 1 trong những tiêu chí (số 10) khó nhất, để hoàn thành xây dựng NTM của 1 địa phương. Tuy nhiên vượt qua những khó khăn, TP.Quảng Ngãi đã đạt kết quả khá ấn tượng trong thực hiện tiêu chí này.
Cụ thể về nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản tại các xã, hiện đã có sự phát triển toàn diện, rõ nét, với nhiều dự án phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại các xã hiện đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với sản phẩm chủ lực có giá trị, như vùng sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nghĩa Dũng (10,22 ha); Nghĩa Hà (3,95 ha); Tịnh Long (1,2 ha), Tịnh Châu (2,6 ha).
Thiết lập được vùng trồng ớt phục vụ xuất khẩu, với diện tích 12 ha tại xã Nghĩa Hà; cấp các mã vùng trồng rau diếp cá, xã Tịnh Châu (1,19 ha); cây dừa xiêm lùn da xanh, xã Tịnh Khê (2,2 ha); xây dựng hạ tầng, kỹ thuật làng hoa Nghĩa Hà, quy mô 9,57 ha.
35 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 2 trang trại đủ điều kiện theo quy định, với sản lượng hàng hóa đạt doanh thu trên 02 tỷ đồng/năm và 33 gia trại hoạt động hiệu quả ( gồm 9 gia trại dê, với quy mô 1.500 con; 18 gia trại chăn nuôi gà, với quy mô 50.000 con/ năm và 6 gia trại chăn nuôi gia súc khác).
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, với tổng diện tích 23,31 ha, trong đó 14,81 ha chuyển sang trồng cây hàng năm và 8,5 ha chuyển sang trồng cây lâu năm, trên diện tích đất 01 vụ lúa, tại các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Hòa, Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà; tỷ lệ đàn bò lai đạt 92% so với tổng đàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt.
Một lĩnh vực nổi bật và đáng chú ý khác của việc thực hiện tiêu chí này, đó là chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), với số lượng được công nhận tính đến cuối năm 2023 là 50 sản phẩm đạt OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 46 sản phẩm đạt 3 sao.
Bên cạnh đó kinh tế biển của TP.Quảng Ngãi, đã có bước phát triển mới, diện mạo nông thôn và đô thị ven biển khởi sắc, với đội tàu thuyền đánh cá tính đến cuối năm 2023 là 1.539 chiếc, chiếm khoảng 40% số tàu thuyền toàn tinh; sản lượng thủy sản khai thác đạt 103.000 tấn, chiếm khoảng 34% so với tổng sản lượng toàn tỉnh…
Với những gì đã làm được nêu trên, đã tạo thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2023, đạt 55,83 triệu đồng/người/năm, tăng 30,13 triệu đồng/người/năm so với năm 2015 và tăng 39,23 triệu đồng/người/năm, so với năm 2011.